Báo Đồng Nai điện tử
En

Việc chưa từng có

10:06, 07/06/2017

Nghị trường Quốc hội đang "nóng" với tờ trình của Chính phủ xin tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành....

Nghị trường Quốc hội đang “nóng” với tờ trình của Chính phủ xin tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Còn ở Đồng Nai, các sở, ngành cũng đầy lo lắng cho việc lập một báo cáo nghiên cứu khả thi chưa từng có.

Kiến trúc hình hoa sen cho Cảng hàng không quốc tế  Long Thành có điểm số cao nhất trong cuộc thi thiết kế.
Kiến trúc hình hoa sen cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành có điểm số cao nhất trong cuộc thi thiết kế.

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với việc cần tách riêng dự án giải phóng mặt bằng tái định cư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành lúc này là hợp lý, vì chỉ có như vậy mới đảm bảo thời gian xây dựng sân bay.

* Đội giá vì kéo dài

Trình bày tại thảo luận tổ trong kỳ họp Quốc hội về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh cho rằng việc tách giải phóng mặt bằng thành một dự án thành phần là cần thiết để thực hiện sớm.

“Càng kéo dài thì chi phí bồi thường càng tăng và mọi công tác triển khai càng khó hơn. Áp dụng giá của năm 2017 dự án đã lên đến 23 ngàn tỷ đồng, tăng thêm 5 ngàn tỷ so với năm 2014. Dự án kéo dài làm ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý người dân” - Phó bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh nhấn mạnh.

Người dân xã Suối Trầu nằm trong dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành xem triển lãm về thiết kế nhà ga sân bay tổ chức cuối năm 2016.
Người dân xã Suối Trầu nằm trong dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành xem triển lãm về thiết kế nhà ga sân bay tổ chức cuối năm 2016.

Quả thực, việc đội giá là điều khó tránh khỏi khi dự án kéo dài. Nhìn lại dự án này cho thấy, khi lập báo cáo tiền khả thi, tiền bồi thường chỉ có 12 ngàn tỷ đồng, tới thời gian Quốc hội thông qua đã tăng lên 18 ngàn tỷ đồng, đến nay tăng lên 23 ngàn tỷ đồng,  gấp đôi so với ban đầu.

Một cán bộ địa chính huyện Long Thành cho hay so với 3 năm trước, hiện nay dân cư ở vùng dự án đã có biến động khá nhiều, vì vậy khi triển khai đền bù phải thống kê lại. “Quản lý đất đai, kiến trúc thì giữ ổn định được nhưng về biến động dân số, giá đất, giá công trình phải đền bù đều đã tăng hơn trước. Dự án kéo dài không những khổ cho dân mà còn khó cho cả địa phương trong việc quản lý” - vị cán bộ địa chính nói.

Để đến năm 2019 có thể khởi công dự án theo kế hoạch và năm 2025 bắt đầu đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác giai đoạn 1, nếu công tác giải phóng mặt bằng không quyết liệt, mốc thời gian này khó thực hiện được.

* “Ném đá dò đường”

UBND tỉnh cuối tháng 5-2017 đã làm việc với các sở, ngành để lấy ý kiến cho việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành thời gian tới. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đặt vấn đề: khi Quốc hội đồng ý tách giải phóng mặt bằng Sân bay Long Thành thành dự án thành phần và Chính phủ giao cho tỉnh lập báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ triển khai như thế nào?

Lãnh đạo tỉnh cũng khẳng định đây là báo cáo từ trước tới nay chưa từng có, việc thuê tư vấn cũng không khả thi. Vì vậy, thực hiện báo cáo này theo dạng “ném đá dò đường”. Ông Lê Quang Bình, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, cho rằng đây là dự án lớn không thể giao cho một sở hoặc một đơn vị nào thực hiện được. Tất cả các sở, ngành liên quan phải cùng thực hiện.

Cùng quan điểm này, Chủ tịch UBND huyện Long Thành Ngô Thế Ân nói: “Bản chất của việc này là đền bù và tái định cư cho dân. Tuy nhiên, do quy mô dự án quá lớn, liên quan đến nhiều sở ngành, vì vậy gắn với lĩnh vực của sở nào thì sở đó sẽ nghiên cứu viết báo cáo thì mới đảm bảo”.

Trong chỉ đạo chuẩn bị tâm thế cho việc thực hiện báo cáo này, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu cần phải thành lập một tổ viết báo cáo, gồm lãnh đạo các sở, ngành và những chuyên viên giỏi tham gia. Trong xây dựng đề cương cần làm thật chắc chắn, lấy ý kiến của các bộ, ngành Trung ương để đảm bảo cấu trúc.

Báo cáo cũng phải làm rõ được việc thực hiện bố trí tái định cư cho dân thật chi tiết từ xây dựng trường học, trạm y tế, cơ quan hành chính, công trình tôn giáo, công trình công cộng và những hỗ trợ cho dân chuyển đổi nghề nghiệp…

Khắc Giới

Tin xem nhiều