Báo Đồng Nai điện tử
En

Dân "chê" bảo hiểm nông nghiệp

09:11, 10/11/2013

Đồng Nai là một trong 9 tỉnh, thành được Chính phủ chọn làm thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) trên đàn gia súc, gia cầm trong 2 năm (2011-2013).

Đồng Nai là một trong 9 tỉnh, thành được Chính phủ chọn làm thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) trên đàn gia súc, gia cầm trong 2 năm (2011-2013). Song, chương trình này đến nay chỉ có hộ nghèo tham gia do được miễn phí, còn các hộ chăn nuôi khác đều “chê”.

Lâu nay, sản xuất nông nghiệp luôn gặp nhiều rủi ro, do đó nhiều nhận định cho rằng, có BHNN sẽ giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất. Song, ở 9 xã Phú Xuân, Phú Lâm, Phú Thanh (huyện Tân Phú); Gia Canh, Phú Hòa, Phú Túc (huyện Định Quán) và Xuân Định, Bảo Hòa, Suối Cao (huyện Xuân Lộc) được chọn làm điểm thì nông dân lại lắc đầu từ chối khi chính quyền địa phương vận động tham gia.

* Miễn phí mới tham gia 

Theo Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ ra ngày 1-3-2011, Đồng Nai là một trong 9 tỉnh được chọn làm thí điểm BHNN trên đàn gia súc, gia cầm trong giai đoạn 2011-2013. Sau khi có quyết định, tỉnh đã chọn 9 xã làm điểm BHNN trên đàn bò, heo, gà. Tuy còn gần 2 tháng nữa chương trình thí điểm BHNN sẽ kết thúc, nhưng đến nay chỉ có hộ nghèo tham gia do được miễn 100% phí bảo hiểm. Còn các hộ chăn nuôi khác dù được giảm 1/3 mức phí so với ban đầu nhưng nông dân vẫn không tham gia vì cho rằng mức phí vẫn còn cao. Đồng thời quy định để được hưởng bảo hiểm vẫn còn khắt khe. Cụ thể thời điểm đàn gà, heo còn nhỏ dễ xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ rủi ro cao thì lại không được bảo hiểm.

Ông Trần Văn Thol ở ấp Chiến Thắng, xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc) là một trong nhiều trại gà “chê” bảo hiểm nông nghiệp.
Ông Trần Văn Thol ở ấp Chiến Thắng, xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc) là một trong nhiều trại gà “chê” bảo hiểm nông nghiệp.

Ông Trần Văn Thol ở ấp Chiến Thắng, xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc) nói: “Trang trại của tôi nuôi khoảng 6 ngàn con gà tam hoàng. Tôi  cũng muốn tham gia BHNN cho yên tâm. Nhưng lúc gà dưới 2 tuần tuổi tỷ lệ rủi ro cao thì không được bảo hiểm, còn sau đó đã tiêm phòng đầy đủ ít rủi ro mới bảo hiểm nên tôi không tham gia”. Cũng theo ông Thol, dù mức phí bảo hiểm ở gà giảm xuống còn 3 ngàn đồng/con, nhưng vẫn cao. Bởi đàn gà được giá trừ chi phí, ông cũng chỉ lời 18-20 triệu đồng, nếu ký hợp đồng BHNN thì số tiền phải đóng 18 triệu đồng/lứa, coi như gần hết tiền lời.

Ông Trần Văn Hiệp, Trưởng phòng Tổng hợp Công ty Bảo Việt Đồng Nai, cho biết: “Có 3 nguyên nhân chính khiến người chăn nuôi chưa mặn mà với BHNN là do thời gian qua giá heo, gà nằm dưới giá thành hơn 1 năm liền, hầu hết các hộ bị thua lỗ không muốn tăng thêm một khoản chi phí nữa. Thứ hai là do lúc heo, gà còn nhỏ cần được bảo hiểm thì lại không bảo hiểm. Thêm nữa, mấy năm nay chưa xảy ra dịch nên người chăn nuôi chưa hiểu hết tầm quan trọng của chính sách BHNN”.

Tương tự, những hộ nuôi heo cũng cho biết, phí bảo hiểm cho heo dù giảm xuống còn dưới 100 ngàn đồng/con, vẫn khá cao. Và ở giai đoạn heo còn nhỏ, dễ bệnh và chết, cần bảo hiểm thì lại không ký hợp đồng. Ông Trần Bá Đạt, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú, cho biết: “Chỉ có hộ nghèo ký hợp đồng BHNN vì được miễn 100% phí bảo hiểm. Còn các trang trại không đăng ký do mức phí vẫn còn cao, trong khi giá heo, gà lại bấp bênh, thường xuyên xuống dưới giá thành”.

* “Chê” vì chưa có dịch   

Theo ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, trước đây người dân “chê” BHNN vì cho rằng quy định quá khắt khe, như: phải công bố dịch, tổng đàn thiệt hại của cả xã từ 10% trở lên mới bồi thường, chỉ bảo hiểm bệnh heo tai xanh, cúm gia cầm... Nhưng từ ngày 23-8-2012, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn có Thông tư 43 điều chỉnh giảm 1/3 phí bảo hiểm cho các hộ chăn nuôi bình thường và mọi quy định để hưởng bảo hiểm cũng thông thoáng hơn nhiều so với Thông tư 47 trước đó; đồng thời bảo hiểm thêm bệnh tụ huyết trùng, nhiệt thán ở trâu, bò. Ở đàn heo, ngoài bệnh tai xanh, lở mồm long móng được bảo hiểm còn được bổ sung bệnh đóng dấu, phó thương hàn, tụ huyết trùng, dịch tả. Đàn gia cầm được bảo hiểm thêm bệnh phổ biến như dịch tả. Thế nhưng, hiện người chăn nuôi tại các xã được chọn làm thí điểm vẫn “làm ngơ” với BHNN, một phần do gần 3 năm nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch trên đàn heo và gần 8 năm nay không xảy ra dịch với gia cầm.

Từ đầu năm đến nay, Công ty Bảo Việt Đồng Nai mới ký hợp đồng BHNN được 95 hộ. Trong đó có 1 hộ bình thường, còn lại là hộ chăn nuôi thuộc diện nghèo, với số lượng rất khiêm tốn: 387 con heo, 50 con bò và 363 con gà. Đa số các hộ tham gia thuộc huyện Tân Phú. Và từ đầu chương trình đến nay, chưa có trường hợp nào phải bồi thường.

Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, các xã làm thí điểm BHNN của huyện không có hộ nào ký hợp đồng là vì hộ nghèo đã hết. Còn các trang trại thì chê phí bảo hiểm quá cao, tham gia sẽ hết lời”. Do đó, dù huyện và xã đã tổ chức tuyên truyền rất kỹ đến các hộ chăn nuôi nhưng vẫn chưa có hộ nào tham gia. Ông Đặng Ngọc Đức, Phó chủ tịch UBND xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc), chia sẻ: “Xã có gần 40 trang trại nuôi heo, gà nhưng không trại nào chịu ký hợp đồng BHNN. Và lý do họ đưa ra chủ yếu là phí cao và thời điểm bảo hiểm quá trễ”.

Uyển Nhi

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích