Báo Đồng Nai điện tử
En

Chỉ có thể làm khoa học với một tấm lòng vô tư

10:01, 24/01/2014

Là một trong hàng trăm trí thức trẻ nhận lệnh trực tiếp từ Chủ tịch Hồ Chí Minh ra nước ngoài học tập từ năm 1955, sau đó quay về cống hiến cho đất nước, đến nay cả đời PGS. TS Trịnh Xuân Vũ luôn gắn bó với khoa học - công nghệ, nghiên cứu, đào tạo con người…

Là một trong hàng trăm trí thức trẻ nhận lệnh trực tiếp từ Chủ tịch Hồ Chí Minh ra nước ngoài học tập từ năm 1955, sau đó quay về cống hiến cho đất nước, đến nay cả đời PGS. TS Trịnh Xuân Vũ (nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh) luôn gắn bó với khoa học - công nghệ (KHCN), nghiên cứu, đào tạo con người…

Ông cũng là một trong những nhà khoa học thường xuyên đóng góp cho Đồng Nai trong quá trình thực hiện các công trình nghiên cứu, đào tạo nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng cho KHCN. Ông cho biết ở thế hệ của ông, tinh thần “vừa hồng vừa chuyên” (rèn luyện đức và tài) luôn sôi sục trong huyết quản, và nó đã dẫn dắt nhiều người gắn bó bền lâu với KHCN - lĩnh vực vất vả nhưng rất khó làm giàu. Và với ông, chỉ có thể làm khoa học với một tấm lòng vô tư.

* Theo ông, đầu tư cho KHCN tại Việt Nam đã thỏa đáng chưa, dưới góc nhìn của những người làm khoa học?

- Đầu tư cho KHCN có nhiều ngưỡng khác nhau. Riêng về ngân sách, có thể nói mức 2% tổng GDP cho KHCN là con số lớn, bởi vì nước đầu tư nhiều cho KHCN như Hoa Kỳ cũng chỉ ở mức 3% GDP. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng về thực tế thì không phải lúc nào ngân sách cũng dành đủ 2% cho KHCN, vì có khi chúng ta có tiền mà “không tiêu được”. Đây là vấn đề chung của cả nước. Song, tiền cũng chỉ là một phần. Quan trọng nhất là con người để thực thi chính sách này. Trên phương diện này, phải nói rằng chúng ta “hổng” quá nhiều.

* Số lượng cán bộ KHCN tăng lên rất nhiều trong những năm qua. Tuy vậy, Việt Nam vẫn chưa có dịp vinh danh nhiều nhà khoa học xuất thân từ môi trường làm việc trong nước. Chúng ta thiếu sót ở chỗ nào?

- Về mặt nhân sự làm KHCN, ta đang “hổng” toàn diện. Một ví dụ, chúng ta đầu tư gì cũng thiếu tập trung, dàn trải. Chỉ một việc mà quá nhiều nơi làm, một người lại làm rất nhiều việc. Điều này trái với cách làm của các nước có KHCN phát triển, họ rất tập trung. Khi muốn làm việc gì đó, họ tập trung toàn lực vào đó, cả nhân lực và vật lực, thậm chí trên bình diện quốc gia. Người không đủ, cơ sở vật chất thiếu cũng do chúng ta đã đầu tư không tập trung.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học. Ngay sau khi giải phóng thủ đô năm 1954, trong khi đất nước còn rất nghèo, Bác đã mạnh dạn cử ngay một lúc hơn 600 người sang nước ngoài học tập và chính đội ngũ này về sau đã đảm nhiệm nhiều trọng trách trong bộ máy Nhà nước. Thế rồi cũng chính đội ngũ này lại tiếp tục tham gia tiếp quản miền Nam vào năm 1975. Tôi là một trong số những người may mắn đó, sang Liên Xô ( bây giờ là nước Nga) học ngành sinh học từ năm 1955 và về nước phục vụ từ năm 1961 cho tới nay”.

* Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến hiện nay, những bộ óc trẻ có phần ngại ngần khi tham gia vào nghiên cứu, đóng góp cho KHCN. Và cho đến nay, dù có nhiều điều kiện hơn lớp trước, họ vẫn chưa có nhiều thành tựu?

- Mối quan hệ giữa “đức” và “tài” là vấn đề phức tạp, tiện đây chúng ta cũng nên thảo luận một chút. Ở thời đại của chúng tôi “hồng” và “chuyên” là khái niện thường trực rất gần gũi và gần như là đương nhiên, là một con người thì không thể thiếu một trong hai. Gần đây, chúng ta hay nói tới khái niệm IQ (chỉ số thông minh) và EQ (chỉ số cảm xúc). Ở Nhật Bản, trong mọi sự thành công thì sự đóng góp của IQ là 1 và của EQ là 10; trong khi đó ở châu Âu thì IQ là 1 và EQ là 26; ở đây cái “tâm” có ý nghĩa rất quyết định.

Chúng ta không thể đổ lỗi tất cả cho thế hệ trẻ được, ở đây những người đi trước phải nhận một phần trách nhiệm. Ở thời đại của chúng tôi, ít khi có cán bộ rời bỏ cơ quan, nhưng bây giờ thì lại khác hẳn, hấp lực của đồng tiền quá lớn!

Hiện nay, chúng ta đang rất cần những nhà khoa học có “đầu óc” và “tâm huyết”.  Tôi nghĩ thế hệ trẻ chắc chắn sẽ đáp ứng được yêu cầu này. Hãy vững tin ở họ.

Một điều nữa là có rất nhiều cán bộ khoa học mà chúng ta đã dầy công đào tạo, có nhiều kinh nghiệm mà lại nghỉ việc đồng loạt ở tuổi 60 thì rõ ràng đây là một sự lãng phí chất xám!  

 Bên cạnh đó, cũng có nhiều trí thức, nhà khoa học trẻ học tập và thành danh ở xứ người. Nhiều người cho đó là “chảy máu chất xám”. Ông nghĩ thế nào?

- Những trí thức Viêt Nam định cư ở nước ngoài do nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng suy cho cùng thì vẫn là người Việt. Nếu họ về được thì rất quý, song nếu về nước mà không đủ điều kiện để làm việc thì có khi lại là một sự lãng phí. Tôi có một người cháu - nhà khoa học vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận. Trong một dịp về công tác ở Việt Nam, Thuận có nói với tôi: “Sở dĩ cháu có được nhiều thành tựu trong khoa học là nhờ điều kiện học tập và làm việc ở nước ngoài quá đầy đủ để có thể thực hiện được ý tưởng của mình”.

* Theo quan điểm của ông, Việt Nam nên chú trọng đầu tư vào những điều gì trong KHCN để có bước tiến mạnh mẽ hơn? Và ở tầm địa phương như Đồng Nai, cần làm gì?

- Thứ nhất là con người. Đây là yếu tố tối quan trọng. Đào tạo một lớp cán bộ khoa học có trình độ, đủ sức tiếp cận với tri thức khoa học của thế giới là điều vô cùng cần thiết. Thứ hai là xây dựng cơ sở hạ tầng đủ để những con người đó có nơi làm việc, triển khai những ý tưởng tốt đẹp của mình phục vụ thiết thực cho sản xuất.

Đồng Nai là một tỉnh có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo và khoa học rất năng động, quan tâm đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho khoa học, thu hút được nhiều cán bộ khoa học so với các nơi khác, đồng thời có định hướng rõ ràng về xây dựng cơ sở hạ tầng cho khoa học vào loại nhất cả nước. Ví dụ Trung tâm Công nghệ sinh học ở Cẩm Mỹ. Trong tương lai, trung tâm này sẽ trở thành một đô thị khoa học, sẽ có chính sách để quy tụ các nhà khoa học có đầu óc và tâm huyết từ nhiều nguồn trong và ngoài nước. Điều này hoàn toàn đúng, một trong những thành công của nước Mỹ là họ đã quy tụ được nhiều nhân tài từ mọi miền của trái đất.

* Gần cả đời gắn bó với KHCN Việt Nam, điều gì theo ông sẽ dẫn dắt người ta theo nghề một cách lâu dài? Nếu chỉ đòi hỏi cái tâm thì có thể thu hút những người trẻ dấn thân vào khoa học hay không?

“Đồng Nai là một tỉnh có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo và khoa học rất năng động, quan tâm đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho khoa học, thu hút được nhiều cán bộ khoa học so với các nơi khác, đồng thời có định hướng rõ ràng về xây dựng cơ sở hạ tầng cho khoa học vào loại nhất cả nước”.

- Cần có sự rung động vô tư nhất, nói gọn lại là cái tâm. Đời sống cá nhân là vấn đề xã hội, rất khó để đòi hỏi cho thỏa đáng vì đòi hỏi của mỗi con người thông thường là vô hạn. Ví dụ, cách đây trên 30 năm, sau khi tôi hoàn thành chương trình học ở Pháp thì ông thầy của tôi có gợi ý cho tôi ở lại làm trưởng phòng thí nghiệm với mức lương 7 ngàn USD/tháng. Nhưng tôi không ở được, đơn giản là tôi phải về, và về nước một cách tự nhiên, không vấn vương.

Còn hiện tại, nếu chỉ chăm chăm đòi hỏi cuộc sống vật chất cho cá nhân thì thật vô chừng. Ở một khía cạnh khác cũng không nên để cho cán bộ khoa học có cuộc sống quá chật vật. Riêng tôi có cả một cuộc đời ăn học và lao động cũng chỉ vì một mục tiêu là hy vọng đóng góp được một phần nhỏ công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng xã hội ngày một tiến bộ, điều mà ai cũng mong muốn vì đại bộ phận dân chúng của ta còn quá nghèo. Tôi đã có nhiều thời gian gắn bó với tỉnh Đồng Nai, và tôi sẽ tiếp tục những hoạt động khoa học vì sự phát triển của cộng đồng. Rất hy vọng có sự hợp tác của giới trẻ.

Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều