Báo Đồng Nai điện tử
En

Mưu sinh bằng nghề "tắm bùn"

10:09, 21/09/2016

Gặp ông Nguyễn Thanh Phú (KP.2, phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) sau mỗi buổi đi làm về, một số người hay nói đùa là ông đi "tắm bùn" để kiếm sống, vì khi ấy cả người ông lấm lem toàn đất, không nhận ra chiếc áo ông đang mặc là màu gì.

Gặp ông Nguyễn Thanh Phú (KP.2, phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) sau mỗi buổi đi làm về, một số người hay nói đùa là ông đi “tắm bùn” để kiếm sống, vì khi ấy cả người ông lấm lem toàn đất, không nhận ra chiếc áo ông đang mặc là màu gì. Nghề ông Phú làm là nhào nặn đất, đưa vào khuôn, tạo nên hình hài cho những sản phẩm gốm trang trí. Thời gian cứ thấm thoát trôi đi, cái nghề “tắm bùn” đã theo ông hơn 30 năm từ khi ông còn là một chàng trai mới 22 tuổi.

Ông Nguyễn Thanh Phú (KP.2, phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) đang tạo hình cho gốm. Ảnh: H. Giang
Ông Nguyễn Thanh Phú (KP.2, phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) đang tạo hình cho gốm. Ảnh: H. Giang

Ông Phú kể: “Ngày ấy nhà nghèo, lớn lên tôi phải kiếm việc làm để tự nuôi mình và phụ cha mẹ.  Tôi không được học nhiều nên phải kiếm việc chân tay để làm. Lúc ấy ở vùng này nghề làm gốm rất phát triển, lương không cao nhưng ổn định. Vậy là tôi xin đi phụ việc trong xưởng gốm”. Đang sức thanh niên, lại có thêm chút lãng tử, hào hiệp nên ông đã đồng ý làm khâu nặng nhọc nhất khi chủ xưởng gốm ngỏ lời. Sau một thời gian ngắn, ông đã trở thành thợ lành nghề trong khâu tạo hình cho gốm, nghề này gần như cực nhọc nhất trong các công đoạn làm gốm. Ngày mưa cũng như ngày nắng, ông đều phải phơi mình ngoài trời. Đôi tay “ngậm” đất quanh năm, cộng với cái nắng gay gắt đã trở nên thô nhám và đen cháy. Gương mặt ông cũng sạm đen vì một tháng có đến hơn 20 ngày ông làm việc trong cái nắng có khi lên đến 38-400C. Tuy nhiên, đôi mắt ông lại khá tinh anh, linh hoạt và luôn toát lên cái nhìn chất phác, dễ gần của người dân vui tính, hiếu khách ở làng gốm truyền thống từng nức tiếng xa gần.

“Thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng chỉ đủ cho tôi cuộc sống đạm bạc, nhưng bù lại tôi thấy khỏe và thanh thản. Dù cực nhọc nhưng mỗi lần gỡ khuôn, nhìn thấy những sản phẩm gốm do mình góp sức để tạo nên, tự dưng tôi lại thấy vui vui. Cảm giác ấy theo tôi mấy chục năm qua nên tôi đã từ bỏ ý định đổi nghề khi có cơ hội” - ông Phú tâm sự. Từng làm việc cho vài xưởng gốm, nhưng ở đâu ông Phú cũng được chủ xưởng quý mến vì ông luôn cần mẫn với công việc. Hiện ông là một trong số ít thợ có tay nghề cứng trong khâu tạo hình và thổi hồn cho những sản phẩm gốm.

Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều