Báo Đồng Nai điện tử
En

Rộn ràng mua bán doanh nghiệp

10:07, 21/07/2014

Chưa khi nào "phong trào" mua bán doanh nghiệp (DN) lại nhộn nhịp như hiện nay. Thực tế, ở đây thị trường không mua tài sản của các DN mà chỉ mua tên và giấy phép của các DN được thành lập trước năm 2014 đang trong tình trạng èo uột muốn giải thể.

Chưa khi nào “phong trào” mua bán doanh nghiệp (DN) lại nhộn nhịp như hiện nay. Thực tế, ở đây thị trường không mua tài sản của các DN mà chỉ mua tên và giấy phép của các DN được thành lập trước năm 2014 đang trong tình trạng èo uột muốn giải thể.

Việc mua bán này không chỉ gói gọn trong tỉnh mà đang hoạt động khá mạnh ở nhiều nơi. Nhiều DN chuyên làm “cò” mua bán ở TP.Hồ Chí Minh đang tìm về các tỉnh lùng sục DN sắp giải thể để mua lại.

* “Săn” doanh nghiệp èo uột

Một “cò” chuyên đi săn các DN sắp giải thể cho biết, hơn một tháng nay anh đã sang nhượng được gần chục DN. Các đối tượng DN anh tìm mua là những DN được thành lập trước năm 2014, do làm ăn gặp khó khăn muốn giải thể. Mỗi DN như vậy có giá từ 50-70 triệu đồng tùy theo lý lịch của DN. “Cò” DN này chia sẻ: “Thay vì người chủ cũ DN không còn nhu cầu hoạt động nữa phải giải thể thì tôi mua lại và trả một khoản chi phí, nếu họ giải thể cũng không được khoản tiền này. Mua xong tôi bán lại cho những người cần. Hầu như những DN tôi mua bán vừa qua đều được thành lập trong năm 2013. Những người mua lại DN chủ yếu là ở TP.Hồ Chí Minh”. Theo “cò” DN này, không phải DN sắp giải thể nào anh cũng mua mà chỉ mua những DN có hồ sơ giải thể “sạch”, không còn nợ nần hay vướng mắc các thủ tục pháp lý nào. Địa bàn mà anh đi săn mua DN là ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Một số công ty chuyên làm dịch vụ thuế, kế toán cũng cho hay, gần đây rộ lên nhu cầu mua lại các DN làm ăn kém sắp giải thể. Chị P.T.M., giám đốc một DN chuyên làm dịch vụ khai báo thuế, kế toán cho các DN vừa và nhỏ ở phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) nói: “Gần đây, tôi thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại nhờ tìm cho một vài DN được thành lập từ năm 2013 trở về trước sắp giải thể, nhưng không bị nợ nần gì để mua lại. Nhu cầu từ TP.Hồ Chí Minh đến nhiều nhất, thậm chí từ Hà Nội cũng thấy gọi vào tìm mua”. Theo chị M., việc mua bán DN cũng chỉ xuất hiện ở thời điểm gần đây.

* Đối phó với hóa đơn

Theo anh Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Công ty tư vấn làm chủ DN BeBoss (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), sở dĩ rộ lên tình trạng mua bán DN sắp giải thể này là để hợp thức hóa việc được sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT). Anh Phú lý giải, theo Thông tư 219/2013/TT của Bộ Tài chính ký ngày 31-12-2013, tất cả các DN sản xuất thành lập mới năm 2014 phải đạt các tiêu chí: phải đầu tư tài sản máy móc, thiết bị có trị giá 1 tỷ đồng trở lên mới được sử dụng hóa đơn GTGT; nếu không, phải sử dụng hóa đơn bán hàng tính thuế trực tiếp. Đối với các DN kinh doanh, dịch vụ phải có doanh thu đạt mỗi tháng 1 tỷ đồng trong năm 2014, thì đến năm 2015 mới được xem xét cho sử dụng hóa đơn GTGT. Trường hợp trong năm 2014, các DN dịch vụ, kinh doanh này không đạt thì phải đến năm 2017 mới được xét. Chính lý do này khiến giới làm ăn đã lựa chọn phương án mua lại những DN được thành lập trước năm 2014, lúc này họ chỉ cần bổ sung ngành nghề theo nhu cầu và thay đổi người đại diện trước pháp luật là xong, đương nhiên sử dụng hóa đơn GTGT là hợp pháp. Những trường hợp này, các chủ mới của những DN vừa sang nhượng muốn thay đổi tên hoặc địa chỉ không thể được.

Thực tế cho thấy, trên thị trường hiện còn một “chiêu” nữa đang được giới làm ăn thực hiện để được sử dụng hóa đơn GTGT mà không phải mua DN cũ, đó là nhờ một DN quen nào đó thành lập chi nhánh. Chi nhánh này hoạt động hạch toán độc lập đối với DN và vẫn được sử dụng hóa đơn GTGT. “Đây cũng là lý do tại sao thời điểm gần đây nhiều người đến nhờ chúng tôi thành lập chi nhánh giúp họ và số lượng khách đến tư vấn thành lập DN mới rất ít” - anh Phú chia sẻ.

Quốc Khánh

 

 

Tin xem nhiều