Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải pháp mới cho môi trường sông Thị Vải

11:05, 15/05/2016

Viện Môi trường - tài nguyên (thuộc Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh) đang cùng một số nhà khoa học Cộng hòa liên bang (CHLB) Đức chuyển giao cho Đồng Nai chương trình mô phỏng quản lý môi trường trên sông Thị Vải. Với mô hình này, tỉnh sẽ quản lý, phát hiện và xử lý các nguồn thải gây ô nhiễm trên sông dễ dàng hơn.

Viện Môi trường - tài nguyên (thuộc Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh) đang cùng một số nhà khoa học Cộng hòa liên bang (CHLB) Đức chuyển giao cho Đồng Nai chương trình mô phỏng quản lý môi trường trên sông Thị Vải. Với mô hình này, tỉnh sẽ quản lý, phát hiện và xử lý các nguồn thải gây ô nhiễm trên sông dễ dàng hơn.

Sông Thị Vải áp dụng chương trình mô phỏng để bảo vệ chất lượng nước tốt hơn.
Sông Thị Vải áp dụng chương trình mô phỏng để bảo vệ chất lượng nước tốt hơn.

Theo Viện Môi trường - tài nguyên, dự án nghiên cứu thực trạng chất lượng nước sông Thị Vải và đưa ra giải pháp quản lý, xử lý các nguồn thải để bảo vệ môi trường nước tốt hơn được viện kết hợp với các nhà khoa học CHLB Đức nghiên cứu trong gần 3 năm. Dự án trên giúp Đồng Nai dự báo các nguồn thải trước khi quyết định cấp phép xả thải. Đồng thời, mô hình giúp cơ quan quản lý biết được cho xả thải ra điểm nào ít gây ô nhiễm nhất.

* Có thể tính trước mức ô nhiễm

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học CHLB Đức và Viện Môi trường - tài nguyên, sau sự cố ô nhiễm nặng từ nguồn xả thải chính của Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam (huyện Long Thành) cách đây mấy năm, nước sông Thị Vải gần đây có dấu hiệu giảm ô nhiễm và chất lượng khá hơn. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm chất hữu cơ, kim loại nặng vẫn khá cao, cần tiếp tục quản lý tốt các nguồn thải trước khi thải trực tiếp ra sông và có giải pháp xử lý để bảo vệ môi trường nước tốt hơn. Đặc biệt, trên sông Thị Vải ở khu vực xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) khả năng tự làm sạch rất yếu nên các nguồn thải từ công nghiệp lẫn sinh hoạt nếu cho đổ ra đây nhiều thì sông sẽ mất khả năng tự làm sạch. Ngoài ra, sông Thị Vải còn có nhược điểm là các nguồn thải gây ô nhiễm khi đổ ra sông thường bị thủy triều đẩy sâu vào trong nên rất khó tự làm sạch một số chất như các sông khác.

TS.Malte Lorenz ở Đại học Braunschwig (CHLB Đức), một trong những nhà khoa học tham gia nghiên cứu về sông Thị Vải, nhận xét: “Nhiều nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm cho sông Thị Vải, như: nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt các khu dân cư, nguồn thải do quá trình sản xuất nông nghiệp. Từ các số liệu quan trắc thường xuyên, Đồng Nai có thể áp dụng vào chương trình mô phỏng để đánh giá chính xác nguồn thải nào gây ô nhiễm cao, từ đó đưa ra các giải pháp xử lý, bảo vệ chất lượng nước tốt hơn”. Cũng theo TS.Malte Lorenz, phương pháp này dễ thực hiện và giảm nhiều chi phí. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng xác định, chỉ rõ cho tỉnh các điểm “nhạy cảm” và đưa ra phương pháp làm giảm thiểu ô nhiễm.

TS.Nguyễn Hồng Quân, Viện Môi trường - tài nguyên cho biết: “Dùng phương pháp mô phỏng, Đồng Nai có thể tính toán trước được nguồn thải của công ty, nhà máy sắp đi vào hoạt động sẽ thải ra sông Thị Vải có tác động đến môi trường như thế nào và cấp phép xả thải khu vực nào ít ảnh hưởng đến môi trường nhất”.

* Sẽ nhân rộng nếu phù hợp

Môi trường luôn là vấn đề được tỉnh quan tâm hàng đầu. Mới đây, trong buổi làm việc về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2016, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường một lần nữa nhấn mạnh: “Môi trường phải được ưu tiên bảo vệ và không để xảy ra các điểm đen về ô nhiễm. Nước thải công nghiệp tới đây quan trắc cả nơi tiếp nhận nguồn thải mới đánh giá chính xác được”. Vì vậy, có chương trình giúp phân tích thường xuyên chất lượng nước sông, mức độ ô nhiễm, những nguồn thải gây ra để kịp thời cảnh báo, quản lý tốt hơn là điều Đồng Nai đang mong muốn.

Bà Võ Niệm Tường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai (Sở Tài nguyên - môi trường), cho hay: “Hiện chúng tôi đã tiếp nhận phần mềm chuyển giao miễn phí, cùng với kết quả quan trắc được nhằm quản lý môi trường nước sông Thị Vải tốt hơn. Phần mềm này sẽ giúp tỉnh “chỉ mặt, đặt tên” chính xác các chủ thải gây ô nhiễm để cảnh báo, xử lý. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cho chạy phần mềm và kiểm chứng thực tế, nếu phù hợp có thể đề xuất nhân rộng ra những sông khác trên địa bàn tỉnh nhằm bảo vệ môi trường nước tránh các nguy cơ ô nhiễm”.

Theo TS.Malte Lorenz, các nhà khoa học chuyên về môi trường của Việt Nam đang đề xuất tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của chương trình này nhằm hỗ trợ Đồng Nai công nghệ xử lý nước thải công nghiệp và các nguồn thải khác nhằm làm sạch nước sông Thị Vải.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều