Báo Đồng Nai điện tử
En

Tôi ao ước có được thương hiệu chung cho heo Đồng Nai

11:01, 16/01/2015

Với vai trò Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ông Nguyễn Trí Công cho biết, mình muốn tiếp tục chia sẻ, đóng góp để cùng người chăn nuôi Đồng Nai từng bước xây dựng một thương hiệu chung: heo Đồng Nai.

Cách đây gần 10 năm, ông Nguyễn Trí Công từng “nổi đình nổi đám” tại Đồng Nai và cả nước với vai trò là người đi đầu ứng dụng những kỹ thuật nuôi heo hiện đại. Ông cũng là người đầu tiên áp dụng phần mềm công nghệ vào nuôi heo thành công. Thậm chí, Tạp chí Asian Pork (tạp chí chăn nuôi của Hiệp hội Chăn nuôi châu Á) từng dành 3 trang để nói về ông như một điển hình chăn nuôi heo của châu Á. Với vai trò hiện tại - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ông Nguyễn Trí Công cho biết mình muốn tiếp tục chia sẻ, đóng góp để cùng người chăn nuôi Đồng Nai từng bước xây dựng một thương hiệu chung: heo Đồng Nai.

Tự nhận là “con nhà nòi” trong ngành nuôi heo với 30 năm gắn bó với nghề, ông Công nói, chưa bao giờ thấy chán nghề nuôi heo dù có những thăng trầm, vì với ông, đây là nghề “học hoài không hết chữ”.

* Nuôi heo mỗi thời một khác

 Ông từng được mệnh danh là “vua heo” ở những năm 2006-2007 khi là người đi đầu trong ứng dụng những công nghệ mới vào chăn nuôi heo. Hiện tại thì “vua heo” có khác biệt gì với cách đây 10 năm không?

- Thời điểm tôi phát triển mạnh trang trại heo là những năm 2006-2007, khi đang có những chuyển mình rõ nét trên thị trường chăn nuôi. Tôi là người gần như đi đầu trong các ứng dụng chăn nuôi theo kiểu công nghiệp, về công nghệ thông tin, chuồng trại, giống… Nông dân nhiều nơi đến học nên nhiều người gọi vui tôi là vua heo, chứ thực ra về số lượng, tôi không nuôi quá nhiều.

Còn điểm khác biệt là ngày xưa dùng sức người nhiều hơn, còn nay thì khác, mọi thứ quản lý bằng công nghệ, và người nuôi phải kiểm soát được những thứ mà ngày xưa nằm mơ cũng không nghĩ đến: tỷ lệ nạc, năng suất giống, dư lượng kháng sinh… Thời của việc nuôi heo chỉ đơn giản vỗ béo chờ thương lái đến mua đã qua, giờ chúng tôi phải quan sát nhu cầu thị trường để sản xuất ra những con heo đúng như ý họ.

 Gắn bó hàng chục năm với nghề nuôi heo, ông thấy ở bối cảnh này, người nuôi cần thay đổi điều gì để thích ứng?

- Có vài điểm cần thay đổi. Thứ nhất là thay đổi suy nghĩ rằng nuôi heo là sản xuất hàng hóa, do đó cần sản xuất theo nhu cầu thị trường và không cung ứng những sản phẩm kém chất lượng. Thứ hai là quan tâm đến năng suất. Hiện tại, năng suất heo Việt Nam vẫn thua kém nhiều nước, do đó nếu cùng một mặt bằng chi phí thì khi gia nhập các hiệp định kinh tế song phương hoặc đa phương như TPP, thịt heo Việt Nam khó cạnh tranh nổi. Quan trọng nhất là sản xuất theo nhu cầu thị trường, anh không thể nuôi con heo đến 120kg và đầy những mỡ, trong khi thị trường yêu cầu hoàn toàn khác.

 Có gì khác biệt giữa nuôi heo ở thời cha mẹ ông, thời của ông và các con ông? Ông có bao giờ muốn bỏ nghề chưa?

- Điều thú vị nhất trong chính gia đình tôi, gia đình có 4 đời nuôi heo là tôi quan sát được sự thay đổi về cách nuôi heo, về tư duy chăn nuôi thông qua chính những thăng trầm trong nghề nghiệp của nhà mình.

Trước năm 1975, cha mẹ tôi đã chăn nuôi lớn với 3 ngàn con heo. Tôi nhớ những mảng tường ở chuồng heo ghi chằng chịt thông tin ngày phối giống, ngày dự sinh của heo... Đến đời tôi, không còn tấm bảng đó vì tôi tự mày mò nghiên cứu, quản lý mọi thứ bằng máy móc. Rồi đến đời con tôi, đã có thể truy nguyên 3 đời mỗi con heo để theo dõi sự tiến triển về giống, ở đâu cũng có thể điều khiển và quan sát trại heo. Hai cô con gái lớn của tôi hiện đang quản lý trang trại heo ở Canada, cậu trai út phụ việc ở Việt Nam.

Tôi chưa bao giờ chán việc nuôi heo và có thể bỏ nhiều ngày để nghiên cứu, quan sát, cải tiến cách nuôi. Chăn nuôi là nghề học mãi không hết chứ không phải là nghề dễ dàng, đặc biệt khi hoàn cảnh xã hội thay đổi nhanh. Chăn nuôi cũng làm cho gia đình tôi gắn bó hơn. Thời xưa thì người nấu cám, người cắt rau, nay thì người nghiên cứu giống, người quản lý trại... Và bao giờ chúng tôi cũng có những câu chuyện để trao đổi với nhau thông qua nghề nghiệp gia đình.

* Mơ ước xây thương hiệu heo Đồng Nai

 Theo ông, làm sao để hiệp hội chăn nuôi không trở thành một tổ chức mang tính hình thức, không “chạm” được đến tâm tư của những người chăn nuôi? Ông mong muốn điều gì ở đó?

- Chúng tôi cùng tập hợp lại trong hiệp hội, đại diện cho những người nuôi heo để kịp có những phản hồi, trước hết cho những người làm chính sách. Thêm nữa, khi thị trường biến động, chúng tôi nhanh chóng tập hợp thông tin và công bố những thông tin gần gũi, xác thực nhất để người nuôi heo chân chính và người tiêu dùng không bị thiệt. Mong muốn của chúng tôi là hiệp hội trở thành đầu mối với sự tham gia của nhiều người nuôi, để hình thành chuỗi cung ứng thịt heo sạch, đúng nhu cầu thị trường và anh em cũng “sống” tốt, không bị thiệt thòi. Xa hơn là việc cùng chung tay làm nên một thương hiệu chung về sản phẩm chăn nuôi của Đồng Nai.

Các công ty FDI lớn đã hình thành được các chuỗi, nhưng thực tế phải có trên 10 ngàn con heo thịt mới có thể tham gia các chuỗi của những công ty FDI nổi tiếng. Nhưng những trại trên 10 ngàn con tại Đồng Nai thì đếm trên đầu ngón tay. Những hộ ít hơn, 500, 1 ngàn hoặc vài ngàn con sẽ chịu nhiều thiệt thòi về giá, về thức ăn chăn nuôi hay những ưu đãi khác. Vậy nên chúng tôi cùng tập hợp lại trong Hợp tác xã Đồng Hiệp, cung ứng con giống, vaccine với giá cố định cho xã viên, và chúng tôi đi tìm đầu ra cho nó. Hiện tại mỗi ngày hợp tác xã cung cấp cho Vissan trên 1 ngàn con heo sạch cùng một vài đơn vị khác. Ngoài heo, còn có gà, vịt... Hợp tác xã Đồng Hiệp cũng là nguồn “nuôi” hoạt động của hiệp hội chăn nuôi, vì hiệp hội vẫn là một hội nghề nghiệp hoạt động không kinh phí, trong khi vẫn phải thuê văn phòng, chi trả lương, tổ chức hội thảo tư vấn... May mắn là đến nay chúng tôi vẫn hoạt động đều đặn và ổn thỏa.

Điều vui mừng nhất của chúng tôi là người nuôi heo ngày càng tin vào hiệp hội. Khi có thông tin, thắc mắc hay bức xúc, nhiều người tìm đến chúng tôi, dù có khi họ không chính thức là thành viên hiệp hội.

 Nhiều người cho rằng các doanh nghiệp FDI đang “bóp chết” những người chăn nuôi trong nước. Nhưng rõ ràng, chính họ đã làm thay đổi tư duy chăn nuôi truyền thống và mang lại nhiều lợi ích hơn cho người nuôi. Ông nghĩ gì về điều này?

- Một điều phải thừa nhận khi các doanh nghiệp FDI đưa mô hình chăn nuôi công nghiệp vào Việt Nam là đã truyền đi tư duy chăn nuôi chuyên nghiệp đến người nông dân. Cho đến thời điểm này, một lớp những người nuôi heo chuyên nghiệp từ trang trại đến bàn ăn đã hình thành và ngày càng trở nên tốt hơn về tay nghề, về suy nghĩ. Người nuôi làm với doanh nghiệp FDI, họ học được nhiều thứ, lâu dần, suy nghĩ về nghề nuôi heo, về thị trường dần thay đổi.

Nhưng cái mà chúng tôi mong muốn là cơ quan quản lý nên có sự giám sát tốt hơn trong hoạt động của các doanh nghiệp chăn nuôi nói chung và FDI nói riêng, bởi không loại trừ một khi nắm trong tay thị phần quá lớn, những mong muốn thao túng, điều khiển giá cả… có thể nảy sinh, và chúng ta cần kiểm soát tốt để nông dân và người tiêu dùng không bị thiệt thòi.

 Gần đây, heo Đồng Nai chịu ít nhiều tai tiếng, như: heo bơm nước, heo sử dụng chất cấm… Điều này gây ảnh hưởng thế nào đến nông dân? Có thể tính toán được những thiệt hại mà các thông tin này đem lại?

- Bản thân người nuôi heo khi nghe những thông tin heo bơm nước, heo dùng chất cấm… thì thú thực là sợ. Sợ người tiêu dùng quay lưng dù chúng tôi chắc chắn nhiều lắm chỉ có 1-2% người nuôi làm bậy, còn lại đều là những người nuôi heo chân chính muốn bám nghề lâu dài.

Nhưng thực tế, chế tài cho những “con sâu” này chưa cao, dù ảnh hưởng rất lớn. Quan sát của chúng tôi cho thấy, tùy mức độ thông tin, nhưng khi có thông tin thì ngay ngày hôm sau, giá có thể xuống 5-10% và tổng thiệt hại ước tính hàng ngàn tỷ đồng, chưa kể những hệ lụy về sau. Tuy vậy, khía cạnh tích cực của nó là người chăn nuôi sẽ nghiêm túc hơn, vì thị trường và người tiêu dùng hiện nay đã trở thành “hàn thử biểu” cho người chăn nuôi.

 Ông nghĩ sao về việc xây dựng một thương hiệu riêng cho heo Đồng Nai một cách bài bản?

- Một thương hiệu chung cho heo Đồng Nai là điều mà người chăn nuôi nào cũng ao ước. Chúng tôi có thể làm được những việc, như: đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý... Tôi nghĩ người nuôi heo nào cũng muốn điều đó vì bản thân họ sẽ có lợi ích từ một thương hiệu chung vững mạnh. Và chúng tôi mong sẽ nhận được hỗ trợ tốt nhất từ cơ quan chức năng, đặc biệt trong việc chế tài những người làm ảnh hưởng uy tín heo Đồng Nai.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều