Báo Đồng Nai điện tử
En

Hùm Xám qua sông truyền tải tình yêu quê hương, biết ơn nguồn cội

Trung Nghĩa
08:20, 15/03/2024

Tác phẩm Hùm Xám qua sông (Nhà xuất bản Kim Đồng) của nhà văn Bùi Tiểu Quyên kể về một chú chó tên Hùm Xám khoái nghe cải lương, ham lang thang đó đây để kết bạn, hiểu biết về thiên nhiên, lễ hội và học bài học yêu thương.

Hùm Xám qua sông - truyện dài dành cho thiếu nhi.
Hùm Xám qua sông - truyện dài dành cho thiếu nhi.

“Hãy nhìn vào bầu trời. Hãy nhìn vào mặt đất. Hãy nhìn vào dòng sông…” - câu chuyện Hùm Xám qua sông mở đầu như thế, như dự báo chú chó nhỏ tuổi Hùm Xám về sau này được chọn trở thành “khuyển truyền ký ức”, với sứ mệnh lưu giữ những quá khứ tự hào, phong tục tập quán, nét đẹp dân gian, những tính cách tốt đẹp ở nơi không gian mà chú sống.

* Chú chó có sứ mệnh cộng đồng

Thông qua Hùm Xám và hành trình chu du khắp nơi, say mê khám phá mọi điều xung quanh của chú, người đọc được hòa mình vào không gian thiên nhiên của vùng sông nước Nam Bộ, được nhớ lại những ngày khẩn hoang, bảo vệ sự bình yên quê nhà cho đến những làng nghề truyền thống, các lễ hội văn hóa đậm sắc dân gian…

Truyện dài đầu tay dành cho thiếu nhi của Bùi Tiểu Quyên Cà Nóng chu du Trường Sa (Nhà xuất bản Kim Đồng) nhận giải C (không có giải A, B ở hạng mục sách thiếu nhi) Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 5-2022.

Truyện dài Hùm Xám qua sông tái hiện sinh động cuộc sống vui vẻ, bình yên cùng mối quan hệ đáng yêu giữa các nhân vật như Hùm Xám và bạn đồng hành Mèo Mướp, hay Đốm, Bi Béo, Rác, Tam Thể, Ốc Sên, chị Bồ Câu Trắng… bằng phong cách đồng thoại dung dị, gần gũi, dễ cảm. Lòng nhân ái, sự đối xử chan hòa thân thương cũng như những bài học trưởng thành được tác giả khéo léo lồng vào câu chuyện thật tự nhiên. Ví dụ như lời an ủi của bác Giác (tên chú chó cao niên trong truyện) với Hùm Xám: “Con cứ sống cuộc đời bình thường của con. Mọi sự rồi sẽ tốt đẹp”.

Nhân vật Hùm Xám không chỉ trải qua những ngày vô tư hồn nhiên mà còn trải qua nhiều thử thách, từ đó thấu hiểu và yêu thương hơn cộng đồng quanh cậu. Chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần, nhà văn Bùi Tiểu Quyên bày tỏ: “Tôi tạo ra các nhân vật loài vật nhưng xem chúng như những đứa trẻ, tự do sống trong thế giới tuổi thơ êm đềm, rồi khám phá thế giới, học hỏi để trưởng thành; thấu hiểu để biết bao dung và sẻ chia, giàu tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Hùm Xám là một chú chó nhỏ song có ước mơ, hoài bão lớn và cuối cùng đủ dũng cảm để nhận lãnh sứ mệnh đoàn kết của cậu”.

* Thế giới tự nhiên sinh động, đẹp đẽ

Vốn rất yêu các loài vật, Tiểu Quyên cho biết: “Bước vào cánh đồng văn học thiếu nhi, tôi chọn thể loại truyện đồng thoại vì muốn kể chuyện với các bạn nhỏ một cách tự nhiên. Việc nhân cách hóa các loài vật và cho chúng một đời sống sinh động cũng là cách tôi nghĩ mình nên làm trong sáng tác. Qua lăng kính của các nhân vật loài vật, tôi cũng được tự do miêu tả, cảm nhận về thế giới và con người ở góc độ hài hước, dí dỏm, thú vị và nhiều chiều kích hơn”.

Tiểu Quyên tặng chữ ký lên sách cho các bạn nhỏ.
Tiểu Quyên tặng chữ ký lên sách cho các bạn nhỏ.

Một trong những tác phẩm đồng thoại Tiểu Quyên ấn tượng là Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài. Chị nói: “Lúc nhỏ tôi đọc và thích sự nghịch ngợm, dí dỏm và cuộc phiêu lưu của các nhân vật. Sau này đọc lại thấy cả một thế giới tự nhiên kết nối với nhau, sinh động và đẹp đẽ trong trang viết. Tôi tin, mỗi nhà văn đều có thể kể được những câu chuyện đồng thoại ý nghĩa cho bạn nhỏ”.

Viết truyện đồng thoại cho thiếu nhi, Tiểu Quyên cho biết ngoài những kỹ năng cần thiết của người sáng tác thì “một trong những yếu tố quan trọng là sự hiểu về loài vật được chọn làm nhân vật. Hiểu về các đặc điểm, đặc tính để có thể tạo ra những tình tiết hài hước, những cuộc phiêu lưu thú vị hoặc miêu tả thế giới quan của loài vật một cách hợp lý, thuyết phục hơn”.

Dành 1 năm sáng tác Hùm Xám qua sông, Tiểu Quyên cho biết cô gửi gắm rất nhiều điều vào tác phẩm như giá trị về văn hóa lịch sử, tình yêu quê hương, biết ơn nguồn cội… và nhấn mạnh: “Nhưng trước nhất đây là một câu chuyện tươi đẹp dành cho trẻ thơ. Sau nữa là bạn đọc - dù ở độ tuổi nào - nếu có thể cảm nhận các tầng nghĩa khác, thì đó cũng là điểm đến hài lòng từ tác giả”.

Viết văn trong tĩnh lặng là một món quà

 

Được biết Tiểu Quyên vẫn luôn sắp xếp lịch viết văn mỗi ngày. Liệu chị có cảm thấy mình “yên tĩnh, nhu mì” quá không trong thời đại mà nhiều người năng nổ dự sự kiện, quay clip đưa lên TikTok không ngừng như hiện nay?

- Nhà văn BÙI TIỂU QUYÊN: Tôi vẫn có mặt ở những sự kiện cần thiết, gặp gỡ và trò chuyện với bạn bè và đi làm bình thường như mọi người. Chỉ là tôi biết mình thuộc về thế giới tĩnh lặng, sẽ vẫn cảm thấy an nhiên khi ngồi trong vườn nhà đọc sách hay ngắm một bông hoa nở thay vì luôn tìm kiếm niềm vui từ bên ngoài. Tôi cũng dành thời gian cho những điều muốn học, muốn làm và quan trọng là cho bản thảo văn chương mới (cười).

Viết văn là một hành trình lặng lẽ mà nhà văn chỉ có thể tự mình dấn bước trên trang viết. Không ai viết thay, cũng không ai ép mình “KPI” phải viết cả. Đó là lựa chọn của chính bạn. Cho nên, sự tĩnh lặng với tôi cũng là một món quà. Sự rộn ràng của nhà văn có lẽ chỉ là thời điểm tác phẩm ra mắt bạn đọc, nhận được sự quan tâm khích lệ của nhiều người. Với tôi như vậy rất vui và hạnh phúc rồi.

Trung Nghĩa

Tin xem nhiều