Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì sao xuất khẩu điện tử giảm mạnh?

07:09, 15/09/2022

Từ đầu năm 2022 đến nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng máy tính, điện tử và linh kiện trên địa bàn Đồng Nai giảm sâu so với các mặt hàng khác. Đây là ngành hàng sản xuất, xuất khẩu chủ lực của tỉnh nên sản xuất bị ảnh hưởng sẽ tác động xấu đến xuất khẩu của tỉnh.

Từ đầu năm 2022 đến nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng máy tính, điện tử và linh kiện trên địa bàn Đồng Nai giảm sâu so với các mặt hàng khác. Đây là ngành hàng sản xuất, xuất khẩu chủ lực của tỉnh nên sản xuất bị ảnh hưởng sẽ tác động xấu đến xuất khẩu của tỉnh.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH FICT Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Minh
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH FICT Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Minh

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu máy tính, điện tử và linh kiện trong 8 tháng của năm 2022 của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai chỉ đạt hơn 661 triệu USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 8-2022, xuất khẩu mặt hàng này chỉ đạt hơn 69 triệu USD, giảm gần 2% so với tháng trước.

* Thiếu nguyên liệu đầu vào

Nhiều năm qua, máy tính, điện tử và linh kiện là một trong 6 ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai. Đồng thời, đây cũng là ngành có đóng góp lớn cho xuất siêu của tỉnh. DN hoạt động trên lĩnh vực này đa số có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Lý do khiến kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng trên giảm không phải do ít đơn đặt hàng mà do thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

Giám đốc hành chính nhân sự Công ty TNHH FICT Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) Lê Đức Vinh cho biết: “Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành điện tử gặp khó khăn lớn nhất là thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Một số khu vực của Trung Quốc bị đóng cửa do dịch bệnh nên các nhà máy sản xuất tại đó phải giảm hoặc tạm dừng hoạt động, các đơn hàng đều bị chậm lại, không giao đúng tiến độ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng sản xuất của ngành và nhiều nhà máy sản xuất tại Việt Nam phải giảm công suất”.

Theo Sở Công thương, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tháng 8-2022 ước đạt 58 triệu USD, chiếm 3,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của tỉnh, giảm hơn 1% so với tháng trước, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2021. Luỹ kế 8 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng trên đạt 617 triệu USD, giảm hơn 19% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mặt hàng Đồng Nai xuất siêu khoảng 44 triệu USD.

Cũng theo ông Vinh, không đủ nguyên liệu để các nhà máy hoạt động nên nhiều DN đã giảm xuất khẩu và phải tìm nguyên liệu từ nơi khác thay thế. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn rất khó tìm được đối tác khác phù hợp để đặt hàng với số lượng lớn.

Trên địa bàn tỉnh có gần 100 DN sản xuất mặt hàng máy tính, điện tử và linh kiện. Sản phẩm làm ra, xuất vào gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, thị trường chính là: Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ và một số nước trong khối ASEAN. Một số tập đoàn sản xuất lớn thuộc lĩnh vực trên đã đặt nhà máy tại Đồng Nai như: Fujitsu, FC (Nhật Bản), Hansol Technics, Intops, Daewoo (Hàn Quốc)...

Theo ông Kim Byunggi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hansol Electronics Vietnam Hochiminhcity, công ty thuộc Tập đoàn Hansol Technics, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công và lắp ráp linh kiện điện tử cung ứng cho Tập đoàn Samsung, hiện công ty đã đầu tư vào Đồng Nai 2 dự án lớn tại Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) và Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom). Cả 2 dự án đều sản xuất các linh kiện điện tử để cung ứng cho Tập đoàn Samsung và xuất khẩu. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu nên công ty gặp khó khăn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất.

* Kỳ vọng vào những tháng cuối năm

Hiện nay, chuỗi cung ứng nguyên liệu cho ngành máy tính, điện tử và linh kiện đã được cải thiện, các nhà máy đã bắt đầu khôi phục và tiếp tục tăng công suất để đáp ứng các đơn hàng của đối tác trong và ngoài nước. Vì thế, các DN kỳ vọng trong 4 tháng cuối năm có thể chạy đua trong sản xuất để xuất khẩu, bù lại những tháng qua bị ảnh hưởng nguyên liệu, lao động, giá cả vật tư đầu vào leo thang…

Tìm hiểu tại các công ty sản xuất điện tử và linh kiện, đơn hàng của các DN không thiếu nên chỉ cần đảm bảo đủ nguyên liệu đầu vào và nguồn lao động là có thể “tăng tốc” để hoàn thành kế hoạch của năm 2022.

Ông Kim Byunggi chia sẻ: “Công ty đã hoàn thành nhà máy ở Khu công nghiệp Hố Nai và đã tuyển đủ lao động, đang tăng công suất để đáp ứng đủ yêu cầu của các đối tác. Dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD, chuyên sản xuất, gia công, lắp ráp module hiển thị tinh thể lỏng, bản mạch điện tử với quy mô khoảng 10,8 triệu sản phẩm/năm. Đầu ra của công ty khá thuận lợi và không lo thiếu đơn hàng”.

Nguồn nguyên liệu để sản xuất của ngành máy tính, điện tử và linh kiện tại Đồng Nai cũng như cả nước lệ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Cụ thể, trong 8 tháng của năm 2022, Đồng Nai nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho ngành này khoảng 617 triệu USD. Vì nguyên liệu đa số phải nhập khẩu nên các nhà máy trong nước rất khó chủ động trong sản xuất và chịu tác động lớn khi những thị trường nhập khẩu có tác động tiêu cực. Từ năm 2020 đến nay, các DN thuộc ngành điện tử đã tăng tìm sản phẩm đầu vào trong nước, các DN có hàng hóa đáp ứng về chất lượng, số lượng, giá cạnh tranh rất dễ tìm được đối tác ký kết hợp đồng đặt hàng.

Theo ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Đồng Nai, những năm gần đây, nhiều DN Hàn Quốc đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực điện tử. Khi các DN đầu tư vào tỉnh thường kéo thêm các DN nhỏ từ Hàn Quốc đến cung ứng sản phẩm đầu vào cho mình, đồng thời tìm thêm các DN Việt để hợp tác cùng tham gia vào chuỗi sản xuất.

 Khánh Minh

Tin xem nhiều