Báo Đồng Nai điện tử
En

Tứ giác kinh tế dẫn đầu công nghiệp toàn vùng

07:07, 09/07/2022

Tứ giác kinh tế của khu vực phía Nam bao gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong vùng tứ giác này, công nghiệp (CN) phát triển mạnh và thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước, ngoài nước.

Tứ giác kinh tế của khu vực phía Nam bao gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong vùng tứ giác này, công nghiệp (CN) phát triển mạnh và thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước, ngoài nước.

Chế biến nông sản xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm G.C ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom). Ảnh: H.Giang
Chế biến nông sản xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm G.C ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom). Ảnh: H.Giang

Vùng tứ giác kinh tế Đông Nam bộ là nơi tập trung nhiều khu CN, cụm CN nhất Việt Nam. Khu vực trên nắm giữ khoảng 50% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả nước. Trong 5 tỉnh, thành dẫn đầu Việt Nam về thu hút vốn FDI thì vùng tứ giác kinh tế có 3 tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương.

* CN phát triển mạnh

Cuối những năm 1980, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa đón dòng vốn FDI vào CN và một số lĩnh vực khác để phát triển kinh tế - xã hội thì Đồng Nai, TP.HCM là nơi mời gọi được nhiều nhà đầu tư nhất. Vốn FDI thời kỳ đầu đa phần “đổ” vào để xây dựng nhà xưởng sản xuất CN. Sau đó là thời kỳ ngành CN khu vực Đông Nam bộ “tăng tốc” và dần hình thành tứ giác trong phát triển kinh tế.

Mới đây, tại hội nghị Chiến lược đầu tư trong bối cảnh bình thường mới được tổ chức tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông đánh giá: “Hơn 2 năm qua, thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế chậm lại, giá cả vật liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao. Việt Nam có sự linh hoạt trong điều hành và kiểm soát dịch bệnh tốt nên kinh tế vĩ mô ổn định, giữ mức tăng GDP cao so với nhiều nước trong khu vực. Trong đó, các trung tâm CN là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đóng góp rất lớn cho sự phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam”.

Mục tiêu của Đồng Nai là đến năm 2030 sẽ đứng thứ 3 cả nước về độ lớn của nền kinh tế, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội. Giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ thu hút vốn FDI thêm khoảng 12 tỷ USD, tỷ lệ nội địa hóa đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.

Thời gian qua, tứ giác kinh tế phía Nam đã giữ vững vai trò, vị trí của một đầu tàu động lực, có sức thu hút, lan tỏa lớn và trở thành trung tâm CN, dịch vụ, khoa học - công nghệ của quốc gia và khu vực Ðông Nam Á.

Đồng Nai được xem là “cái nôi” phát triển CN của Việt Nam với 32 khu CN được thành lập, thu hút hơn 2 ngàn dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 35,8 tỷ USD. Trong đó, có hơn 1,5 ngàn dự án của doanh nghiệp (DN) FDI có vốn đăng ký là 33 tỷ USD và hơn 500 dự án của DN có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn khoảng 2,8 tỷ USD.

Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam Alain Cany cho biết: “Những năm qua, rất nhiều DN của châu Âu đã đầu tư vào khu vực Đông Nam bộ và hoạt động rất hiệu quả. Trong đó, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi đón nhận được nhiều DN châu Âu đầu tư vào CN có công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới. Có những công ty cam kết xây dựng các nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo và không phát thải khí carbon để hướng đến nền CN xanh”.

* Xu hướng chọn lọc trong phát triển CN

Nhiều năm qua, vùng tứ giác kinh tế chú trọng trong phát triển CN và lựa chọn đầu tư và CN hỗ trợ luôn được ưu tiên để nâng dần tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm. Do đó, các địa phương trên cũng trở thành nơi cung ứng sản phẩm đầu vào lớn cho sản xuất CN của cả nước và là khu vực có xuất khẩu, xuất siêu lớn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Đồng Nai luôn nằm trong tốp đầu các tỉnh, thành về thu hút dòng vốn FDI và tỉnh cũng chọn lọc kỹ càng các dự án với quy mô lớn và phù hợp với định hướng. Hiện tỉnh là một trong những trung tâm CN lớn của Việt Nam. Trong những năm tới, CN vẫn là ngành được tỉnh tập trung phát triển để khai thác các lợi thế về hạ tầng giao thông. Mục tiêu của Đồng Nai trở thành trung tâm dẫn dắt liên kết vùng, kiến tạo và phát triển 3 trục kinh tế chính của khu vực Nam bộ là Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và trục hành lang kinh tế biển”.

Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, những năm qua, kinh tế Đồng Nai có bước tăng trưởng mạnh mẽ, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển trong tương lai. Tỉnh cũng quy hoạch, triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật thêm nhiều khu CN với diện tích lớn để mời gọi DN trong nước, nước ngoài vào CN hỗ trợ, CN ứng dụng công nghệ cao để tăng giá trị gia tăng cho ngành CN.

Tứ giác kinh tế phía Nam có CN phát triển kéo theo kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu Việt Nam. Đặc biệt, ngành CN hỗ trợ phát triển, các DN linh hoạt trong tìm đối tác để mở rộng tiêu thụ ở thị trường nội địa, xuất khẩu, giảm nhập khẩu nên Bình Dương, Đồng Nai trở thành một trong những địa phương có xuất siêu lớn của Việt Nam. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu hơn 700 triệu USD nhưng Bình Dương xuất siêu hơn 6 tỷ USD, Đồng Nai hơn 3,1 tỷ USD. Cán cân thương mại nghiêng về phía Đồng Nai và Bình Dương đã góp phần để Việt Nam tiếp tục là nước xuất siêu.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, thời gian qua, TP.HCM phối hợp khá tốt với các tỉnh, thành trong khu vực để thu hút đầu tư, phát triển CN, dịch vụ, hạ tầng giao thông. Tới đây, TP.HCM sẽ tiếp tục liên kết với địa phương trong vùng để thu hút đầu tư vào những ngành CN mang tính hỗ trợ cho nhau để khai thác hết những tiềm năng, lợi thế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hương Giang

Tin xem nhiều