Hiện tại, nông sản sạch vẫn gặp khó về đầu ra vì giá bán còn cao. Sản xuất với quy mô lớn nhằm giảm giá sản phẩm được xem là giải pháp cho vấn đề trên.
Hiện tại, nông sản sạch vẫn gặp khó về đầu ra vì giá bán còn cao. Sản xuất với quy mô lớn nhằm giảm giá sản phẩm được xem là giải pháp cho vấn đề trên.
Chính vì vậy, ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN), nông dân quan tâm đầu tư sản xuất lớn theo hướng an toàn.
* Tăng giá trị
Ông Nguyễn Văn Đức, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Cây lúa sạch, cánh đồng mẫu chất lượng cao xã Phú Vinh (huyện Định Quán), cho biết vụ thu hoạch năm nay, nông dân rất phấn khởi vì đạt sản lượng trung bình khoảng 6,2 tấn/hécta, tăng 0,7 tấn/hécta so cùng vụ năm ngoái. Điều đáng mừng là 1 kg lúa tươi, người trồng được DN bao tiêu với giá cao hơn 400 đồng so với mặt bằng chung thị trường. “Nhờ chi phí đầu tư giảm, sản lượng và giá bán đều tăng nên nông dân lời trên 21 triệu đồng/hécta, cao gấp đôi so với khi chưa ứng dụng mô hình” - ông Đức nói.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng chất lượng cao tại xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu). |
Bà Nguyễn Thị Giòn, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Định Quán, nhận xét mô hình thành công nhờ xây dựng được chuỗi liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà nông và DN. Nông dân được hỗ trợ giống, một phần phân bón... Trạm cũng kiến nghị địa phương trích ngân sách hỗ trợ cho HTX 1 máy sấy lúa và 10 máy sạ hàng làm lúa. Chính hiệu quả thực tế đã thuyết phục nông dân tham gia. Bà Giòn, dẫn chứng: “Năm 2013, Định Quán chỉ thử nghiệm vài hécta thì vụ này cả 2 xã Phú Vinh và Gia Canh phát triển lên khoảng 55 hécta. Tuy phát triển nhanh nhưng nông dân không làm đại trà mà theo đơn đặt hàng của DN. Trạm Khuyến nông vừa mở lớp tập huấn kỹ thuật, cùng nông dân ra đồng nhằm đảm bảo việc thực hiện đúng quy trình sản xuất an toàn. Những trường hợp nông dân vi phạm cam kết về quy trình sản xuất sẽ bị loại ra khỏi chương trình. Chúng tôi cũng đưa gạo đi phân tích và công bố đạt chất lượng tiêu chuẩn”.
Không chỉ với mô hình cây lúa, Đồng Nai đang triển khai hàng loạt dự án xây dựng vùng chuyên canh sản xuất an toàn với nhiều loại cây trồng chủ lực, như: tiêu, xoài, cà phê, ca cao, sầu riêng... và đều mang lại cho nông dân thu nhập cao hơn trên cùng 1 diện tích đất canh tác.
* Mở cơ hội thị trường
Ông Đào Văn Thành, Phó chủ nhiệm HTX nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch xoài Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), thông báo: “Vừa có DN đến HTX đặt vấn đề bao tiêu xoài ba mùa mưa của Phú Lý và các xã lân cận để xuất khẩu qua Nhật Bản. Địa phương đã có vùng chuyên canh xoài với diện tích lớn, DN chỉ yêu cầu nông dân phải làm theo quy trình sản xuất an toàn do họ xây dựng. Nếu thành công, địa phương không chỉ có được đơn hàng xuất khẩu lớn mà còn mở ra cơ hội thu hút đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến nông sản”.
Ông Phan Văn Minh, chủ trang trại tại xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), cho biết trang trại cây ăn trái rộng 12 hécta trồng cam, quýt, sầu riêng... đều được ông áp dụng quy trình sản xuất an toàn dù hiện mới có 3 hécta xoài được chứng nhận VietGAP. Theo ông Minh, sản xuất lớn theo hướng an toàn mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Trang trại vừa được hỗ trợ 50% kinh phí mua máy cày nhờ chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại của tỉnh. Nhiều chính sách ưu đãi khác của Nhà nước cũng đang mở rộng cơ hội cho nông dân và DN đầu tư. |
Th.S Trần Thị Phương Chi, người thực hiện mô hình sản xuất gạo sạch với nhãn hiệu Tân Bình Lục (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu), chia sẻ: “Không thiếu DN, đơn vị đặt mua gạo sạch nhưng chúng tôi không đủ sản lượng cung cấp. Bưởi Tân Triều mất cơ hội xuất khẩu cũng vì không đáp ứng đủ sản lượng. Đây chính là thời cơ cho DN và nông dân đầu tư sản xuất lớn theo hướng an toàn. Thực tế, nhiều DN, nông dân đã liên hệ với tôi đặt vấn đề liên kết sản xuất rau, quả sạch. Trước mắt, tôi đang cùng một số nông dân tại địa phương làm rau sạch, bưởi sạch”.
Ông Mai Thăng Long, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng thương mại Thái Ninh Địa Long (TP.Biên Hòa), cho biết chỉ sau 2 năm thực hiện mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao, DN đã phát triển được 100 hécta lúa đạt chuẩn an toàn tại huyện Vĩnh Cửu và Định Quán. Tuy sản lượng lúa DN bao tiêu cho nông dân đang tăng cao với mức giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường 10% nhưng cung vẫn chưa đủ cầu. Theo ông Long: “Nhờ lợi thế sản xuất lớn, DN lại đầu tư cho nông dân theo quy trình khép kín từ cung cấp vật tư đến bao tiêu sản phẩm, giảm bớt các khâu trung gian nên gạo của DN vẫn bán với giá rất cạnh tranh. DN đã đăng ký nhãn hàng riêng, xin cấp chứng nhận sản phẩm an toàn và tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất để đủ điều kiện về sản lượng và chất lượng trở thành nhà cung cấp của các hệ thống siêu thị lớn”.
Bình Nguyên