Báo Đồng Nai điện tử
En

Trở lại Sa Đéc

Văn Phong
07:10, 03/02/2024

Tranh thủ chuyến công tác về nguồn ở tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi được đồng nghiệp ở địa phương hướng dẫn tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nằm bên bờ sông Tiền thơ mộng mà mình háo hức bấy lâu.

Các thiếu nữ Đồng Tháp tạo dáng tại làng hoa Sa Đéc
Các thiếu nữ Đồng Tháp tạo dáng tại làng hoa Sa Đéc

Ở lần trở lại này, chúng tôi chợt phát hiện ra một TP.Sa Đéc đang trên đường phát triển mà nếu biết quy hoạch, đầu tư bài bản sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trên hành trình du lịch của khách trong ngoài nước.

Rộn rịp vụ hoa tết

Cảm nhận đầu tiên khi trở lại Sa Đéc là một không khí tất bật của bà con nhà vườn cho vụ hoa tết đang đến gần. Vừa qua, festival hoa được vài tuần nên hoa nở không có nhiều vì bà con đã canh đúng festival hoa xong, giờ mới đang canh hoa tết.

Từ cổng chào của TP.Sa Đéc, hai bên đường người xe đông đúc và chủ yếu là giới trồng, kinh doanh hoa từ tưới tắm đến cung ứng chậu, phân bón. Cứ đi một lát là gặp hình ảnh đẹp của làng hoa Sa Đéc là các luống hoa được trồng trên cao để tránh ngập nước nhìn khá bắt mắt, khác với ở các làng hoa truyền thống của Hà Đông, Đà Lạt hay Sa Pa.

Thông thường từ khoảng 20 tháng Chạp thì hoa mới nở nhiều và cũng là lúc rộn rịp nhất của vụ hoa tết khi thương lái về chở hoa cung cấp đi TP.HCM và các nơi.

Hỏi chuyện cô phóng viên trẻ Kim Ngân của Báo Đồng Tháp thì được biết những năm gần đây lượng khách đến với làng hoa Sa Đéc mỗi năm một đông nhờ địa phương chủ động tổ chức các lễ hội hoa xuân gắn với tết cổ truyền và đặc biệt là festival hoa lần thứ nhất diễn ra vào Tết Dương lịch 2024.

Nhà cổ Sa Đéc là một trong những điểm đến chính không thể bỏ qua.

Nếu Đà Lạt có những không gian hoa đặc trưng của vùng đồi núi, thung lũng thì Sa Đéc lại đặc sắc với không gian sông nước với cảnh thuyền hoa rực rỡ cả trên bến lẫn dưới thuyền. Nhờ đó, sản phẩm hoa của các làng hoa Sa Đéc được tiêu thụ nhiều hơn tại các tỉnh, thành và cung ứng cho festival hoa, rồi kéo theo nghề đan giỏ hoa, cung ứng phân bón, dịch vụ vận chuyển… giúp người dân địa phương tăng thêm thu nhập, nhất là nhà vườn. 

Nhận xét về festival hoa vừa được tổ chức, theo chị Kim Ngân: Về hoạt động thì đa dạng hơn nhiều như không gian sắp đặt hoa, kiểng nghệ thuật; trưng bày, triển lãm sản phẩm hoa, kiểng trong nước và quốc tế; phiên chợ hoa, kiểng; không gian triển lãm ảnh Sa Đéc xưa và nay; trưng bày, triển lãm sinh vật cảnh; chương trình tái hiện lễ tri ân tiền nhân và tôn vinh nghề trồng hoa, kiểng Sa Đéc. Cùng với đó, còn có hội thảo nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng hoa, kiểng; hội nghị kết nối giao thương các sản phẩm hoa, kiểng... các gian hàng ẩm thực, các trò chơi vận động. Các đêm diễn ra festival đều diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ đi kèm như: thả hoa đăng trên sông, tham quan gian hàng sản Phẩm OCOP (chương trình Mỗi xa một sản phẩm) của tỉnh giúp cho du khách có thể trải nghiệm không gian hoa miền sông nước và mua sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương. Ước tính đã có 245 ngàn lượt khách đến với festival hoa Sa Đéc lần thứ nhất, trong đó có 2 ngàn khách quốc tế.

Ngoài khung cảnh nhộn nhịp của làng hoa Sa Đéc, chúng tôi cũng ấn tượng với hạ tầng giao thông đường bộ từ TP.Cao Lãnh đi các huyện, thành phố trong tỉnh. Từ H.Lấp Vò, dù có xe ô tô của báo bạn là thổ địa dẫn đường nhưng bác tài xe tôi vẫn không theo kịp và xe dẫn đường phải 2 lần dừng lại để chờ để xe tôi quay lại do lộn đường khi qua ngã tư có đèn đỏ bật lên nên bị mất dấu.    

Độc đáo nhà cổ bên sông Tiền

Chúng tôi đến Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (thường được gọi là nhà cổ Sa Đéc) nằm bên sông Sa Đéc (một nhánh của sông Tiền). Một đoàn khách Pháp khoảng hơn 10 người tham quan nhà cổ. Họ vừa dùng trà, thưởng thức mứt gừng và nghe thuyết minh về lịch sử ngôi nhà. Ngay phòng khách ở ngôi nhà treo nhiều hình ảnh trắng đen về chủ nhân của ngôi nhà là ông bà Huỳnh Thủy Lê và 5 người con.

Du khách Pháp tham quan Nhà cổ Sa Đéc
Du khách Pháp tham quan Nhà cổ Sa Đéc

Đặc biệt, du khách tỏ vẻ chăm chú khi nghe giới thiệu về tiểu thuyết và bộ phim cùng tên Người tình (L’ Amant) mà nhân vật chính là ông Huỳnh Thủy Lê thời trẻ và bà Marguerite Duras (người Pháp). Tiểu thuyết này xuất bản năm 1984, đã được trao giải Goncourt - giải thưởng danh giá nhất của văn học Pháp và và được xuất bản bằng 43 thứ tiếng. Chuyện tình của bà với ông Lê được đạo diễn Jean - Jacques Aninaud chuyển thể thành phim năm 1986 với tài từ Hồng Kông Lương Gia Huy thủ vai nam chính với Jane March vai nữ chính. Ngôi nhà được dùng làm bối cảnh chính cho bộ phim.

Căn nhà khá bề thế và vẫn còn vững chãi dù đã có tuổi đời 128 năm và mặt trước của căn nhà nhìn ra sông Tiền, nằm giữa một khu dân cư đông đúc có nhiều ghe thuyền ngược xuôi trên sông tạo thêm điểm nhấn cho di tích và có thể xem đây là nhà cổ đặc sắc nhất của vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long.

Nhìn bên ngoài, ngôi nhà mang kiến trúc biệt thự Pháp nhưng bên trong mang đậm dấu ấn kiến trúc Trung Hoa với vật liệu chủ đạo là gỗ. Ở gian giữa, nền nhà hơi bị trũng. Đây là chi tiết xây dựng có chủ ý của chủ nhà, vì theo yếu tố phong thủy thì tiền tài chảy về chỗ trũng. Bàn thờ Quan Công được đặt ở giữa gian chính theo tín ngưỡng của người Hoa. Trong nhà còn lưu giữ được nhiều đồ vật quý như: bộ phản khảm xà cừ dùng để gia chủ nghỉ trưa, rèm bằng gỗ kéo ngang cửa để báo cho khách biết chủ đang nghỉ trưa. Căn nhà đã được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 2009.

Anh Trần Võ Hoàng Nam, hướng dẫn viên của nhà cổ (thuộc Công ty TNHH MTV Khu du lịch Văn hóa Phương Nam, trụ sở ở H.Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) vui vẻ cho biết thêm: “Trung bình mỗi tháng nhà cổ đón khoảng 3 ngàn khách tham quan, cao điểm thì 4-5 ngàn khách/tháng và thường khách Tây nhiều hơn khách ta. Trong các đoàn khách thì nhiều nhất vẫn là khách đến từ Pháp có lẽ nhờ nhiều người đã đọc tiểu thuyết của bà viết về mối tình đầu với ông Huỳnh Thủy Lê nên rất háo hức, đặt tour du lịch 3-4 ngày theo tuyến sông Mê Kông - từ Campuchia xuống hoặc từ TP.HCM lên”.  

            Văn Phong

Tin xem nhiều