Hạt Biên Hòa được J. C. Baurac viết trong toàn bộ chương VII tập Nam kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Đông kèm bản đồ Biên Hòa năm 1881 và một số ảnh tư liệu quý.
Hạt Biên Hòa được J. C. Baurac viết trong toàn bộ chương VII tập Nam kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Đông kèm bản đồ Biên Hòa năm 1881 và một số ảnh tư liệu quý.
Sông Đồng Nai ở Biên Hòa - Ảnh từ sách Nam kỳ và cư dân |
Tác giả viết: “Thành lập từ hai huyện cũ Phước Khánh và Long Thành, hạt Biên Hòa có tổng diện tích khoảng 197.500 hecta”. Địa giới, địa chất, núi non, sông ngòi nơi đây cũng được tác giả thông tin khá lý thú, ví dụ như “lưu vực chứa đầy đất sét pha sắt, có chỗ đất rắn chắc… Những nơi còn lại đất ít nhiều tơi xốp hơn và tạo thành thứ cuội kết mà người An Nam gọi bằng cái tên thơ mộng là đá ong còn chúng ta gọi là đá Biên Hòa”; hay “Đồi núi Biên Hòa rất nhiều cây; phải kể đến Sơn Lư và Chứa Chan là những đồi cao nhất và cực kỳ thuận lợi đối với một số loại cây trồng”.
Theo Baurac, “Hạt Biên Hòa chia làm 9 tổng An Nam, 1 tổng hỗn hợp (An Nam và Cao Miên), 5 tổng Mọi, 1 tổng Cao Miên, như vậy tổng cộng có 16 tổng, gồm 183 làng. Ngoài ra, hạt còn có một đồn binh Pháp ở Biên Hòa, nhiều đồn lính tập, 12 chợ, một trường trung tâm và nhiều trường tổng, 5 nhà thờ…”. Tác giả trình bày rất nhiều dữ liệu quý về lịch sử, bộ máy hành chính, bưu chính và điện báo, đường sá, đồn điền, chợ, thương mại, canh tác mía, sản xuất đường, công nghiệp lò gốm, xưởng gạch ngói, kỹ nghệ đất nung phát triển mạnh nhờ vào “đất sét là một trong những nguồn tài nguyên quý giá nhất của xứ này”, tình hình tiêm chủng, tục săn bắn của người S’tiêng ở “những cánh rừng bao phủ bạt ngàn”...
Nhiều địa danh xưa và nay được Baurac nhắc kỹ như Chợ Đồn, Đồng Váng, Tân Uyên, Long Thành, Trị An, sông Đồng Nai, cù lao Đại Phố… và đánh giá chung rằng: “Hạt Biên Hòa là một trong những hạt hàng đầu của miền Đông Nam kỳ; dù ruộng lúa ở đây không phì nhiêu nhưng vẫn cho hạt gạo khá ngon và buôn bán lúa gạo khá quan trọng. Dân chúng chủ yếu tập trung buôn bán gỗ”. Nhiều người Âu châu tới Biên Hòa sinh sống, làm nghề gỗ, đồn điền mía, cà phê, hồ tiêu và “nhiều người trong số đó đã rất thành công”.
C.Đ