Báo Đồng Nai điện tử
En

Những nguồn tư liệu quý trong dòng chảy lịch sử

07:01, 15/01/2023

Cho đến nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử - văn hóa vùng đất Nam bộ nói chung và Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng. Từ nhiều góc độ tiếp cận, kế thừa các nguồn tư liệu, diện mạo của Đồng Nai được khắc họa khá sinh động và đa dạng trong dòng chảy của Nam bộ.

Cho đến nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử - văn hóa vùng đất Nam bộ nói chung và Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng. Từ nhiều góc độ tiếp cận, kế thừa các nguồn tư liệu, diện mạo của Đồng Nai được khắc họa khá sinh động và đa dạng trong dòng chảy của Nam bộ.

* Gia Định thành thông chí

Đây là công trình khảo cứu khá sớm về vùng đất Nam bộ của Trịnh Hoài Đức. Công trình được biên soạn thời gian nào vẫn còn nhiều ý kiến nhưng hợp lý nhất được ước định khoảng giữa triều vua Gia Long đến đầu triều vua Minh Mạng. Đây là giai đoạn mà tác giả Trịnh Hoài Đức giữ chức Hiệp Tổng trấn thành Gia Định.

Gia Định thành lúc bấy giờ gồm 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Công trình gồm 6 quyển: Tinh dã chí, Sơn xuyên chí, Cương vực chí, Phong tục chí, Sản vật chí Thành trì chí. Lịch sử và những sự kiện liên quan, cảnh quan, di tích, sự tích, nhân vật, phong tục tập quán của xứ Biên Hòa được miêu thuật, giải thích với địa giới rộng mà ngày nay đã trở thành một phần của các tỉnh, thành lân cận tỉnh Đồng Nai.

Công trình Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức được các sử gia thời Nguyễn kế thừa, biên soạn các bộ Đại Nam thực lục (Tiền biên), Đại Nam liệt truyện (Tiền biên), Đại Nam nhất thống chí (phần Nam Kỳ lục tỉnh). Hiện nay, công trình này được nhiều người tham khảo, trích dẫn trong nghiên cứu về lịch sử - văn hóa Nam bộ. Năm 2005, NXB Tổng hợp Đồng Nai xuất bản với dung lượng đồ sộ: 926 trang gồm Việt ngữ, Hán ngữ. 

* Đại Nam nhất thống chí

Đây là bộ tổng tập đầy đủ địa chí các tỉnh và các đơn vị hành chính tương đương của nước Đại Nam nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Vào năm 1839, quốc hiệu Đại Nam thay cho Việt Nam bởi bản dụ của vua Minh Mạng. Đến năm 1849, vua Tự Đức có ý định biên soạn Đại Nam nhất thống chí nhưng đến 1865, Quốc sử quán triều Nguyễn mới tổ chức biên soạn và hoàn thành năm 1882. Bộ sách dựa trên cơ sở của bộ Đại Nam nhất thống dư đồ, phần liên quan các địa phương ở Nam bộ kế thừa từ công trình Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức.

Năm 1906, vua Thành Thái ra lệnh làm lại Đại Nam nhất thống chí. Năm 1910, vua Duy Tân cho phép khắc in bộ sách này nhưng chỉ chép hạn chế ở các tỉnh Trung kỳ trực thuộc Nam triều, phần Nam bộ của Việt Nam hiện nay trong thời điểm này thuộc Liên bang Đông Dương.

Đồng Nai là vùng đất có bề dày lịch sử, nhiều dân tộc cộng cư và truyền thống đấu tranh kiên cường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ở miền Nam Việt Nam, Đại Nam nhất thống chí đã được dịch ra tiếng Việt lần đầu bởi Á Nam Trần Tuấn Khải và Tu Trai Nguyễn Tạo, ấn hành năm 1960. Ở miền Bắc, bộ sách đã được Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, được NXB Khoa học xã hội ấn hành năm 1970-1971. Sau này, một số NXB tiếp tục in ấn, phát hành.

Tỉnh Biên Hòa (bao gồm địa phận Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và một phần TP.HCM hiện nay) được in trong tập 5 - xếp thứ 2 trong các tỉnh của Nam bộ với định danh: Hà Tiên, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Gia Định.

* Biên Hòa sử lược toàn biên

Biên Hòa sử lược toàn biên được Lương Văn Lựu dày công khảo cứu, biên soạn trong đó một số quyển tác giả tự xuất bản. Trước năm 1975, một loạt sách về các địa phương của Nam bộ được xuất bản theo dạng sách sưu khảo về các lĩnh vực từ lịch sử, kinh tế, địa lý, dân cư, tín ngưỡng, phong tục, nhân vật… cho đến thời điểm xuất bản.

Tác giả Lương Văn Lựu với bộ sưu khảo về Biên Hòa sử lược gồm 5 quyền với tên gọi: Trấn Biên cổ kính (tập1), Biên Hòa oai dũng (tập 2), Đồng Nai thơ mộng (tập 3), Biên Hòa tân tiến (tập 4), Lịch sử ba trăm năm người Việt gốc Hoa (tập 5). Hai quyển Trấn Biên cổ kính (tập 1), Biên Hòa oai dũng (tập 2) đã được xuất bản năm 1973 và 3 tập còn lại được lưu giữ ở dạng bản thảo đánh máy. Tên của công trình phản ánh tính chất “sử lược” nhưng nội dung phản ánh những loại hình lịch sử - văn hóa đa dạng với lối ghi chép miêu thuật, giải thích và mỹ cảm văn chương.

Năm 2015, quyển Trấn Biên cổ kính được NXB Thế giới tái bản với số lượng 3 ngàn bản. Đây là nguồn tài liệu của tác giả là người Biên Hòa ghi chép và phản ánh khá phong phú về lịch sử, cộng đồng cư dân thể hiện qua các đề mục liên hệ quốc sử, di tích xưa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, hồn thiêng sông núi, địa khí sơn linh, cảnh sắc thiên nhiên…

* Địa chí Đồng Nai

Bộ sách gồm 5 tập (Tổng quan, Địa lý, Lịch sử, Kinh tế, Văn hóa - xã hội) do tỉnh Đồng Nai thực hiện với sự tham gia của các nhà nghiên cứu trong và ngoài địa phương, cung cấp nguồn tư liệu phong phú về tỉnh Đồng Nai. Trong đó, phần Lịch sử vùng đất Đồng Nai (tập 3) được phản ánh với quá trình hình thành của cộng đồng cư dân thời tiền - sơ sử và cổ đại qua những dấu tích, hiện vật khảo cổ được phát hiện, nghiên cứu. Đặc biệt, lịch sử vùng đất Đồng Nai - Gia Định tính từ cột mốc quan trọng vào năm 1698 (Mậu Dần) khi chúa Nguyễn xác lập nền hành chính và tiến hành chính sách bảo an, khai thác, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Các giai đoạn lịch sử Đồng Nai nối tiếp qua các thể chế quản lý được đề cập với những sự kiện, nội dung liên quan.

Tập Văn hóa - xã hội (tập 5) cung cấp nguồn tư liệu về văn hóa cộng đồng tộc người cộng cư qua các giai đoạn trên tỉnh Đồng Nai: nếp sống vật chất, tập quán, tín ngưỡng, văn học, nghệ thuật, thể dục - thể thao, giáo dục - đào tạo, báo chí, y tế... Bên cạnh đó, các tập kinh tế, địa lý cung cấp nguồn thông tin gắn liền cảnh quan, môi trường, nguồn tài nguyên, các ngành nghề… qua các thời kỳ. Công trình được xem là bức tranh tổng quan nhiều màu sắc, phản ánh phong phú không chỉ về lịch sử, văn hóa và các lĩnh vực khác của Đồng Nai trong dòng chảy của vùng đất Nam bộ.

Ngoài 4 công trình mang tính chất tiêu biểu trên về vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai trong lịch sử 325 năm thành lập và phát triển (1698-2023), còn có một số tư liệu khác được biên soạn khá công phu của nhiều tác giả. Trong đó có các công trình Địa chí tỉnh Biên Hòa của R.Robert (1924), Biên Hòa dư địa chí của CH.Goupilon (1930), Địa phương chí Long Khánh (1968), Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển (1998), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, những tác phẩm khác về lịch sử - văn hóa, kháng chiến cách mạng được xuất bản sau năm 1975…             

Phan Đình Dũng

Tin xem nhiều