Báo Đồng Nai điện tử
En

Dịch vụ ăn uống đối mặt với khó khăn kép

Văn Gia
08:45, 23/04/2024

Hiện các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đối mặt với khó khăn kép là sức mua trên thị trường yếu và giá đầu vào của một số nguyên liệu tăng cao. Do đó, tìm cách duy trì kinh doanh là bài toán khó cho những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Giá nguyên liệu cà phê “tăng nóng” ảnh hưởng mạnh đến các cơ sở kinh doanh đồ uống. Trong ảnh: Nhân viên pha chế thức uống cà phê tại cửa hàng Đề-Ba (thành phố Biên Hòa). Ảnh minh họa: Hoàng Lộc

Theo các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh, giá nguyên liệu đầu vào như: cà phê, gas, lúa gạo, tôm… đã tăng khá cao so với năm trước.

Phụ thuộc vào sức mua thị trường

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I-2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn cả nước tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu so với bình quân 5 năm trước đại dịch Covid-19 bùng phát (giai đoạn 2015-2019), tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,5%/năm thì mức tăng 8,2% trong quý I-2024 là mức tăng trưởng thấp. Điều đó cho thấy nhu cầu tiêu dùng trong nước đang ở mức thấp do nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Sức mua yếu còn do người tiêu dùng đang tiết kiệm chi tiêu vì lo lắng kinh tế tiếp tục khó khăn. Khi sức mua yếu sẽ ảnh hưởng đến động lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Đặc biệt là khu vực thương mại, dịch vụ biểu hiện rõ rệt nhất và qua đó sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, để bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát thì Nhà nước cần tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8%; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và hỗ trợ DN…

Theo các chuyên gia kinh tế, đến thời điểm hiện tại, dù tăng trưởng kinh tế có những dấu hiệu khởi sắc nhưng với những diễn biết bất ổn ở một số nơi trên thế giới, tương lai vẫn còn nhiều rủi ro khó dự báo, có thể tác động tiêu cực đến phục hồi kinh tế.

Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh nhận định, nửa đầu năm 2024 vẫn là chặng đường khó khăn đối với doanh nghiệp trong việc thâm nhập, chinh phục người tiêu dùng, mở rộng thị trường. Nguyên nhân là do người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu, sức mua của thị trường bị tác động mạnh. Điều đó đòi hỏi DN phải luôn duy trì sản phẩm chất lượng tốt, tính toán lại chiến lược và mô hình kinh doanh của mình.

Trên thực tế, để có thể thích ứng với xu hướng tiêu dùng, nhất là tiêu dùng của giới trẻ, các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nỗ lực thay đổi trong cách tiếp cận bán hàng. Mở rộng bán hàng trực tuyến, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số, mạng xã hội giúp khai thác tốt hơn nhu cầu mua sắm kết hợp giải trí của người tiêu dùng và đây cũng là xu hướng đang nở rộ.

Lo giá nguyên liệu tăng cao

Không chỉ thị trường suy giảm tiêu thụ mà các đơn vị cung ứng dịch vụ cũng đang lo lắng khi giá nguyên liệu đầu vào đang tăng. Đơn cử như giá cà phê, đến thời điểm này đã lên mức 125 ngàn đồng/kg. Mức giá cà phê tăng nhanh xảy ra từ cuối năm ngoái. Nếu như ở thời điểm tháng 11-2023, giá cà phê trong nước chỉ hơn 60 ngàn đồng/kg thì nay đã tăng gấp đôi. Cùng với sự tăng giá trong nước, giá cà phê thế giới cũng tăng từng ngày, từng giờ, gây sự xáo trộn lớn đối với người nông dân lẫn các DN.

Theo bà Lê Thị Hải, chủ Cơ sở Sản xuất, chế biến cà phê Hải Việt (huyện Vĩnh Cửu, thương hiệu Havi Coffee), đà tăng giá nguyên liệu cà phê hiện nay là điều chưa từng xảy ra. Giá nguyên liệu tăng khiến chi phí sản xuất gia tăng chóng mặt, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, buộc các đơn vị phải có sự điều chỉnh.

Tương tự, chị Cao Thị Hương Trang, điều hành hơn 10 cơ sở kinh doanh đồ uống, quán ăn ở Biên Hòa và khu vực lân cận, cho hay giá nguyên liệu cà phê tăng nhưng các đơn vị kinh doanh thức uống mà cà phê là chủ đạo lại không được “tăng giá nóng” như trên thị trường. Nếu đột ngột tăng giá sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến khách hàng và do vậy cũng có nguy cơ giảm số lượng khách thân thiết còn lại.

Cùng với nguyên liệu cà phê, hiện các mặt hàng khác cũng đã ở mặt bằng giá cao hơn nhiều so với trước như: gạo, gas, hải sản.

Chị Cao Thị Hương Trang cho biết thêm, các quán ăn uống của chị nhập nhiều thịt bò ngoại, song giá thịt bò nhập khẩu cũng vừa tăng, vừa hiếm.

“Sức mua giảm trong khi giá nhiều nguyên liệu đầu vào tăng, người kinh doanh dịch vụ ăn uống thời gian qua đang phải gồng gánh rất vất vả; nếu tình hình kinh tế diễn biến bất lợi, nhiều cơ sở kinh doanh sẽ phải dừng hoạt động” - chị Trang nhận định.

Văn Gia

Từ khóa:

sức mua

ăn uống

Tin xem nhiều