Báo Đồng Nai điện tử
En

"Mở cửa" là cần thiết nhưng phải cẩn trọng

08:09, 24/09/2021

Đồng Nai đang tiến hành kế hoạch từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trong điều kiện sống chung với dịch Covid-19. Việc "mở cửa" đang được lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương tiến hành từng bước theo lộ trình nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, doanh nghiệp (DN).

Đồng Nai đang tiến hành kế hoạch từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trong điều kiện sống chung với dịch Covid-19. Việc “mở cửa” đang được lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương tiến hành từng bước theo lộ trình nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, doanh nghiệp (DN).

Nhân viên y tế đang khám sàng lọc cho người đến tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại một điểm tiêm ở P.Tân Mai (TP.Biên Hòa)
Nhân viên y tế đang khám sàng lọc cho người đến tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại một điểm tiêm ở P.Tân Mai (TP.Biên Hòa)

Chủ trương từng bước nới lỏng giãn cách, “mở cửa” để đưa cuộc sống dần trở lại trạng thái “bình thường mới” sau ngày 20-9 của tỉnh đang được các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH:

Không để lãng phí nguồn lực đã tiêm vaccine đủ liều

Thời gian qua, Đồng Nai đã và đang tăng tốc tiêm vaccine ngừa Covid-19. Đến ngày 22-9, toàn tỉnh đã có 78% số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất là 1 mũi vaccine, trong đó gần 100 ngàn người đã tiêm đủ 2 mũi. Như vậy, lượng người tiêm vaccine trong tỉnh là khá lớn. Nếu cứ thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt, sẽ rất lãng phí nguồn lực, trong khi “guồng máy” cuộc sống cần phải “khởi động” trở lại.

Tôi cho rằng, tỉnh cần tính toán lộ trình sớm cho lực lượng cán bộ, công nhân, viên chức đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine trở lại làm việc để giải quyết các dịch vụ công. Ngoài ra, những DN, hộ kinh doanh, sản xuất các mặt hàng thiết yếu ở “vùng xanh” được mở cửa và người tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh này phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày cùng với bảo đảm thực hiện 5K. Còn những người ở “vùng xanh” đã được tiêm 2 mũi hoặc ít nhất 1 mũi sau 14 ngày được ra đường làm các công việc thiết yếu. Những hoạt động kinh doanh chỉ nên diễn ra từ 6 giờ sáng đến 18 giờ hằng ngày. Những DN thực hiện “3 tại chỗ” được thay đổi lao động để duy trì sản xuất nhưng phải cam kết thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; tổ chức xe đưa đón công nhân hằng ngày đảm bảo an toàn phòng dịch...

Riêng việc cho học sinh trở lại trường, tỉnh cần xem xét và quyết định thời điểm thích hợp, an toàn nhất để hoạt động dạy và học được trở lại bình thường.

Chủ tịch Hội Nữ trí thức tỉnh NGUYỄN THỊ THU LAN:

Quyết liệt hơn nữa trong việc mở rộng “vùng xanh”

Tình hình dịch bệnh trên địa bàn hiện nay vẫn khá phức tạp, số ca nhiễm tăng giảm thất thường. Do đó, giải pháp phân vùng, nỗ lực mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ”, cam cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Tôi đồng ý với kế hoạch mở cửa, phục hồi kinh tế, xã hội sau ngày 20-9 của tỉnh là cơ bản chỉ mở cửa “vùng xanh”, còn “vùng đỏ”, cam, vàng sẽ được tính toán một cách phù hợp nhất; không áp dụng phong tỏa diện rộng một cách không cần thiết, vì sẽ làm khó người dân.

Theo tôi, ngay cả việc nới lỏng cho “vùng xanh” cũng cần triển khai một cách thận trọng, nới lỏng nhưng vẫn có kiểm soát, mọi hoạt động trong “vùng xanh” được trở về trạng thái “bình thường mới” nhưng phải đảm bảo đúng các quy định phòng dịch.

Giám đốc Công ty TNHH Thuế kế toán Luật Việt Á (TP.Biên Hòa) NGUYỄN NGỌC TUẤN:

Đồng tình với chủ trương “mở cửa”

Tôi rất mừng khi tỉnh đang có kế hoạch “mở cửa” trở lại. Bởi sau hơn 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đời sống người dân, nhất là công nhân, lao động lâm vào cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, hoạt động kinh tế, xã hội trở lại như thế nào để đạt được “mục tiêu kép” vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp là một bài toán khó. Để giải bài toán này cần có chiến lược và lộ trình cụ thể, tất nhiên “mở cửa” từng phần, từng vùng và có kiểm soát, chứ không thể mở cửa ào ạt.

Với DN, sự an toàn của người lao động chính là “sự sống” của DN. Do đó, cần tạo ra hành lang “xanh” là những lao động đã tiêm đủ 2 mũi hoặc ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19 (sau 14 ngày) để đảm bảo an toàn cho người lao động khi quay trở lại làm việc, sớm ổn định cuộc sống và yên tâm sống chung an toàn cùng dịch bệnh.

Chị TRẦN THỊ PHƯƠNG LOAN (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa):

Sớm cấp giấy “thông hành” cho công dân đã tiêm vaccine

Từng bước nới lỏng giãn cách, phục hồi các hoạt động kinh tế, xã hội sau nhiều ngày toàn tỉnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết. Vì hiện nay, tình hình dịch bệnh tuy còn diễn biến phức tạp nhưng tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa Covid-19 của Đồng Nai cũng khá cao, nên tỉnh cần cấp giấy “thông hành” vaccine cho những người đã tiêm vaccine để họ có thể đi lại làm việc.

Cụ thể như tỉnh nên cấp giấy “thông hành” vaccine cho những người tiêm đủ 2 mũi được trở lại lao động, học tập, buôn bán, kinh doanh những mặt hàng thiết yếu trong tỉnh. Còn những người tiêm 1 mũi thì cũng có thể quay lại làm việc, nhưng chỉ giới hạn trong địa bàn thành phố hoặc huyện của mình cho đến khi được tiêm đủ liều. Riêng những người chưa tiêm mà ở “vùng xanh”, có thể được đi lại, nhưng chỉ giới hạn trong nội bộ địa bàn đó. Cùng với việc cấp giấy “thông hành” vaccine, chế tài những vi phạm quy định 5K vẫn nên được duy trì nghiêm túc.

Ông ĐẶNG ĐỨC HÒA (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa):

Mỗi người dân cần tự ý thức phòng dịch, bảo vệ mình và cộng đồng

Tôi cho rằng, việc thực hiện nới lỏng giãn cách của tỉnh là rất cần thiết, bởi không thể cứ mãi giãn cách, mà cần phải trở lại trạng thái “bình thường mới”, trong một tâm thế sẵn sàng sống chung an toàn với dịch bệnh Covid-19.

Khi phải sống chung với dịch, ý thức tự giác phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh của mỗi người dân là quan trọng nhất. Mỗi người có an toàn thì gia đình mới an toàn, gia đình an toàn thì thì cộng đồng mới an toàn. Điều này không chỉ bảo vệ bản thân mà còn chia sẻ gánh nặng với Chính phủ, gánh đỡ một phần vất vả cho những người ở tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là đội ngũ y tế.

 Do đó, dù có được đi lại, người dân cũng nên chỉ ra đường những lúc thật cần thiết. Dù có được cho buôn bán, kinh doanh trở lại nhưng tỉnh cần xem xét ngành gì cần được mở cửa, ngành gì chưa thực sự cần cho hoạt động trở lại ngay lúc này. Vì dịch vẫn diễn biến phức tạp, nên chúng ta cần thận trọng, vừa làm vừa điều chỉnh, linh động nhưng không dễ dãi, nhằm tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch Covid-19.

Chị NGÔ KIM NHUNG, công nhân Công ty TNHH Marigot Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa):

Mong sớm được trở lại nhà máy làm việc

Sau những tháng nghỉ việc do giãn cách xã hội, đời sống của người lao động đang rất khó khăn. Tôi phấn khởi khi biết tỉnh đang có kế hoạch cho “mở cửa” trở lại để người dân trở lại cuộc sống bình thường. Đặc biệt là những công nhân như tôi được trở lại nhà máy làm việc, có thu nhập lo cho cuộc sống gia đình.

Hiện dịch bệnh đang còn diễn biến phức tạp, nhưng chờ hết dịch biết đến bao giờ, trong khi chúng tôi không thể mãi ở nhà nhận đồ cứu trợ. Vì thế, tôi cũng như nhiều công nhân mong sớm được tiêm vaccine đủ mũi để quay trở lại nhà máy làm việc. Tôi mong muốn các DN tiếp tục chú trọng công tác phòng dịch bệnh; tính toán thận trọng, để hạn chế tình trạng mầm bệnh lại tiếp tục bị phát tán, lây lan trong cộng đồng.

Phương Liễu (ghi)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích