Là một trong những người góp phần làm nên thành công nhiều bộ phim có tên tuổi như: Đồng tiền xương máu, Kính vạn hoa, Dĩ vãng cuộc đời, Đi tìm dấu tích ba vua… mới đây, đạo diễn Đào Anh Dũng có thời gian trải nghiệm, làm phim tài liệu về văn hóa, lịch sử ở Đồng Nai.
Là một trong những người góp phần làm nên thành công nhiều bộ phim có tên tuổi như: Đồng tiền xương máu, Kính vạn hoa, Dĩ vãng cuộc đời, Đi tìm dấu tích ba vua… mới đây, đạo diễn Đào Anh Dũng có thời gian trải nghiệm, làm phim tài liệu về văn hóa, lịch sử ở Đồng Nai.
Đạo diễn Đào Anh Dũng đi thuyền, làm phim tài liệu trên sông Đồng Nai vào tháng 1-2022. Ảnh: L.Na |
Mặc dù chỉ có gần 1 tuần trải nghiệm, song với đạo diễn Đào Anh Dũng, Biên Hòa - Đồng Nai là vùng đất có nhiều tiềm năng để các nhà làm phim khai thác, để phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.
* Tâm huyết với phim tài liệu
Vốn xuất thân là một giáo viên dạy môn Lịch sử song duyên với nghệ thuật đã đưa Đào Anh Dũng trở thành một nhà quay phim. Với vị trí này, ông đã cùng với các đạo diễn góp phần thành công cho các bộ phim như: Giã từ dĩ vãng; Đất trắng; Tội phạm… Đặc biệt, một số bộ phim: Giữa ngàn thác lũ; Qua những dòng kênh đen; Người Chăm An Giang… đã đoạt giải A của Hội Điện ảnh Việt Nam cho thể loại phim tài liệu. Sau đó, Đào Anh Dũng rời vị trí quay phim, ông trở lại với vị trí mới, đó là đạo diễn.
Đạo diễn Đào Anh Dũng cho biết, phim tư liệu là một thể loại phim vừa mang tính báo chí phản ánh trực diện hiện thực một cách chân thực, vừa mang tính nghệ thuật cao. Thông qua các hình ảnh nghệ thuật được chắt lọc từ thực tiễn cuộc sống cùng với kỹ thuật quay, dàn dựng hiện đại đã và đang tái hiện lại cuộc sống trong quá khứ cũng như cuộc sống hiện tại như thực tiễn đang diễn ra một cách phong phú và cô đọng. Cũng từ làm phim mà ông đi nhiều nơi (trong nước và thế giới), gặp gỡ được nhiều người… giúp ông tiếp cận đa dạng về các đề tài văn hóa, lịch sử, con người của từng vùng đất khác nhau.
Đạo diễn Đào Anh Dũng sinh năm 1961 tại Hà Nội, có cha là Viện sĩ Viện hàn lâm Quốc tế ngữ (thuộc Hội Quốc tế ngữ toàn cầu (UEA)) Đào Anh Kha. Phim của ông không chỉ kể cho người xem những câu chuyện đẹp về con người, những vùng đất ông đặt chân đến mà qua mỗi bộ phim còn truyền tải những triết lý sâu sắc lẫn giá trị nhân văn của tác phẩm. |
“Mỗi một bộ phim tài liệu là một thách thức đối với người sáng tác. Mỗi một đề tài khác nhau là một thế giới mới mà người đạo diễn phải đi sâu khám phá nó. Làm phim tài liệu không có một mặc định nào cả, đạo diễn không thể biết trước điều này, điều kia. Bởi vậy, điều hấp dẫn nhất của một bộ phim là gây ngạc nhiên cho người xem, bởi chúng ta phát hiện những cái mới. Tuy nhiên, không phải bất cứ lúc nào cũng giữ cho mình cách tiếp cận trong sáng, hồn nhiên mà đạo diễn rất cần thái độ tiếp nhận thận trọng và nghi ngờ để tìm ra những góc nhìn khác, giúp người xem nhận thức một cách nhiều chiều” - đạo diễn Đào Anh Dũng chia sẻ.
Nhiều người thường nói rằng, làm phim hiện nay thường phải bắt “trend” (xu hướng). Tuy nhiên với phim tài liệu việc thực hiện phim theo xu hướng để thu hút khán giả không hề đơn giản. Theo đạo diễn Đào Anh Dũng, người xem hiện nay chưa yêu thích phim tài liệu đó không phải là lỗi của họ mà do chính bởi người làm phim chưa hấp dẫn, chưa hay. Nhiều phim tài liệu quá thiên về tuyên truyền trong khi hiện thực khách quan đòi hỏi cái nhìn mới mẻ, khám phá nhưng cũng rất cần sự chân thực nhất định.
Đạo diễn Đào Anh Dũng cho hay: “Việc công chiếu phim tài liệu trên sóng truyền hình nhiều năm nay chưa tìm được khung giờ phát sóng phù hợp. Phần lớn các khung giờ vàng ưu tiên các chương trình giải trí mang tính thương mại trong khi những bộ phim tài liệu có giá trị lại đẩy vào những khung giờ rất khó theo dõi. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến việc đón xem, tiếp nhận của công chúng khán giả. Để thay đổi được điều này rất cần sự vào cuộc của những nhà quản lý”.
* Đồng Nai là vùng đất tiềm năng
Năm 2021, đạo diễn Đào Anh Dũng phối hợp với Đài PT-TH Vĩnh Long thực hiện bộ phim tài liệu nhiều tập về con người, vùng đất Nam bộ. Trong đó có nhiều tập phim được ghi hình tại các di tích lịch sử, văn hóa, những nghề thủ công truyền thống… trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Đạo diễn Đào Anh Dũng cho biết, không phải đến bây giờ ông mới đến Biên Hòa - Đồng Nai mà trước đó nhiều năm, trong một số bộ phim ngắn ông đã thực hiện một số cảnh quay ở Trị An, Chiến khu Đ (H.Vĩnh Cửu); ở Khu du lịch Bửu Long (TP.Biên Hòa)…
“Điều để lại ấn tượng trong tôi đó là Đồng Nai là một trong những vùng đất đầu tiên của Nam bộ, nơi người cư dân người Việt đặt chân đến. Cùng với người Việt, lưu dân người Hoa cũng đến sinh sống và chính điều này đã tạo nên những nét độc đáo trong văn hóa. Vừa rồi, tôi đã đến làm phim tài liệu tại các di tích như: chùa Ông; đình Tân Lân; đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh; di tích Văn miếu Trấn Biên; chùa Bửu Phong; lăng mộ Trịnh Hoài Đức; điểm thờ công nữ Ngọc Vạn tại chùa Kim Cang… Tôi nhận thấy, các địa danh, các di tích ở Đồng Nai rất đẹp, là điểm đến tiềm năng của các nhà làm phim”.
Cũng theo đạo diễn Đào Anh Dũng, chưa bao giờ chúng ta bằng lòng với những hiểu biết về lịch sử, văn hóa, con người vùng đất mình sinh sống. Biên Hòa - Đồng Nai cũng vậy. Việc tìm hiểu, làm phim tài liệu về vùng đất Đồng Nai là cách để ghi lại những câu chuyện để kể cho người xem, nhất là những người trẻ vốn quý mà cha ông ta đang gìn giữ và phát huy. Qua phim tài liệu, góp phần cùng những người nghiên cứu đưa giá trị lịch sử, văn hóa Đồng Nai đến với cộng đồng.
“Trong thời gian tới, đoàn làm phim của chúng tôi sẽ quay trở lại Đồng Nai để làm tiếp những tập phim tài liệu về nghề truyền thống trên vùng đất hơn 320 năm. Trong đó, chúng tôi sẽ ưu tiên làm phim về gốm Biên Hòa, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc, nghề đá Bửu Long… Tôi hy vọng, sau những thước phim tài liệu mà mình thực hiện phát sóng, sẽ có nhiều nhà sản xuất, đạo diễn chọn Đồng Nai làm phim trường cho nhiều dự án trong tương lai” - đạo diễn Đào Anh Dũng nhấn mạnh.
Ly Na