Báo Đồng Nai điện tử
En

“Vua” chà lúa vùng quê

07:03, 11/03/2012

Những năm 2000, bằng chiếc máy chà gạo nhỏ, mỗi ngày ông Nguyễn Đức Thuận, ngụ ở thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) chỉ nhận chà thuê khoảng 3 tạ lúa. Sau đó, mọi người không khỏi bất ngờ khi thấy ông bỏ ra hơn 300 triệu đồng để đầu tư một chiếc máy chà hiện đại, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

 

Những năm 2000, bằng chiếc máy chà gạo nhỏ, mỗi ngày ông Nguyễn Đức Thuận, ngụ ở thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) chỉ nhận chà thuê khoảng 3 tạ lúa. Sau đó, mọi người không khỏi bất ngờ khi thấy ông bỏ ra hơn 300 triệu đồng để đầu tư một chiếc máy chà hiện đại, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Thuận đang kiểm tra gạo ở nhà máy. Ảnh: V.N
Ông Thuận đang kiểm tra gạo ở nhà máy. Ảnh: V.N

Năm 1998, ông Thuận mở cơ sở chà lúa tại nhà. Vốn trong tay chỉ có hơn 10 triệu đồng cùng với chiếc máy chà mi ni cũ. Ròng rã hơn 2 năm trời, hàng ngày ông Thuận chỉ loay hoay với việc chà lúa thuê cho bà con trong thị trấn. Nhìn về tương lai, ông Thuận không khỏi lo lắng, bởi xu hướng người dân sẽ sử dụng gạo chợ nhiều nên khả năng chiếc máy chà lúa của ông sẽ... bỏ xó. Nghĩ đến viễn cảnh đó, ông quyết định thay đổi cách làm ăn.

Vay được 300 triệu đồng, ông Thuận quyết định làm ăn lớn. Đầu tiên, ông thay chiếc máy chà cũ bằng chiếc máy hiện đại, công suất 1,5 tấn lúa/giờ, trị giá 200 triệu đồng, gạo chà ra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Số tiền còn lại ông đi mua lúa về trữ và chà dần cung cấp sỉ cho các đại lý bán gạo quanh khu vực. Ban đầu, nhà máy chà của ông Thuận gặp khá nhiều khó khăn do các đại lý chưa tin tưởng, nhưng một thời gian sau khi chất lượng gạo ở cơ sở ông cung cấp khá tốt, giá rẻ hơn so với gạo từ miền Tây chở lên nên nhiều người bỏ mối cũ, quay sang làm ăn với ông Thuận. Sản lượng lúa từ nhà máy chà của ông Thuận cứ tăng dần từ vài tấn lên vài chục tấn/tháng và hiện lên đến 100 tấn/tháng.  Năm 2011, sản lượng lúa để chà gạo lên tới 1.200 tấn mới đủ cung cấp cho các đại lý trong và ngoài huyện, doanh thu đạt gần 10 tỷ đồng. Từ năm 2010 trở về trước, lúc nào trong kho của ông Thuận cũng dự trữ khoảng 500 tấn lúa, nhưng từ hai năm nay ông chỉ dự trữ 50 tấn. Nguyên nhân là do vốn mua lúa phải vay ngân hàng với lãi suất cao, nếu tập trung trữ lúa không may “đụng” gạo miền Tây bị ứ đọng và giá xuống thấp, chắc chắn sẽ lỗ. Theo ông Thuận, với sản lượng gạo khá lớn, hàng năm ông Thuận tham gia khá hiệu quả vào chương trình bình ổn giá ở địa phương.

Mở nhà máy chà, ông Thuận còn tính toán khá bài bản trong việc tận dụng các sản phẩm phụ như cám gạo và tấm. Thay vì đem bán, ông Thuận tập trung chăn nuôi heo và cá để tăng thêm thu nhập. Với 15 heo nái và luôn duy trì ổn định 200 heo thịt, năm ngoái, chỉ tính riêng tiền heo ông lãi ròng 800 triệu đồng và ao cá rộng 1,3 hécta cũng cho lãi trên 200 triệu đồng. 

Vân Nam

 

Tin xem nhiều