Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng văn hóa đọc cho cộng đồng là câu chuyện dài hơi

09:07, 23/07/2022

Gần như cả đời gắn bó với con chữ, làm công tác xuất bản sách, ông Lê Hoàng (nguyên Giám đốc NXB Trẻ, nguyên Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn) hiện là Giám đốc Công ty TNHH Đường Sách TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam luôn trăn trở để phát huy văn hóa đọc trong cộng đồng.

Gần như cả đời gắn bó với con chữ, làm công tác xuất bản sách, ông Lê Hoàng (nguyên Giám đốc NXB Trẻ, nguyên Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn) hiện là Giám đốc Công ty TNHH Đường Sách TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam luôn trăn trở để phát huy văn hóa đọc trong cộng đồng.

Ông Lê Hoàng. Ảnh: Vương Thế
Ông Lê Hoàng. Ảnh: Vương Thế

Những năm qua, Đường sách TP.HCM đã trở thành một nơi lưu dấu về văn hóa đọc, điểm đến yêu thích của người dân và du khách, góp phần kích thích niềm đam mê sách của mọi người. Tuy vậy, theo ông Lê Hoàng, nhìn rộng ra cả xã hội, việc xây dựng văn hóa đọc ở Việt Nam còn là câu chuyện dài hơi.

Một đời gắn bó với sách

* Ông đã dành một phần lớn thời gian, công sức trong cuộc đời làm việc để gắn bó với sách, tới thời điểm này, chiêm nghiệm lại, niềm vui nhận được lớn nhất của ông là gì?

- Trên dưới 30 năm gắn với nghề xuất bản, cuộc đời tôi có sự may mắn vô cùng, gần nửa đời người đồng hành với “con chữ”, góp phần mang lại những giá trị mang tính vĩnh cửu của sự khai mở tri thức và vun xới bồi dưỡng tâm hồn, nhất là đối với bạn đọc trẻ.

“Biên Hòa là đô thị lớn, cận kề TP.HCM nên khá thuận lợi cho việc hình thành một không gian sách như là đường sách chẳng hạn. Nếu địa phương có kế hoạch thì Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng phía Nam và Công ty Đường Sách TP.HCM sẵn sàng tham vấn các bước thực hiện để sớm có một đường sách tại đây”.

* 30 năm trước, ông làm giám đốc NXB trẻ, một trong những tên tuổi trong ngành làm sách, thời gian đó, việc xuất bản sách đang ở trạng thái như thế nào và ông đã làm gì để “đổi mới”, chuyển hóa công tác xuất bản theo thị hiếu độc giả?

- Anh Trương Văn Khuê, Giám đốc NXB Trẻ (từ năm 1986-1989), tiền nhiệm của tôi đã có công lớn cho ngành lúc bấy giờ là sự đột phá mở ra việc liên kết xuất bản. Thị trường có nhiều xuất bản phẩm đa dạng, muôn màu muôn sắc, nhiều quyển sách có giá trị một thời trước đây in ra được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Tuy nhiên sau đó lại rơi vào khủng hoảng khi xuất hiện ồ ạt các loại sách “nhái” Quỳnh Dao, Kim Dung, sách của thời cũ... được mang những cái tên sách mới, tên tác giả “phóng tác” mới... đến nỗi lúc đó trên nhiều tờ báo chạy rất nhiều tít về thực trạng này: loạn xuất bản!

NXB Trẻ cũng vào tình trạng tương tự, về làm giám đốc năm 1990 tôi thật sự lo lắng, trăn trở dữ lắm, làm sao tìm hướng ra cho NXB của mình đây? Bắt đầu từ việc tìm hiểu nhu cầu bạn đọc rồi tìm ra cách làm và làm cho bằng được. Chúng tôi mở các tủ sách cho từng đối tượng, tập trung mở các tủ sách cho đối tượng thanh thiếu niên. Từ tủ sách Măng Non, Tuổi Hồng, Áo Trắng dành cho các em từ nhi đồng đến thanh, thiếu niên, tuổi mới lớn. Rồi đến các tủ sách khác theo các chuyên đề như giới tính, kiến thức, doanh nhân... Thị trường và nhu cầu bạn đọc còn yêu cầu thì NXB Trẻ còn có thể đáp ứng thêm qua các tủ sách như tôi đã đề cập vậy!

Có sách rồi tính đến công tác phát hành, làm việc với các đơn vị trong ngành... Đó là cả câu chuyện dài.

* Khoảng 6 năm nay, TP.HCM đã thiết lập nên “đường sách” và ông hiện là người quản lý. Ông có thể khái quát một vài kết quả, thành tựu mà đường sách đã đạt được trên con đường trở thành điểm hẹn cuối tuần cho người dân thành phố và lân cận?

- Trong suốt 6 năm qua, đường sách đã là điểm đến thân thiện không chỉ của người dân TP.HCM mà đã lan tỏa niềm say mê tới du khách cả nước và bạn bè quốc tế. Nơi đây không chỉ là nơi mua, đọc và trao đổi sách mà còn là nơi gặp gỡ, trao đổi nghề nghiệp của các tác giả, các NXB. Nhiều sự kiện về văn hóa đọc, văn học nghệ thuật, các cuộc giao lưu giới thiệu tác phẩm, tác giả; giao lưu văn hóa, nghệ thuật vùng miền, trong nước và quốc tế đã được tổ chức tại đây.

Nhiều trường học, cơ sở giáo dục, với đông đảo các bạn học sinh, sinh viên cũng chọn đến đây để học tập vui chơi giải trí, tiếp cận với sách, tham gia các hoạt động trải nghiệm phát triển kỹ năng và hình thành thói quen đọc sách.    

Xây dựng văn hóa đọc phải bắt đầu từ gia đình và nhà trường

* Mọi người đều khẳng định với nhau rằng đọc sách rất có ích, nên tăng cường đọc sách, nhưng thống kê lại cho thấy một thực trạng là số lượng người và cả số lượng sách đọc hằng năm của mỗi người dân ở Việt Nam còn rất thấp, ông đánh giá ra sao về thực trạng này?

- Theo số liệu của Cục Xuất bản, 3 năm gần đây, Việt Nam xuất bản bình quân trên 400 triệu bản sách/năm, nếu chia cho trên 90 triệu dân thì chỉ hơn 4 đầu sách/người/năm. Phân tích sâu hơn, số lượng sách giáo khoa, giáo trình cho học sinh, sinh viên (22 triệu người) đã chiếm đến ¾. Hơn 70 triệu dân trưởng thành chỉ đạt số lượng hơn 1 đầu sách/người/năm. Điều đó cho thấy quả thật “văn hóa đọc” của người Việt Nam chúng ta quá thấp.

Một sự kiện nhân hội sách thiếu nhi đang diễn ra tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: Vương Thế
Một sự kiện nhân hội sách thiếu nhi đang diễn ra tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: Vương Thế

Việt Nam hoàn toàn không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới, trong khu vực thì Singapore đứng thứ 36, Malaysia thứ 53, Indonesia đứng thứ 60! Ở Malaysia mỗi người đọc đến 15 đầu sách/năm.

Sức đọc của người Việt Nam thấp như vậy thì chắc hẳn bức tranh về thị trường tiêu thụ sách cũng không sáng sủa gì. Một đầu sách ở nước ta in lần đầu trung bình 1-2 ngàn bản, chưa chắc trong 1 hay 2 năm có thể bán hết. Hiệu quả của kinh tế xuất bản ở Việt Nam cực thấp, do vậy người làm nghề rất chật vật, đầy rủi ro trong cuộc mưu sinh và phát triển ngành nghề.

* Ngày nay, giới trẻ có nhiều thú vui, giải trí hấp dẫn, cùng với đó là mạng xã hội, internet, phải chăng vì thế mà họ lãng quên sách? Đọc sách dù sao cũng mang lại cảm giác khác hẳn so với lướt web?

- Phải thừa nhận các loại hình mạng xã hội, internet, truyền hình mang lại sự giải trí và thông tin rất hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc trẻ, lại rất dễ tiếp cận khi chỉ cần một cái smartphone nên có thể nói các loại hình trên đang mê hoặc và giới trẻ đang “lậm” nó một cách dữ dội. Nhưng nghiêm túc, sách mang lại nhiều lợi ích cho người đọc như nâng cao kiến thức, mở rộng trí tưởng tượng, tăng cường khả năng sáng tạo, tư duy phê phán, phân tích, hùng biện, tăng cường trí nhớ, cải thiện sự tập trung, vốn từ vựng, ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp, cho đến việc hình thành toàn diện về nhân cách lối sống, ứng xử ở tầm văn hóa cao.

Để trở thành một người thành công trong học tập và đời sống thì vai trò, sự đóng góp của sách là lớn nhất, không ai có thể phủ nhận điều đó.

* Phải làm sao để kéo người trẻ về gần với sách hơn? Việc tuyên truyền như thời gian qua phải chăng chưa thực sự hiệu quả, thưa ông?

- Muốn kéo người trẻ về với sách phải có giải pháp căn cơ, toàn diện và kiên trì lâu dài, chứ không thể chỉ có tuyên truyền hay các biện pháp mang tính phong trào như: ngày sách, CLB,  hội đọc sách, hội chợ sách... Biện pháp căn cơ của việc nâng cao, phát triển văn hóa đọc là phải hình thành thói quen đọc sách cho đông đảo cộng đồng, mà thói quen này chỉ có thể hình thành từ khi trẻ còn ngồi trên ghế nhà tường và trong môi trường gia đình.

Gia đình phải thực sự quan tâm đến việc đọc sách cho trẻ ngay từ khi bập bẹ biết nói bằng cách cha mẹ đọc sách cùng con hằng ngày và dứt khoát phải có tủ sách (ngăn sách, kệ sách). Có như vậy thì  mới căn bản góp phần gieo niềm say mê và hình thành thói quen đọc sách cho trẻ, góp phần phát triển, nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.

* Xin cảm ơn ông!

“Làm báo và làm sách có những trải nghiệm giống nhau là cùng một sứ mệnh mang lại các giá trị thông tin chuẩn mực, những thông điệp đấu tranh, phục vụ vì sự tiến bộ, phát triển xã hội, con người. Điểm khác nhau là ở phương pháp thể hiện nếu như nghề báo là sự nhanh nhạy đưa đến bạn đọc những thông tin kịp thời từng phút từng giờ, thì người làm sách là làm ra những tác phẩm có bề dày nội dung, tư tưởng học thuật để phục vụ cho sự đọc có tính căn bản, lâu dài”.

Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều