Năm nay, thị trường tết khởi động chậm hơn so với mọi năm. Sức mua giảm là mối lo chung của cả đơn vị sản xuất lẫn kinh doanh trong mùa cuối năm. Doanh nghiệp (DN) càng gặp khó khăn khi giá điện và chi phí đầu vào đang đồng loạt tăng giá trong thời điểm nhạy cảm này.
Năm nay, thị trường tết khởi động chậm hơn so với mọi năm. Sức mua giảm là mối lo chung của cả đơn vị sản xuất lẫn kinh doanh trong mùa cuối năm. Doanh nghiệp (DN) càng gặp khó khăn khi giá điện và chi phí đầu vào đang đồng loạt tăng giá trong thời điểm nhạy cảm này.
Theo ông Phạm Hoàng Minh, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch Hoàng Hà, chỉ mới tính mức tăng của một số chi phí căn bản, giá dịch vụ vận tải cuối năm ít nhất cũng tăng khoảng 20% so với trước. Nhiều DN vận tải đang đứng trước khó khăn vì chi phí đầu vào tăng, trong khi lượng đơn đặt hàng giảm.
* Tăng chi phí sản xuất
Ông Lâm Thanh Đức, chủ trại gà Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) lo lắng, giá điện vừa tăng 5% thì ngay lập tức, các đại lý cung cấp thức ăn gia súc thông báo sẽ tăng giá với mức gần 4% từ đầu tháng tới. Người chăn nuôi chưa kịp mừng vì trứng gia cầm nhích giá sau một thời gian liên tục giảm thì nay phải đối mặt với khó khăn mới do chi phí đầu vào tiếp tục biến động. Hiện trang trại đang tính đến bài toán giảm lỗ bằng cách giảm nhân công, thu hẹp quy mô chăn nuôi.
Doanh nghiệp sản xuất lo lắng vì chi phí đầu vào tăng. Ảnh: B. NGUYÊN |
Theo ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (D & F), chi phí đầu vào trong hoạt động sản xuất đang tăng mạnh, nhất là với các mặt hàng thực phẩm. Ông Phương dẫn chứng, giá thịt heo nguyên liệu đã tăng thêm khoảng 7% so với trước, ngoài ra, nhiều chi phí khác trong sản xuất cũng đang tăng. DN hiện phải gồng mình ứng phó để giữ bình ổn giá đầu ra vì hiện sức mua trên thị trường vẫn thấp và để giữ đơn hàng.
Bà Nguyễn Ngọc Thùy Dung, Giám đốc DN tư nhân sản xuất thương mại dịch vụ Châu Hồng (huyện Nhơn Trạch) chuyên làm về gỗ nội thất, văn phòng cho biết, mọi biến động trên thị trường đều tác động trực tiếp đến DN sản xuất. DN luôn ở thế bị động ứng phó vì thị trường hiện khá bất ổn. Bà Dung cho biết, giá điện vừa điều chỉnh đã tác động ngay đến chi phí sản xuất. Điều này càng gây khó cho DN trong tình hình sản xuất cầm cự như hiện nay vì sức tiêu thụ trên thị trường yếu.
* Khó đầu ra
Làm việc với Sở Công thương về đề án xây dựng bản đồ phân phối, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, năm nay, thị trường bị thu hẹp vì sức mua giảm cả ở kênh tiêu thụ hiện đại lẫn truyền thống. Để tăng thị phần, những tập đoàn đa quốc gia đổ rất nhiều chi phí để lan tỏa mạng lưới bán hàng đến từng bản dân tộc vùng sâu. Ở phân khúc giá rẻ, áp lực cạnh tranh với hàng Trung Quốc vẫn rất lớn. DN vừa và nhỏ đang bị đẩy vào ngõ cụt vì bị mất thị trường, trong đó không thiếu những DN hàng Việt chất lượng cao.
Thị trường tết năm nay vào mùa chậm hơn so với mọi năm. Ảnh: B NGUYÊN |
Bà Nguyễn Thị Hồng Khanh, Giám đốc siêu thị Co.opMart Biên Hòa nhận xét, thị trường tết năm nay khởi động chậm hơn so với mọi năm. Hiện sức mua tại siêu thị vẫn chưa biến động nhiều so với ngày thường. Siêu thị cũng chưa nhận được đơn hàng nào lớn từ các đơn vị, cơ quan đặt hàng quà tặng tết cho nhân viên như những năm trước. Khó về đầu ra nên hàng tết năm nay, nhiều mặt hàng thiết yếu đang hạ nhiệt chứ không bị đẩy giá như mọi năm. Cụ thể, giá gạo, đường, dầu ăn… đang giảm vài ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Các ngành hàng khác cũng chưa có đơn vị cung cấp nào đặt vấn đề tăng giá hàng hóa.
Tuy nhiên, khảo sát tại một số chợ tại TP. Biên Hòa, sức mua khá chậm nhưng nhiều mặt hàng thực phẩm đang tăng giá. Tăng cao nhất là nhóm thịt heo, thịt gà. Các loại rau củ giá cũng đang nhích nhẹ. Ông Nguyễn Ngọc Tánh, Ban quản lý chợ Biên Hòa cho biết, không chỉ người tiêu dùng mà tiểu thương trong chợ cũng rất lo lắng vì giá hàng hóa tăng sẽ kéo sức mua, nhất là trong tình hình mọi người đều phải “thắt lưng buộc bụng” như hiện nay.
Bình Nguyên