Báo Đồng Nai điện tử
En

Nặng lòng với thép

10:10, 02/10/2016

"Nhìn cái bàn bằng gỗ, cái ca bằng nhựa, tưởng chẳng liên quan gì đến thép, nhưng chính những khối thép nặng trĩu này lại tạo nên nó. Ở đây là thép đặc chủng dùng làm lưỡi dao băm, bào, tiện cho ngành chế biến gỗ hay khuôn cho ngành nhựa, giày dép" - ông Trần Quốc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Đại Phát Triển ở huyện Trảng Bom, nói.

“Nhìn cái bàn bằng gỗ, cái ca bằng nhựa, tưởng chẳng liên quan gì đến thép, nhưng chính những khối thép nặng trĩu này lại tạo nên nó. Ở đây là thép đặc chủng dùng làm lưỡi dao băm, bào, tiện cho ngành chế biến gỗ hay khuôn cho ngành nhựa, giày dép” - ông Trần Quốc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Đại Phát Triển ở huyện Trảng Bom, nói.

Ông Trần Quốc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Đại Phát Triển, tại xưởng sản xuất phôi thép.
Ông Trần Quốc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Đại Phát Triển, tại xưởng sản xuất phôi thép.

Học nghề, tạo nghiệp

Mê nghề cơ khí, ông Thắng đã xin vào những công ty gia công cơ khí để làm việc. Ở đây, từ những khối thép vuông, đặc, nặng trĩu đã cho ra những vật dụng phục vụ nhiều ngành công nghiệp sản xuất mà nhu cầu không thể thiếu được. “Khối thép nguyên liệu đưa về rất cục mịch, vô tri, nhưng sản phẩm tạo ra lại rất có hồn, đủ loại, kiểu dáng phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Thấy vậy, tôi cũng thích và quyết tâm theo nghề này” - ông Thắng chia sẻ.

Suốt 5 năm xin vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí để học việc, mong muốn của ông là tích cóp kinh nghiệm sau này sẽ lập nghiệp riêng. Mang trong lòng đầy những trăn trở về nghề nghiệp, nhiều lần ông Thắng không khỏi đắn đo vì thành lập doanh nghiệp không hề đơn giản, rất nhiều thứ phải quan tâm, như: tay nghề, vốn, và đặc biệt là quản lý và phương án kinh doanh. Ông lại phải đầu tư thêm hơn 4 năm theo học đại học ngành quản trị kinh doanh để đáp ứng việc quản lý doanh nghiệp. Theo ông Thắng, nếu chỉ là một công nhân giỏi nghề rồi ra mở doanh nghiệp thì rất khó tồn tại bởi kiến thức quản lý không có, còn chỉ đi học mà không trải nghiệm qua thực tế thì nguy cơ thua lỗ rất cao.

Tạo dựng niềm tin từ sản phẩm

Giải thích về những khối thép to nhỏ đủ kích cỡ,  ông Thắng bộc bạch: “Nhu cầu cho mỗi sản phẩm cần một loại thép khác nhau, các doanh nghiệp sản xuất căn cứ vào đó để đặt hàng. Bán hàng cho các doanh nghiệp Nhật Bản là khó nhất. Khi nhận hàng về, họ luôn đem đi thử xem cấu tạo của thép có đúng như yêu cầu không, nếu không đúng, họ trả lại và còn phạt thêm tiền, làm ăn với họ rất áp lực về chất lượng nhưng về thanh toán thì rất tốt”. 

Cũng từ việc đáp ứng được cho các doanh nghiệp khó tính nên công ty ông đặt được niềm tin cam kết chất lượng cho các khách hàng. Ông Thắng cho biết 80% nguồn hàng của công ty cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Đài Loan ở Biên Hòa, Nhơn Trạch, tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh, còn lại 20% cho công ty Nhật Bản và Hàn Quốc. Để đáp ứng thuận tiện cho khách hàng, cuối năm 2015 ông Thắng đã mở thêm chi nhánh ở TP.Biên Hòa. Theo ông Thắng, nhu cầu về phôi thép cho công nghiệp tăng khá mạnh, khoảng 20-30% mỗi năm. Nhu cầu về phôi thép tăng đồng nghĩa với ngành công nghiệp sản xuất cũng đang tăng trưởng.

Quốc Khánh

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích