Báo Đồng Nai điện tử
En

Sẽ xóa sổ hàng loạt lò gạch nung

09:06, 20/06/2016

Theo kế hoạch của tỉnh, đến cuối năm nay hàng loạt lò gạch đất sét nung phải đóng cửa và cuối năm 2017 gần như sẽ đóng cửa gần hết các lò gạch đất sét nung, chỉ còn một số lò gạch tuynel hoạt động. Đây cũng là cơ hội cho các loại gạch không nung phát triển.

Theo kế hoạch của tỉnh, đến cuối năm nay hàng loạt lò gạch đất sét nung phải đóng cửa và cuối năm 2017 gần như sẽ đóng cửa gần hết các lò gạch đất sét nung, chỉ còn một số lò gạch tuynel hoạt động. Đây cũng là cơ hội cho các loại gạch không nung phát triển.

Sản xuất gạch ở Hợp tác xã gạch Thăng Long, xã Thạnh phú, huyện Vĩnh Cửu.
Sản xuất gạch ở Hợp tác xã gạch Thăng Long, xã Thạnh phú, huyện Vĩnh Cửu.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện Đồng Nai có gần 140 lò sản xuất gạch đất sét nung ở TP.Biên Hòa, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú.

* Đóng cửa hàng loạt lò gạch

Các lò gạch đất sét nung phần lớn được xây dựng từ năm 2000 với công nghệ là lò thủ công, đến năm 2009 chuyển sang công nghệ lò vòng (Hoffman). Công suất trung bình của mỗi dây chuyền sản xuất từ 5-10 triệu viên gạch mỗi năm.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó giám đốc Sở Xây dựng, cho biết thực tế kiểm tra cho thấy phần lớn các cơ sở sản xuất gạch này xây dựng lò không đúng mục đích sử dụng đất, không đúng với địa điểm của giấy phép kinh doanh; không có báo cáo về tác động môi trường, chưa kể một số lò còn sử dụng rác thải công nghiệp để nung gạch gây ra ô nhiễm môi trường. Trong quá trình sản xuất - kinh doanh, nhiều lò gạch Hoffman in nhãn hiệu trên sản phẩm là gạch tuynel, gian dối sản phẩm. “Các lò gạch tuynel chấp hành tương đối về thủ tục đất đai , xây dựng, môi trường và lao động nhưng lại bị các lò gạch Hoffman cạnh tranh không lành mạnh” - ông Lâm nói.

Theo đề xuất của Sở Xây dựng, TP.Biên Hòa hiện có 40 cơ sở sản xuất gạch, trong đó 35 lò gạch Hoffman và 4 lò gạch tuynel, đến cuối năm nay sẽ đóng cửa 35 lò gạch Hoffman không đảm bảo về môi trường. Địa phương thứ 2 có nhiều lò gạch là huyện Xuân Lộc với 36 lò gạch. Theo kiến nghị của huyện, tỉnh sẽ cho duy trì các lò này đến cuối năm 2017 do ở xa khu dân cư. Địa phương có nhiều lò gạch kế tiếp là huyện Long Thành (32 cơ sở), theo lộ trình đến cuối năm nay sẽ đóng cửa 12 lò và cuối năm 2017 sẽ đóng cửa thêm 17 lò.

* Phân vân gạch không nung

Ông Dương Minh Dũng, Phó giám đốc Sở Công thương, băn khoăn theo lộ trình thì cuối năm nay hàng loạt lò gạch sẽ đóng cửa, như vậy sẽ có tác động lên ngành xây dựng khi sản phẩm gạch không nung hiện nay chưa thực sự quen với người dân.

Nhiều doanh nghiệp xây dựng khác cũng có chung nỗi lo ngại này. Ông Vũ Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Nam Kiến (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), cho hay trong nghề xây dựng, việc sử dụng 2 loại gạch đất sét nung và gạch không nung hoàn toàn khác nhau. Hiện nay mới chỉ các công trình có vốn đầu tư của Nhà nước xây dựng bằng loai gạch không nung, còn lại các công trình xây dựng dân dụng vẫn chủ yếu dùng gạch đất sét nung. “Về lâu dài sẽ phải chuyển dần sang loại gạch không nung để giảm sử dụng tài nguyên đất và giảm ô nhiễm môi trường, nhưng phải có bước chuyển tiếp nhịp nhàng để tránh gây sốc thị trường gạch xây dựng” - ông Dũng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thanh, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng ở phường Trảng Dài, cho hay năm 2015 khi tỉnh Bình Dương đóng cửa các lò gạch, ngay lập tức giá gạch rơi vào tình trạng sốt liên tục. Thời điểm đó, giá gạch đang từ 700 đồng/viên lên hơn 1 ngàn đồng/viên và nhiều lò cháy hàng không đủ cung cấp. Cũng theo bà Thanh, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất gạch gạch block nhẹ (gạch không nung) cần phổ biến rộng rãi sản phẩm để người dân biết sử dụng thay thế. Bà Thanh phân vân: “Loại gạch này đến nay vẫn còn khá xa lạ với người sử dụng, tôi chưa thấy ai xây nhà đến hỏi mua loại gạch này. Chính tôi cũng không thể biết được chi phí khi xây dựng bằng loại gạch block nhẹ giá sẽ cao hơn gạch nung bao nhiêu và công dụng như thế nào”.

Quốc Khánh

 

 

 

Tin xem nhiều