Báo Đồng Nai điện tử
En

Cuộc đua tới Net Zero

Ban Mai
08:22, 24/08/2023

Net Zero (còn gọi trung tính carbon hay giảm phát thải ròng bằng 0) là cụm từ đang được nhắc đến nhiều ở phạm vi toàn cầu. Việc đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất và sử dụng năng lượng sạch để giảm phát thải là xu thế tất yếu của kinh tế xanh.

Các chuyên gia kinh tế thảo luận Net Zero từ cam kết đến thực tế tại Diễn đàn Kinh tế xanh năm 2023 do Báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức mới đây. Ảnh: B.Mai

Tại Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra cam kết và ban hành nhiều đề án, chiến lược, kế hoạch để đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chương trình đang được các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp (DN) triển khai thực hiện.

* Xu thế tất yếu của nền kinh tế

Cuối năm 2021, tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo trong khuôn khổ hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (Hội nghị COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra cam kết: Việt Nam thực hiện giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với các nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa, thiếu hụt nguồn năng lượng, hạn hán và nước biển dâng nên được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và lên tiếng ủng hộ.

Để biến cam kết này thành hành động, Chính phủ đã ban hành các đề án, chiến lược, kế hoạch và quan trọng nhất là đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu. Đề án đưa ra 31 nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2030 và 42 nhiệm vụ xuyên suốt từ nay đến năm 2050. Bên cạnh đó, Chính phủ thành lập ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện đề án, trong đó yêu cầu Bộ TN-MT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện; huy động các tổ chức quốc tế, cộng đồng DN trong và ngoài nước tham gia thực hiện cam kết này.

Phó tổng giám đốc Sáng tạo đổi mới và phát triển kinh doanh Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam (có chi nhánh tại Đồng Nai) Lâm Tố Trinh cho rằng, chuyển đổi xanh là xu hướng chuyển dịch tất yếu buộc cộng đồng DN phải nắm bắt và thay đổi kịp thời để không bị loại khỏi cuộc chơi toàn cầu. Tuy nhiên, xu thế này không chỉ là cơ hội, mà còn là thách thức lớn của các DN.

Hiện nay, Chính phủ đã đưa ra các cam kết: Đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, không xây mới điện than từ năm 2030 và loại bỏ dần điện than từ năm 2040, giữ diện tích rừng, giảm 30% khí thải metan vào năm 2030 so với mức năm 2020.

Cũng theo bà Trinh, Net Zero là chặng đường dài nên DN cần có kế hoạch, chia nhỏ từng giai đoạn thực hiện. Đối với NS BlueScope Việt Nam, đã hoàn thành việc gắn solar (pin năng lượng mặt trời) trên mái nhà để giảm điện năng tại khu vực văn phòng, căn tin cho nhà máy sản xuất tôn ở TP.Biên Hòa; tối ưu hóa quy trình sản xuất và đầu tư công nghệ để giảm năng lượng trong sản xuất gang thép cho nhà máy ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tới đây, DN tiếp tục gắn solar, đổi mới công nghệ để đạt mục tiêu giảm 50% lượng khí thải carbon vào năm 2030.

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (có các nhà máy tại Đồng Nai) đã đưa ra cam kết và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng hành cùng Chính phủ thực hiện Net Zero vào năm 2050. Lộ trình công ty đưa ra là năm 2025 sẽ giảm phát thải 20%, năm 2030 giảm phát thải 50% và hoàn thành mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Để đạt được các mục tiêu này, công ty tập trung các hoạt động: thúc đẩy nông nghiệp tái sinh; bảo tồn, tái tạo rừng và cảnh quan; cải tiến bao bì sản phẩm và hỗ trợ hoạt động tái chế, tái sử dụng bao bì. Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện mục tiêu không xả rác thải ra môi trường bằng việc thu gom, xử lý và tái sử dụng khoảng 60-65% nước thải, sử dụng 100% bã cà phê làm năng lượng sinh khối và tái sử dụng toàn bộ cát thải, tro xỉ từ sản xuất cà phê để làm gạch không nung.

* Cần khung pháp lý ổn định

Hiện nay, Việt Nam đã có các đề án, chiến lược, kế hoạch hành động tiến tới Net Zero vào năm 2050 như: Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động triển khai kết quả Hội nghị COP26… và nhiều chính sách được sửa đổi, ban hành mới nhằm tạo hành lang pháp lý cho quá trình triển khai thực hiện.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu Net Zero nếu có chính sách đủ tin cậy và ổn định. Khi đó, sẽ thu hút được nhiều nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào khoa học công nghệ, năng lượng, môi trường.

Bà Emily Hamblin, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM cho rằng, các DN Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để tiến đến Net Zero. Đó là cam kết của Chính phủ và các thể chế để thực hiện, có sẵn nguồn năng lượng tự nhiên và xu hướng tiêu dùng tất yếu của thế giới. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khuyến khích các bên, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân đặt mục tiêu, lộ trình thực hiện; nắm bắt cách tiếp cận từ các quốc gia trên thế giới; tận dụng các mối quan hệ hợp tác để có tài chính xanh.

“Chính phủ Anh đồng hành và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong các lĩnh vực tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng nói chung. Chúng tôi cần một chính sách phù hợp, minh bạch được quy định bởi luật để nguồn vốn từ các nhà đầu tư Anh đặt đúng lúc, đúng chỗ” - bà Emily Hamblin nói.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, TS Hà Đăng Sơn, Phó giám đốc kỹ thuật Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II của Tổ chức USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ) cho rằng, năng lượng là quan trọng nhất trong tăng trưởng xanh. Trong Quy hoạch điện VIII ban hành tháng 5-2023, Việt Nam đã đưa ra mục tiêu lớn về phát triển năng lượng tái tạo (NLTT). Để đạt con số 80-85% NLTT trong tổng cơ cấu năng lượng vào năm 2050, cần nguồn lực lớn từ các nhà đầu tư, ngân hàng và tổ chức quốc tế. Vấn đề này tư nhân làm được và làm tốt hơn nếu có đủ 3 yếu tố: vốn, công nghệ và chính sách.

Cũng theo TS Sơn, tài chính xanh cho NLTT của Việt Nam còn thấp, mới chỉ chiếm khoảng 3-4% trong tổng tín dụng. Cần tăng nguồn tín dụng xanh cho năng lượng, đồng thời tận dụng các mối quan hệ hợp tác quốc tế để có nguồn lực tài chính và thực hiện chuyển giao công nghệ. “Có nhiều ngân hàng, tổ chức quốc tế lên tiếng ủng hộ Việt Nam thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh. Lo lắng của nhà đầu tư là chính sách bất ổn dẫn đến rủi ro nhiều. Vì thế, cần chính sách có độ tin cậy, có thời hạn đủ cho các tính toán của nhà đầu tư. Với NLTT, chính sách cần ổn định khoảng 15 năm” - ông Sơn nêu.

Trồng rừng là một trong các giải pháp để giảm khí thải carbon. Trong ảnh: Hoạt động trồng rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, kinh tế xanh là con đường phát triển bền vững tất yếu để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nước ngoài đặt ra. Muốn vậy phải có cơ chế minh bạch, cụ thể; phải đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất và sử dụng năng lượng sạch; quan tâm tái tạo rừng và phục hồi hệ sinh thái. Điều này cần hành động ở cả tầm vĩ mô lẫn từng DN, người dân cụ thể.

Có thể thấy, Net Zero đang là cuộc đua mà mọi quốc gia đều muốn về đích sớm. Trong cuộc đua này, quốc gia nào ứng phó nhanh, huy động được nhiều nguồn lực từ cộng đồng DN, các tổ chức và ngân hàng trong và ngoài nước sẽ có lợi thế. Trường hợp còn lại sẽ là thách thức lớn và cần thời gian lâu hơn.

Việt Nam đã có cam kết và một số thể chế, cần thiết lập chính sách và môi trường pháp lý tin cậy để thu hút nhà đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng đáp ứng mục tiêu Net Zero. Đó là nguồn vốn, chuyển đổi năng lượng, phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nguồn
nhân lực...            

Ban Mai

Từ khóa:

Net Zero

kinh tế xanh

Tin xem nhiều