Tranh thủ những ngày đầu năm, chúng tôi về xã Ka Đô, thuộc H.Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, nằm bên dòng sông Đa Nhim hiền hòa, cách trung tâm TP.Đà Lạt khoảng 50km để tận mắt chứng kiến sự đổi thay của một xã thuần nông vốn có xuất phát điểm thấp.
Tranh thủ những ngày đầu năm, chúng tôi về xã Ka Đô, thuộc H.Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, nằm bên dòng sông Đa Nhim hiền hòa, cách trung tâm TP.Đà Lạt khoảng 50km để tận mắt chứng kiến sự đổi thay của một xã thuần nông vốn có xuất phát điểm thấp.
Đường giao thông liên xã được đầu tư khang trang ở xã Ka Đô (H.Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: V.Phong |
Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình quốc gia về nông thôn mới (NTM), cuộc sống đã thay đổi hẳn như có phép màu, biến Ka Đô thành xã NTM kiểu mẫu trù phú nhờ đi lên từ chính thế mạnh nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) theo hướng thông minh.
* Ấn tượng NTM
Con đường chính dẫn vào từ quốc lộ 27 đang được thi công ngổn ngang gạch đá nhưng càng gần khu trung tâm xã, đường sá trải nhựa rộng rãi, nhà cửa đông vui tạo cảm giác ấm áp. Tiếp chúng tôi ngay trụ sở UBND xã, anh Khúc Thừa Vinh, Phó chủ tịch UBND xã vui vẻ cho biết vài nét tổng quát về quá trình xây dựng NTM của xã.
Ka Đô có 2.929 hộ, 12.552 người và toàn xã có 11 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 24,11% dân số. Năm 2010, Ka Đô được chọn làm thí điểm trong xây dựng chương trình quốc gia về NTM và được tỉnh, huyện đầu tư nguồn lực nâng cấp hạ tầng giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế và được người dân đồng thuận nên đến năm 2013 đã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM.
Đến năm 2019, xã tiếp tục được công nhận xã NTM nâng cao và đến tháng 4-2020 chính thức được tỉnh Lâm Đồng công nhận đạt chuẩn về NTM kiểu mẫu về NNCNC.
Chỉ riêng nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2015-2020 đã lên tới gần 45 tỷ đồng, trong đó có 30 tuyến đường giao thông nông thôn được nâng cấp với chiều dài gần 15km có tổng vốn 16,8 tỷ đồng (nhân dân đóng góp 8,2 tỷ đồng). Hiện công trình thủy lợi Ka Zan do Nhà nước đầu tư với tổng vốn đầu tư 496 tỷ đồng đã hoàn thiện hồ sơ, chuẩn bị xây dựng giúp đảm bảo nước tưới phần lớn diện tích gieo trồng của xã.
Toàn xã có 2.399ha canh tác rau, củ, quả; trong đó diện tích rau trồng trong nhà kính là 9ha, rau nhà lưới 1.355ha và có đến 2.022ha được tưới tự động, chiếm 84% diện tích canh tác. Bình quân 1ha rau canh tác NNCNC cho thu nhập từ 350-400 triệu đồng/năm, cá biệt có một số diện tích cho thu nhập 500-600 triệu đồng/năm. Cũng nhờ triển khai xây dựng NTM mà thu nhập của bà con tăng đều hằng năm và thu nhập bình quân đầu người đã đạt 70 triệu đồng/người/năm.
Hệ thống trường học được đầu tư nâng cấp nên đến nay toàn bộ các trường từ mầm non đến THCS đều đạt chuẩn quốc gia. Mới nhất là Trường mầm non Ka Đô được đầu tư hơn 15 tỷ đồng từ nguồn vốn của tỉnh, gồm 3 tầng, sẽ hoàn thành trong năm 2022.
Xã có trạm y tế được công nhận đạt chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Trạm có 8 cán bộ, công nhân viên trong đó có 2 bác sĩ, 4 y sĩ, 1 điều dưỡng và 1 nữ hộ sinh trung học đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong 9 tháng của năm 2021, trạm đã khám, chữa bệnh cho 28.220 lượt người, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, không để phát sinh ổ dịch trên địa bàn dù có khu công nghiệp chuyên về rau, hoa có 400-500 lượt xe tải ra vào, bốc hàng đi TP.HCM và các tỉnh, thành trong cả nước.
Hiện nay, Ka Đô cùng với Lạc Xuân và Quảng Lập là 3 xã được H.Đơn Dương chọn triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu.
* Tự tin tiếp bước hành trình
Là xã nằm ở phía Nam sông Đa Nhim, được hình thành từ cuối thập niên 1950 từ việc di dân tái định cư để xây dựng đập thủy điện Đa Nhim và đến năm 1976, xã Ka Đô chính thức được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Thạnh Mỹ với tổng diện tích tự nhiên 8.820ha, trong đó có hơn 1.941ha đất sản xuất nông nghiệp và 6.526ha đất lâm nghiệp (chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đa Nhim).
Dù đất đai chủ yếu là đất đỏ bazan màu mỡ nhưng suốt thời gian dài, với lối sản xuất nông nghiệp truyền thống, đời sống người dân vẫn không khấm khá lên bao nhiêu. Hình ảnh quen thuộc từ bao đời mỗi khi mùa mưa đến là con đường đất nhão nhẹt lầy lội từ ngã ba quốc lộ 27 vào khiến đi lại của người dân rất khó khăn, hàng hóa cũng dễ bị tư thương ép giá.
Việc được chọn làm điểm về xây dựng NTM giúp cho hạ tầng giao thông, trường - trạm - nhà văn hóa được đầu tư và cùng với sự cần cù lao động, tích cực học hỏi áp dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất nông nghiệp đã giúp đánh thức tiềm năng đất đai, giúp người dân có điều kiện vươn lên, số hộ khá giỏi xuất hiện ngày càng nhiều.
Trồng ớt ngọt trong nhà lưới, tưới tự động đang được đa số hộ áp dụng |
Anh Lưu Hoàng Mẫn, Chủ tịch Hội Nông dân xã dẫn chúng tôi thăm mô hình điểm về sản xuất NNCNC của xã. Đó là hộ bà Tounech Nai Liêm (43 tuổi, dân tộc Chu Ru, ở thôn Ka Đô Mới 2). Năm 2013, bà được vay 30 triệu đồng vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để mua 1 con bò sữa và mỗi năm duy trì, nhân thêm đàn, tự chủ trồng cỏ ở bờ sông Đa Nhim với diện tích hơn 2ha. Đến nay, đàn bò nhà bà đã có 30 con cho sản lượng sữa tươi khoảng 1,5 tạ/ngày, nhờ giá sữa ổn định nên gia đình bà thu nhập mỗi tháng 30-40 triệu đồng.
Về trồng trọt cũng xuất hiện nhiều mô hình điểm ứng dụng NNCNC cho thu nhập cao và góp phần dẫn dắt, tạo hiệu ứng trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Điển hình là hộ ông Ao Văn Tâm (44 tuổi, ở thôn Nghĩa Hiệp 2). Toàn bộ diện tích 2,2ha đất trồng rau, củ, ớt nhà ông đều được đầu tư nhà lưới, tưới tự động. Ông khoe trong 2 năm 2019-2020 được chương trình NTM tiếp sức, đầu tư ứng dụng công nghệ có tổng vốn 190 triệu đồng (nhà nước 50%). Đến nay, nhờ chịu khó học hỏi, kiên trì đầu tư ứng dụng NNCNC mà gia đình có thu nhập ổn định mỗi năm hơn 1 tỷ đồng/năm. Hiện nay, ông Tâm đang có kế hoạch xây dựng kho lạnh với tổng vốn 250 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 40% để giúp gia đình tăng chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, giúp tăng giá bán của rau, củ, quả.
Lúc đầu, khi nghe tin có khu công nghiệp được xây dựng ở Ka Đô, chúng tôi có chút ái ngại và cứ nghĩ sẽ thấy cảnh công nhân ở chen chúc, chật chội; nhà trọ bình dân mọc lên san sát như ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, nhưng qua tìm hiểu được biết, đây là khu công nghiệp chuyên doanh chế biến rau, củ, quả và hoa nên không tập trung quá đông công nhân lao động từ các tỉnh khác đến nên giảm áp lực về tập trung dân cư, rác thải và dịch bệnh.
Khi được hỏi “những thuận lợi và khó khăn của Ka Đô trên hành trình xây dựng NTM là gì?”, suy nghĩ trong giây lát, anh Vinh chậm rãi cho biết: “Về thuận lợi, là xã thuần nông, dân nhập cư ngoài tỉnh ít nên an ninh trật tự, an toàn xã hội, tập quán văn hóa và môi trường là rất yên bình, đầm ấm; dù thu nhập bình quân đầu người thuộc loại khá của huyện nhưng với đa số người dân sống bằng nghề nông thì vẫn thường xảy ra cảnh được mùa mất giá khiến nội lực chưa thể phát huy hết”.
Anh Vinh cũng chia sẻ thêm về định hướng chương trình xây dựng NTM của xã thời gian tới là: “Giữ vững các tiêu chí đã đạt được, phấn đấu thêm các tiêu chí về cây xanh, môi trường và mục tiêu phấn đấu vẫn là thu nhập của người dân phải được nâng lên và để đạt được mục tiêu này thì xã sẽ chọn các sản phẩm chủ lực để đầu tư, nhân rộng các mô hình điểm trong sản xuất rau, hoa, quả. Đồng thời, với sự nghiệp giáo dục, xã phát huy cơ sở vật chất được đầu tư để đảm bảo dạy tốt, học tốt; học sinh được thụ hưởng các điều kiện tốt nhất trong thụ hưởng kiến thức”.
Văn Phong