Theo Ban Quản lý di tích và danh thắng Đồng Nai, nhà cổ là điểm đến du lịch hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước. Toàn tỉnh hiện có 401 ngôi nhà cổ, thế nhưng nhà cổ giữ được nguyên vẹn nét sơ khai không còn nhiều.
Theo Ban Quản lý di tích và danh thắng Đồng Nai, nhà cổ là điểm đến du lịch hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước. Toàn tỉnh hiện có 401 ngôi nhà cổ, thế nhưng nhà cổ giữ được nguyên vẹn nét sơ khai không còn nhiều.
Nhà cổ họ Đào ở ấp Phú Mỹ 2, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) là nơi thu hút rất nhiều khách tham quan. |
Nhà cổ ở Đồng Nai tập trung nhiều ở các địa phương, như: Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và Biên Hòa. Có những ngôi nhà cổ trên 100 năm, trải qua 5-6 đời sinh sống. Đây vừa là nơi lưu giữ những nét văn hóa xưa vừa là những điểm du lịch khá cuốn hút.
Điểm đến hấp dẫn
Những ngôi nhà cổ ở Đồng Nai thường có kiến trúc theo kiểu 3 gian 2 chái, nằm giữa khu vườn tươi tốt. Phía trước là sân gạch, kế đến là khu vườn trồng mai, trà xanh, các loại cây cảnh, hai bên và phía sau nhà là vườn cây ăn trái. Lối vào cổng thường được trồng đinh lăng hoặc một loại cây được cắt tỉa gọn gàng. Vì thế, khi bước vào những ngôi nhà cổ du khách sẽ có cảm giác bình yên, thư thái.
Nhà cổ của bà Dương Kim Hoa, ấp Bến Cam, xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch). |
Ông Trần Ngọc Khánh, ấp Bến Cam, xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch), chủ nhân ngôi nhà cổ gần 90 năm và đã qua 1 lần khôi phục, chia sẻ: “Ngôi nhà này do ông nội tôi làm. Thời đó, ông tôi là người khá giả mới xây dựng nổi ngôi nhà và phải thuê thợ xây dựng trong 4 năm liền mới hoàn thành. Diện tích căn nhà 300m2, được làm bằng gỗ giáng hương và căm xe, bên trên được chạm trổ hoa, rồng, phượng rất cầu kỳ, mái lợp ngói âm dương”. Cũng theo ông Khánh, thời Pháp xâm chiếm, gia đình ông nhiều người tham gia cách mạng nên căn nhà bị phá. Sau ngày đất nước thống nhất, ông về tìm đúng loại gỗ và thuê thợ khôi phục lại căn nhà như ban đầu. Và để giữ được căn nhà kiến trúc như xưa, mỗi năm ông tốn vài chục triệu đồng bảo dưỡng. Nhưng ông Khánh vẫn cố giữ căn nhà như giữ gia phong của dòng họ, gia đình.
Nhà cổ họ Đào ở ấp Phú Mỹ 2, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) là căn nhà cổ nhất tại huyện Nhơn Trạch vì có tuổi đời trên 100 năm. Vào giữa thế kỷ 19, họ Đào là một phú gia ở vùng Phú Hội đã thuê thợ làm căn nhà theo kiểu chữ “Đinh”, rộng 446m2. Đây là một trong những điểm đến hấp dẫn cho những du khách đến tham quan vùng đất Nhơn Trạch. Anh Đào Mỹ Trí Nhân, đời thứ 4 sống trong căn nhà, kể lại: “Ngôi nhà được bố trí 114 cây cột vuông, tròn được chạm trổ hoa văn cầu kỳ. Qua mỗi đời đều phải trùng tu nhiều lần, nhưng vẫn giữ nguyên kiểu dáng không thay đổi. Và đây là điểm đến của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài ra, các đoàn làm phim khi quay cảnh xưa ở Nam bộ thường đến đây thuê để thực hiện”. Theo một số công ty du lịch, nhà cổ là một trong những điểm đến lý tưởng cho du khách khi kết nối các tour du lịch ở Đồng Nai.
Mai một dần
Theo Ban Quản lý di tích và danh thắng huyện Nhơn Trạch, địa phương chiếm gần 50% số lượng nhà cổ ở Đồng Nai. Nơi còn giữ được nhiều ngôi nhà cổ là xã Phước Thiền, Phú Hội. Tuy nhiên, trải qua thời gian nhà cổ xuống cấp, nhiều chủ nhân khi sửa lại đã thay đổi kết cấu. Nhà cổ hầu hết được bố trí theo kiểu gian chính giữa đặt bàn thờ tổ tiên và bộ bàn ghế để ngồi tiếp khách, hai gian bên cạnh là nơi nghỉ ngơi.
Nhà cổ họ Đào ở ấp Phú Mỹ 2 xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) là nơi thu hút rất nhiều khách tham quan. |
Ông Trương Văn Quyền, Phó chủ tịch UBND xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch), cho biết: “Phước Thiền có trên 30 ngôi nhà cổ, nhưng giữ được nguyên vẹn chỉ còn chừng 10 căn, còn lại thay dần kết cấu, như: vách gỗ thay bằng tường gạch, một số cột gỗ thay bằng cột bê tông”. Bà Dương Kim Hoa, ấp Bến Cam, xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch) kể: “Căn nhà của tôi đã trải qua 6 đời sinh sống nên xuống cấp. Dù nhiều du khách nước ngoài đến tham quan khuyên tôi nên giữ nguyên kiến trúc ban đầu nhưng giữ nhà cổ rất tốn kém, có những cột lớn, tường gỗ sau nhiều năm bị mối mọt phải thay lại. Tôi sống ở đây một mình, điều kiện không có nên một chái phải thay bằng tường gạch và cột bê tông”. Theo bà Hoa, không giữ được nguyên vẹn căn nhà do tổ tiên để lại bà rất áy náy và nhiều người khách đến tham quan tỏ ra luyến tiếc. Nhà cổ Đồng Nai hiện nay đang mai một dần và việc gìn giữ, bảo quản đều tùy thuộc vào người kế thừa.
Theo ông Lương Toàn Thắng, Phó giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng Đồng Nai, tỉnh từng yêu cầu công nhận làng cổ Phú Hội để giữ lại những căn nhà cổ và xếp hạng các căn nhà cổ ở các địa bàn khác, nhưng dân không chịu. Vì khi đã xếp hạng, mọi thay đổi, sửa sang đều xin ý kiến các đơn vị quản lý. Người dân ngại mất quyền tự do quyết định ngôi nhà của mình nên đã từ chối. Vì thế, địa phương chỉ có thể vận động, còn giữ lại hay không là quyền của người dân. |
Khánh Minh