Báo Đồng Nai điện tử
En

Văn hóa Tiền sử Cái Vạn

06:12, 04/12/2021

Di tích khảo cổ học Cái Vạn ở vùng đất rừng ngập mặn thuộc xã Long Thọ, H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai là một trong 5 di tích khảo cổ học được khám phá sớm nhất ở Nam bộ và ở cả Việt Nam.

Di tích khảo cổ học Cái Vạn ở vùng đất rừng ngập mặn thuộc xã Long Thọ, H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai là một trong 5 di tích khảo cổ học được khám phá sớm nhất ở Nam bộ và ở cả Việt Nam.

Bìa sách Văn hóa Tiền sử Cái Vạn (Đồng Nai)
Bìa sách Văn hóa Tiền sử Cái Vạn (Đồng Nai)

Cư dân cổ Cái Vạn trên vùng đất ngập mặn

Ngay từ cuối thế kỷ XIX, đã có công bố của học giả E.T.Hamy (1897) nhắc đến những chiếc rìu đá được phát hiện ở Cái Vạn, Bình Đa và 3 điểm khác ở vùng Biên Hòa mà từ năm 1887-1914, nhà sưu tập J.Chénieux đã gửi 54 công cụ đá tứ giác và có vai tra cán Biên Hòa tặng Bảo tàng Nhân chủng học Paris (Malleret,L. 1963; Fontain, H. 1971). Tuy nhiên, có nhiều tên gọi khác nhau về di tích này như: Xóm Cai Vàng, Xóm Cai, Cây Vạn. Nhưng tên gọi di tích Cái Vạn chỉ được biết tới sau ngày miền Nam giải phóng (30-4-1975), khi nhân dân địa phương tiếp tục khám phá trong lòng hệ thống các nhánh sông Thị Vải hàng trăm đồ đá các loại tặng cho Bảo tàng Đồng Nai.

Sau đó, các cuộc khai quật khảo cổ học lớn do Bảo tàng Đồng Nai cùng các nhà khảo cổ học chuyên nghiệp ở Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam (Phạm Văn Kỉnh, TS Vũ Quốc Hiền) và Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM (TS Nguyễn Văn Long) tiến hành năm 1978 và Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội (GS Trần Quốc Vượng, TS Lâm Mỹ Dung) cùng Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học TS Phạm Đức Mạnh và TS Nguyễn Giang Hải (Viện Khảo cổ học) tiến hành vào mùa điền dã năm 1996. Từ đấy, hình hài cụ thể về một làng “nông - chài - thương” Cái Vạn - một “Di chỉ gốc tên” (Site éponyme) được phát hiện đầu tiên và trên ấn phẩm khoa học sớm nhất, cũng là di tích được khai quật diện rộng đầu tiên và xử lý cẩn trọng khối tư liệu hiện trường phong phú đủ làm cơ sở nền tảng tiêu biểu cho diện mạo các làng cùng thời ở Cái Lăng, Rạch Lá, Gò Me, Ngọn Nhà, Ngọn Mặt Trời, Bến Cá Sình... vùng rừng Sác Nam bộ thuở ấy.

Cũng từ sau đó, khảo cổ học thời đại Kim khí vùng đất ngập mặn ở Đồng Nai được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn với đề tài khoa học Văn hóa khảo cổ thời đại Kim khí vùng đất ngập mặn ở Đồng Nai do ThS Trần Quang Toại, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai làm chủ nhiệm, được triển khai thực hiện trong 2 năm, nghiệm thu vào tháng 7-2005 và được NXB Tổng hợp Đồng Nai xuất bản vào tháng 9-2006. Sau đó, năm 2009, Nguyễn Hồng Ân đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ khảo cổ học nhan đề Di tích khảo cổ học Cái Vạn (Nhơn Trạch - Đồng Nai) tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM.

Di tích nguyên thủy Cái Vạn cùng các di chỉ nhà sàn Cái Lăng (Long Thọ), Rạch Lá (Phước An) và di chỉ trên giồng cát Gò Me (Vĩnh Thanh) được khai quật sau đó với các kết quả giám định niên đại tương đối và tuyệt đối ngay từ sơ kỳ đến hậu kỳ thời đại Đồng thau, càng trở nên có ý nghĩa “khởi thủy” cho các nền văn hóa từ hậu kỳ đồng - sơ kỳ sắt đến Cổ sử khám phá ở vùng sình lầy Bà Rịa (Bưng Bạc, Bưng Thơm) và giồng cát ven biển Long Sơn (Giồng Lớn) và các giồng đất đỏ vùng vịnh biển Cần Giờ (Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ)... - những vị trí chiến lược “Tiền cảng thị” (Pre-ports) trên con đường giao thoa văn hóa - kinh tế hàng hải khu vực và châu lục - liên châu lục.

Các “làng cổ nguyên thủy” ấy hàm chứa nhiều nội dung thông tin về truyền thống văn hoá, đời sống sinh hoạt của con người và xã hội trong quá khứ mà chúng ta chỉ có thể nhận thức đầy đủ tầm vóc và những lựa chọn sinh tụ cần thiết và thông thái của cư dân cổ Cái Vạn trên vùng đất ngập mặn, khi đặt trong tầm quan sát khoa học biện chứng và logic toàn bộ diễn trình hình thành - triển nở của cả phức hệ văn minh sông Đồng Nai thời kỳ “Tiền nhà nước” ở vị thế “cửa ngõ” vào châu thổ sông Đồng Nai và phía bắc châu thổ sông Cửu Long - hai châu thổ liên quan đến nền tảng văn hóa vật chất của nền văn minh Cổ sử Óc Eo - Phù Nam những thế kỷ đầu Công lịch.

Công bố những khám phá khảo cổ học quan trọng

Tiếp nối sách Mộ cổ Đồng Nai và nhiều công trình nghiên cứu về khảo cổ học trên địa bàn Đồng Nai và Nam bộ, Hội đồng Xuất bản tỉnh tiếp tục chọn đặt hàng năm 2021 giao NXB Đồng Nai thực hiện cuốn sách Văn hóa Tiền sử Cái Vạn (Đồng Nai) do PGS-TS Phạm Đức Mạnh và TS Nguyễn Hồng Ân cùng đứng tên tác giả. Ấn phẩm nhằm hệ thống thông tin rất cần thiết về di sản văn hóa vật thể nguyên thủy và kinh tế nông nghiệp khai thác vùng đất ngập mặn ven biển cổ Thị Vải, hữu ích cho việc xây dựng bản đồ khảo cổ học hoàn chỉnh của nền Văn minh sông Đồng Nai thời đại Kim khí. Đây cũng là tài liệu khoa học hữu ích để sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về “Nam Bộ, Đất và Người”.

Sách Văn hóa Tiền sử Cái Vạn (Đồng Nai) công bố những khám phá khảo cổ học quan trọng và được xem là những “bằng chứng sử đất” không lời mà vững chãi ghi dấu những bước chân quả cảm của tiền nhân trên mảnh đất trung tâm của dòng chảy huyết mạch của toàn Nam bộ ngay từ thời nguyên thủy đến “ngưỡng cửa” của thời đại mà F. Engels gọi là “Văn minh” (Civilization). Ở Văn hóa nguyên thủy Cái Vạn mà chủ nhân bản xứ cũng chính là những thế hệ người đầu tiên từ vùng cao nguyên đồi núi bazan trẻ thượng nguồn và trung lưu dòng chảy huyết mạch này tràn xuống chế ngự vùng rừng Sác cửa sông cận biển Nam bộ đương thời. Từ đấy mà hình thành nên những nền văn hóa danh tiếng vùng duyên hải như: Bưng Bạc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Giồng Lớn (Long Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu) và Giồng Phệt (Cần Giờ,TP.HCM) thời Sơ sử và Cổ sử (NXB Đồng Nai, khổ 16x24cm, 500 trang, với nhiều tư liệu, hình ảnh về di vật, di tích).

Ở phần I, các tác giả giới thiệu đôi nét về điều kiện tự nhiên vùng đất rừng ngập mặn Nhơn Trạch, Đồng Nai, đặt trong khung cảnh chung của môi trường sinh thái toàn miền Đông Nam bộ, ghi nhận các tố chất sinh thái dung dưỡng con người và văn hóa nguyên thủy đương thời.

Phần II, là nội dung chính yếu của công trình, giới thiệu chi tiết về lịch sử khám phá, khai quật và nghiên cứu cuộc sống “ngàn xưa bên dòng sông Thị Vải”, với các hệ thống dẫn liệu khảo cổ liên quan đến hoạt động cư trú và sáng tạo văn hóa của các tập thể người cổ từ buổi đầu “đóng cọc làm nhà sàn” cư trú ở Cái Vạn, Cái Lăng, Rạch Lá, Bến Cá Sình, Ngọn Mặt Trời… - những làng cổ làm nông, săn bắn, hái lượm lâm - thủy - hải sản và hoạt động thủ công; “bến sông” buôn bán theo đường nước ngược xuôi; những nghĩa địa mai táng người chết trong mộ đất - những cứ liệu “sử đất” cùng các kết quả giám định thạch học, thành phần chất liệu đá, gốm, đồng thau và hệ thống niên đại C14, với nhiều minh họa, thống kê chi tiết và hệ thống về các hiện tượng ghi nhận chính trong các hiện trường khảo cổ.

Ở phần III, các tác giả nêu lên những nhận định bước đầu về đặc trưng văn hóa, đời sống vật chất và tinh thần, cả về vị trí lịch sử của nền văn hóa nguyên thủy Cái Vạn đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với các di tích thuộc nền văn minh Kim khí Đồng Nai và cố gắng phác họa mối quan hệ, giao lưu tiếp xúc văn hóa đặc sắc của cả Nam bộ trong diễn trình từ nguyên thủy vào văn minh đầu tiên ở vị trí tiền tiêu “Cửa ngõ” (Gateway) hướng biển Thái Bình Dương - “Ngã ba đường của các nghệ thuật” hay “Ngã ba đường của các tộc người và các nền văn minh”...

Hạ Giao

Tin xem nhiều