Ngày 6-2, UBND TP.Biên Hòa sẽ tổ chức công khai lấy ý kiến tiểu thương, đồng thời công bố vị trí, phương án xây dựng chợ Tân Hiệp ở vị trí mới.
Ngày 6-2, UBND TP.Biên Hòa sẽ tổ chức công khai lấy ý kiến tiểu thương, đồng thời công bố vị trí, phương án xây dựng chợ Tân Hiệp ở vị trí mới.
Việc làm lần này nhằm giải quyết dứt điểm khiếu kiện kéo dài của các hộ tiểu thương, hộ dân khu phố chợ cũ, đảm bảo quyền lợi cho bà con kinh doanh buôn bán, chấm dứt tình trạng kinh doanh tạm bợ tại chợ tạm Tân Hiệp suốt hơn 5 năm qua (từ 2008 đến nay).
* An cư mới lạc nghiệp
Hơn 5 năm qua, hàng trăm hộ tiểu thương kinh doanh ở chợ Tân Hiệp cũ không làm ăn yên ổn khi phải theo đuổi vụ khiếu kiện kéo dài, vừa mất thời gian lại tốn tiền bạc. Trong khi đó, khu chợ tạm Tân Hiệp nằm sâu trong đường Phạm Văn Khoai ngày càng vắng khách.
Phối cảnh kiến trúc tổng thể chợ truyền thống Tân Hiệp. |
Trở lại vụ việc, năm 2008, UBND tỉnh và TP.Biên Hòa thực hiện di dời tiểu thương ra khỏi chợ Tân Hiệp truyền thống (tại ngã tư Tân Phong, phường Tân Hiệp), để xây dựng chợ mới theo hướng hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, quá trình đầu tư xây dựng dự án mới đã không thuận lợi, thiết kế dự án 5 tầng cũng không phù hợp, không có bãi đậu xe cho ô tô, xe máy… Để kinh doanh hiệu quả, ngày 28-9-2010, chủ đầu tư đã có văn bản xin thay đổi thiết kế: trước mắt thực hiện trung tâm thương mại giai đoạn 1 với mô hình thiết kế 1 tầng hầm, 3 tầng lầu; song song đó, thiết kế chợ truyền thống Tân Hiệp sẽ được bố trí độc lập. Vấn đề ở đây là thành phố đã không kịp thời thông báo thông tin và lấy ý kiến bà con tiểu thương về việc thay đổi thiết kế. Thiếu sót này, tại buổi tiếp xúc cử tri vào ngày 28-3-2012, lãnh đạo UBND tỉnh và TP.Biên Hòa đã công khai xin lỗi bà con.
Tuy nhiên, gần 500 tiểu thương chợ Tân Hiệp vẫn khiếu kiện kéo dài, đòi chính quyền trả lại chợ cũ. Điều này gần như là không thể. Phương án đập mặt bằng tầng trệt trung tâm thương mại để bố trí lại chợ truyền thống theo như đề nghị của tiểu thương cũng đã được UBND thành phố đưa ra tính toán. Tuy nhiên, việc làm này không khả thi về vốn, cả về thiết kế. Khu thương mại này cũng không thể chuyển đổi công năng thành chợ truyền thống vì thiết kế không phù hợp.
Theo đuổi vụ khiếu kiện thiệt thòi nhất chính là các hộ tiểu thương. Vì nhiều năm qua, các hộ tiểu thương tại chợ Tân Hiệp cũ không thể yên tâm để tập trung cho buôn bán, kinh doanh nên ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ.
* Nếu đồng thuận sẽ xây chợ ở vị trí mới
Những vấn đề xoay quanh vụ việc chợ Tân Hiệp, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh và TP.Biên Hòa đã có các chỉ đạo quyết liệt nhằm tìm ra phương án khả thi nhất để giải quyết nhằm bảo vệ quyền lợi cho các tiểu thương ở chợ Tân Hiệp cũ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND TP.Biên Hòa đã tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa chọn phương án sao cho có lợi nhất cho các hộ tiểu thương, đảm bảo an sinh xã hội. Từ đó, tỉnh đã có văn bản thu hồi đất thuộc hai đơn vị là Công ty Sông Đà và Tổng công ty Tín Nghĩa để xây dựng chợ mới Tân Hiệp.
Theo phương án đề ra, chợ Tân Hiệp mới sẽ được xây dựng tại khu đất rộng 17 ngàn m2, đối diện với Cục Thống kê Đồng Nai, cách chợ cũ lẫn chợ tạm chỉ vài trăm mét. Đây là vị trí đặc biệt đắc địa: tọa lạc ngay ngã tư đường vào sân vận động Đồng Nai, có hai mặt tiền đường là hai tuyến giao thông huyết mạch: đường Đồng Khởi và Phạm Văn Khoai. Chợ mới sau khi hoàn thành sẽ đạt chuẩn mô hình chợ loại 1, hoạt động đảm bảo các tiêu chí chợ văn hóa, văn minh. Với vai trò trung tâm, chợ sẽ là nơi giao thương buôn bán cho một khu vực rộng lớn, bao gồm các phường: Tân Hiệp, Tam Hiệp, Tân Hòa, Tân Tiến, Trảng Dài… của TP.Biên Hòa. Cách thiết kế, bài trí nhà lồng, sắp xếp ki-ốt, lồng sạp, khu tự sản tự tiêu cũng như đường giao thông nội bộ sẽ đảm bảo hiện đại, thông thoáng, thuận lợi cho cả tiểu thương lẫn khách hàng, góp phần tăng mãi lực cho chợ mới. Chợ mới Tân Hiệp sẽ được thiết kế, xây mới hoàn toàn với tổng kinh phí đền bù, thu hồi đất, xây lắp và di dời dự kiến gần 127 tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ do ngân sách tỉnh tạm ứng để triển khai. Thời gian hoàn thành dự kiến trong vòng 6 tháng.
Quang cảnh xuống cấp của chợ tạm Tân Hiệp. Ảnh: K.VŨ |
Việc lựa chọn vị trí xây dựng chợ mới như trên là phương án tối ưu nhất. Vì như đã nói, không thể đập trung tâm thương mại để trả chợ cũ, gây lãng phí trong xây dựng, không phù hợp mỹ quan đô thị, không đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông ở khu vực vốn ngày càng ùn tắc giao thông trầm trọng. Còn đối với vị trí xây chợ mới, các yếu tố trên đều được đảm bảo. Chợ mới cũng gần với chợ tạm, mối liên hệ giữa các tiểu thương với khách hàng truyền thống cũng được gìn giữ, tạo nơi buôn bán kinh doanh ổn định, lâu dài.
* Thêm nhiều ưu đãi cho tiểu thương
Vấn đề quan trọng được đặt ra là khi di dời đến chợ mới, tiểu thương sẽ được các lợi ích gì? Hiện nay, các chính sách hỗ trợ tiểu thương trong công tác di dời đến chợ Tân Hiệp mới đã được UBND tỉnh phê duyệt. Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/điểm cho các hộ kinh doanh tại các ki-ốt riêng lẻ, ki-ốt lồng chính, lồng phụ; 15 triệu đồng/điểm cho các hộ kinh doanh tại các sạp lồng chính, sạp tự sản tự tiêu, trái cây, ăn uống giải khát; 10 triệu đồng/điểm cho các hộ kinh doanh tại sạp lồng phụ… Ngoài ra, còn hỗ trợ miễn thu hoa chi 1 tháng khi các hộ di dời về chợ mới. Đặc biệt, về thời hạn hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh, trước đây các tiểu thương chợ cũ được thuê quyền sử dụng điểm kinh doanh trong 10 năm, đến nay nhiều hộ chỉ còn thời hạn khoảng 2 năm. Tuy nhiên, UBND tỉnh và thành phố đã quyết định kéo dài hợp đồng 10 năm, kể từ ngày tiểu thương di dời về chợ mới. Như vậy, thời gian thuê ở chợ mới sẽ lớn hơn mức thời gian hợp đồng còn lại của rất nhiều tiểu thương ở chợ. Một điểm đáng chú ý nữa là việc di dời, bố trí các điểm kinh doanh tại chợ Tân Hiệp mới sẽ tương ứng so với các vị trí kinh doanh tại chợ cũ trước đây, nhằm đảm bảo quyền lợi và thuận lợi cho bà con tiếp tục buôn bán.
Trong biên bản làm việc ngày 15-7-2014 giữa Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh Đồng Nai, đoàn thanh tra đã có ý kiến: hiện nay dù có khó khăn, tốn kém nhưng Đồng Nai cần nhanh chóng xây dựng chợ truyền thống Tân Hiệp mới để tiểu thương ổn định kinh doanh, buôn bán. Đến tháng 12-2015, chợ mới phải được xây dựng xong. Thực tế đã 5 năm qua, bà con tiểu thương chợ Tân Hiệp phải buôn bán tạm bợ trong chợ tạm KP.3, phường Tân Hiệp. Do xây dựng tạm bợ nên hiện nay, chợ tạm bắt đầu xuống cấp, nhiều khu vực nhếch nhác, hệ thống cấp thoát nước không còn đáp ứng được yêu cầu. Việc bà con theo đuổi vụ khiếu kiện kéo dài càng khiến tinh thần, tiền bạc tổn hao, xao nhãng công việc kinh doanh, dẫn đến khách hàng ngày càng hạn chế vào chợ. Phương án xây dựng chợ Tân Hiệp mới hy vọng sẽ nhận được sự đồng thuận của các hộ tiểu thương. Đây được xem là cách giải quyết thuận tình, hợp lý, vừa đảm bảo quyền lợi, điều kiện cho các tiểu thương kinh doanh ổn định, lâu dài, khẳng định thương hiệu “Chợ truyền thống Tân Hiệp”; vừa góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị TP.Biên Hòa văn minh, hiện đại.
H.A