Từ đầu năm 2022 đến nay, kinh tế của khu vực Đông Nam bộ phải chịu những tác động tiêu cực từ thế giới như: lạm phát, giá nguyên liệu đầu vào, dịch vụ vận chuyển tăng cao. Tuy nhiên, các tỉnh, thành trong khu vực vẫn nỗ lực vượt qua, tiếp tục phục hồi kinh tế và đạt mức tăng trưởng cao.
Từ đầu năm 2022 đến nay, kinh tế của khu vực Đông Nam bộ phải chịu những tác động tiêu cực từ thế giới như: lạm phát, giá nguyên liệu đầu vào, dịch vụ vận chuyển tăng cao. Tuy nhiên, các tỉnh, thành trong khu vực vẫn nỗ lực vượt qua, tiếp tục phục hồi kinh tế và đạt mức tăng trưởng cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chứng kiến Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi ký kết hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm để đầu tư vào nông nghiệp. Ảnh: K.Minh |
Vùng Đông Nam bộ gồm 6 tỉnh, thành: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh. Trong 9 tháng của năm 2022, mức tăng trưởng GRDP của vùng bình quân gần 9,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn bình quân chung của cả nước. Tăng trưởng GRDP của các tỉnh, thành trong vùng không chênh lệch nhiều, chứng tỏ khu vực này phục hồi, phát triển kinh tế tương đối đồng đều.
* Đóng góp lớn cho kinh tế cả nước
Vùng Đông Nam bộ hiện vẫn giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là vùng tứ giác kinh tế: TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tăng trưởng kinh tế của vùng Đông Nam bộ cao, ổn định sẽ đóng góp lớn cho nền kinh tế của cả nước, vì đây là vùng có công nghiệp, xuất khẩu, thương mại dịch vụ phát triển; thu ngân sách, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư trong nước lớn.
Theo Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, trong 9 tháng của năm 2022, Việt Nam thu hút vốn FDI hơn 18,7 tỷ USD. Các nhà đầu tư FDI đã đầu tư vào 53 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, TP.HCM dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký và tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm 2021. Địa phương xếp thứ 2 trong thu hút dòng vốn FDI là Bình Dương với tổng vốn đăng ký trên 2,7 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng vốn, tăng trên 58% so với cùng kỳ.
Đồng Nai xếp thứ 7 trong thu hút vốn đầu tư FDI với 912 triệu USD. Như vậy, Đông Nam bộ chiếm gần 40% trong tổng nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Dòng vốn FDI đổ vào khu vực này đa số thuộc lĩnh vực công nghiệp nên giúp cho xuất khẩu, xuất siêu của vùng này cũng chiếm tỉ trọng lớn so với cả nước. Theo đó, trong nhiều năm liền, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn thuộc tốp 6 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu ngân sách nhà nước.
CLB Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức ngày hội giao thương tại TP.HCM để các doanh nghiệp gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm và hợp tác |
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết: “Từ đầu năm 2022, Đồng Nai đã triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) hoạt động nên sản xuất công nghiệp, xuất khẩu giữ mức tăng trưởng khá. GRDP 9 tháng năm nay tăng trưởng cao, tổng thu ngân sách được gần 48,1 ngàn tỷ đồng, đạt 87% dự toán; 77/120 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Đồng Nai tiếp tục cố gắng để hoàn thành và vượt các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội theo kế hoạch năm”.
Dự báo trong quý IV-2022, tình hình kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, nhưng các tỉnh, thành Đông Nam bộ đều nỗ lực đưa ra các giải pháp để triển khai nhằm về đích theo đúng kế hoạch. Hiện các đơn hàng sản xuất giảm mạnh, DN trong nước, DN FDI cân nhắc kỹ hơn trong việc đầu tư mới các dự án hoặc mở rộng dự án. Do đó, các địa phương phải tăng cường xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư để có thể mở thêm các thị trường xuất khẩu mới và thu hút được dòng vốn FDI chất lượng đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.
* Tiếp tục giữ vai trò “đầu tàu”
Vùng Đông Nam bộ được đánh giá là khu vực “đầu tàu” trong phát triển kinh tế của cả nước. Vì thế, nếu khu vực này giữ được kinh tế ổn định và tăng trưởng cao sẽ đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Năm 2022, dự báo kinh tế của Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng hơn 8%, cao hơn chỉ tiêu của Chính phủ và Quốc hội từ 1,5-2%. Đông Nam bộ là khu vực có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động trên cả nước. Các DN trong nước, tập đoàn FDI cho rằng, khu vực này rất thuận lợi để đầu tư vào công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, bất động sản. Nhiều nhà đầu tư trong nước, FDI vẫn đang tìm cơ hội để đầu tư các dự án tại Đông Nam bộ.
CLB Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức ngày hội giao thương tại TP.HCM để các doanh nghiệp gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm và hợp tác |
Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá: “Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy giảm thì Việt Nam vươn lên trở thành nước xếp thứ 2 trên thế giới về khả năng phục hồi kinh tế và có GDP tăng trưởng cao. Điều này sẽ hấp dẫn các DN FDI đầu tư vào Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Vùng Đông Nam bộ tiếp tục là nơi có nhiều DN Hoa Kỳ cũng như DN FDI khác muốn đầu tư vào”.
Với hàng loạt lợi thế về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không và có các cảng lớn thì vùng này trong tương lai vẫn là nơi có kinh tế phát triển nhanh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, muốn thúc đẩy GRDP tăng trưởng cao hơn nữa thì Chính phủ phải ưu tiên thêm nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ các dự án về hạ tầng giao thông và kết nối.
Ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM cho biết: “Hiện nhiều DN Ấn Độ muốn đầu tư vào Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác ở Đông Nam bộ. Lĩnh vực các DN Ấn Độ đang muốn đầu tư vào khu vục này là công nghiệp, du lịch, y tế… Phía Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM sẽ tạo điều kiện để DN Ấn Độ tìm hiểu môi trường đầu tư trong khu vực để lựa chọn nơi đặt dự án phù hợp”.
Hiện nay, hầu hết các tập đoàn, DN lớn trong nước, FDI đều đã đặt nhà máy sản xuất, trụ sở công ty, văn phòng giao dịch tại Đông Nam bộ để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa đi cả nước và xuất khẩu. Dự báo khi các đường cao tốc hoàn thành kết nối với nhau, sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, Đông Nam bộ sẽ trở thành khu vực kinh tế năng động nhất cả nước và có bước tăng trưởng vượt bậc.
Khánh Minh