Báo Đồng Nai điện tử
En

Ẩm thực mùa… Covid

05:08, 14/08/2021

Nấu ăn đang trở thành thú vui của nhiều người trong những ngày giãn cách xã hội. Những món ăn vặt, món ăn truyền thống quê nhà hay những món mới vừa học được trên mạng đang trở thành trào lưu được nhiều người hưởng ứng và trở thành thú vui lành mạnh, thư giãn trong mùa dịch.

Nấu ăn đang trở thành thú vui của nhiều người trong những ngày giãn cách xã hội. Những món ăn vặt, món ăn truyền thống quê nhà hay những món mới vừa học được trên mạng đang trở thành trào lưu được nhiều người hưởng ứng và trở thành thú vui lành mạnh, thư giãn trong mùa dịch.

Chị Thẩm Thúy Nga (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chuẩn bị nguyên liệu nấu món thạch đen
Chị Thẩm Thúy Nga (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chuẩn bị nguyên liệu nấu món thạch đen

Với thời gian ở nhà gần như xuyên suốt nên nhà bếp trở thành nơi sinh hoạt chung của nhiều gia đình. Để thời gian “nghỉ dịch” trôi qua nhanh hơn, nhiều người đã tìm niềm vui từ những món ăn và cùng gia đình thưởng thức trong những ngày giãn cách.

Nhiều thời gian chăm chút món ăn

Những ngày giãn cách, để thời gian trôi qua ý nghĩa, ngoài chuẩn bị những bữa ăn chính cho gia đình và chăm sóc con nhỏ, chị Thẩm Thúy Nga (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) dành thời gian còn lại để chế biến những món ăn truyền thống ở quê nhà. Là một phụ nữ dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở vùng quê Cao Bằng với khá nhiều món ăn truyền thống được chế biến từ nguyên liệu địa phương như: măng, miến, lá thạch, bánh… Ngày thường, chị Nga cũng là người có đam mê nấu nướng, tuy nhiên do công việc và phải chăm con nhỏ nên chỉ những ngày cuối tuần, chị mới có thời gian để thực hiện thú vui của mình.

Cơ hội quảng bá ẩm thực Việt

Thời gian qua, nhiều trang ẩm thực trên nền tảng Facebook, YouTube, TikTok… được tạo ra bởi các đầu bếp chuyên nghiệp cũng như các đầu bếp tay ngang. Một số kênh ẩm thực thu hút hàng triệu lượt theo dõi như: Ẩm thực mẹ làm, Khoai lang thang, Cô ba miền Tây, Sapa TV, Món ăn ngon, Hương vị quê hương… Những kênh ẩm thực này cũng là những “lớp học” dạy nấu ăn cho nhiều người dân trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Hơn 1 tháng nay, do tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh tại Đồng Nai nên chị Nga phải tạm nghỉ việc để thực hiện giãn cách xã hội, có nhiều thời gian hơn để nấu nướng. Chia sẻ về những đặc sản quê hương Cao Bằng của mình, chị Nga cho biết, món ăn mà chị thích làm nhất mỗi khi có dịp là món thạch đen, đây là món ăn quen thuộc đối với người dân Cao Bằng. Món thạch đen được làm từ cây thạch đen (còn gọi là cây sương sáo) được trồng rất nhiều ở Cao Bằng. Mỗi lần về quê, chị Nga mua hàng chục ký lá thạch đen phơi khô để mang vào Đồng Nai vừa nấu cho gia đình vừa cung cấp cho các đồng nghiệp. Theo chị Nga, thạch đen có vị ngọt, tính mát, có tác dụng giải nhiệt... rất tốt cho sức khỏe. Đây là món ăn rất dân dã nhưng lại được nhiều người ưa thích. Thạch đen mà chị Nga nấu hoàn toàn bằng nguyên liệu thiên nhiên là cây thạch khô, không có chất bảo quản nên vị thơm, mềm, dai giòn hơn sương sáo nấu từ gói bột đã qua xử lý bày bán tại các cửa hàng, siêu thị.

Cùng với thạch đen, bánh cười cũng là món ăn truyền thống của người Tày được các thành viên trong gia đình háo hức tham gia mỗi khi chị bắt tay nấu nướng. Bánh cười còn được người Tày gọi là pẻng khua, được làm từ gạo nếp. Bánh pẻng khua cũng giống như bánh phồng tôm nhưng khi chiên bánh phồng tròn xoe, ăn có vị ngon đặc biệt.

Những ngày giãn cách, Đồng Nai có nhiều người dân xa xứ đang sinh sống tại các khu nhà trọ. Với những người ở trọ, niềm vui chủ yếu của họ là lướt điện thoại hoặc ăn và ngủ. Chị Trần Nguyễn Thảo Nguyên, quê tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhân viên hành chính tại một công ty nước ngoài đang tạm nghỉ vì dịch cho biết, do ở cùng với 3 chị em nên mỗi ngày chị lại nghĩ ra một món để nấu cho mọi người đỡ ngán, hơn nữa cùng chị em làm chung sẽ bớt buồn chán.

Chị Nguyên chia sẻ: “Mùa dịch mua thực phẩm không dễ nên thường sẽ nấu những món theo nguyên liệu có sẵn. Ví dụ hôm nào được đi chợ, mua được bún và đủ đồ gia vị thì sẽ nấu bún bò Huế, khi thì mua bột về làm bánh bột lọc… Gia đình mình người Huế nên thích làm những món truyền thống quê hương để bớt nhớ nhà trong những ngày nghỉ dịch”.

“Ẩm thực online” nở rộ

Nếu có một khảo sát về mức sử dụng internet của người dân trong những ngày giãn cách thì có lẽ, đây là thời điểm cho kết quả cao nhất. Ngoài những thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 đang phủ sóng ở hầu hết các trang mạng hiện nay thì các thông tin liên quan đến lương thực, thực phẩm, các món ăn ngon trong mùa dịch cũng được rất nhiều người quan tâm. Trên các trang mạng xã hội như YouTube, Facebook, Zalo, các website hiện nay có thể dễ dàng tìm kiếm những gian hàng thực phẩm online với đủ các loại lương thực, thực phẩm từ các vùng miền được chào bán.

Sản phẩm thạch đen sau nhiều giờ chế biến được nhiều người trong gia đình chị Thẩm Thúy Nga ưa thích
Sản phẩm thạch đen sau nhiều giờ chế biến được nhiều người trong gia đình chị Thẩm Thúy Nga ưa thích

Anh Nguyễn Văn Hoàng (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ, những ngày giãn cách anh không ra khỏi nhà, toàn bộ lương thực, thực phẩm đều đặt hàng online qua các kênh siêu thị, các nhóm, hội bán hàng online với giá cả phải chăng, chất lượng khá đảm bảo. Nhận định về những tiện ích khi mua thực phẩm online, anh Hoàng cho biết: “Ban đầu tôi loay hoay mãi không biết mua đồ bằng cách nào vì lâu nay thường hay ghé chợ sau mỗi giờ tan ca. May có mấy người bạn giới thiệu tôi vào các nhóm, hội mua bán trên mạng nên tôi không còn lo về vấn đề lương thực thực phẩm nữa, thậm chí tôi còn mua được cả đồ ăn sáng. Mạng xã hội đã giúp nhiều người mua được thực phẩm cần thiết một cách nhanh gọn. Người bán hàng cũng không bị thất nghiệp trong mùa dịch nếu biết cập nhật thông tin và xoay xở nguồn hàng vì lượng người mua online rất nhiều”.

Không chỉ mua hàng hóa online, công nghệ còn giúp nhiều người học nấu ăn thuận tiện với đủ các thể loại món ăn từ truyền thống đến hiện đại, từ phong cách ẩm thực châu Âu đến châu Á. Chị Trương Thị Minh Hương (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) chia sẻ, thường ngày chị nấu ăn không ngon và rất ít nấu ăn vì công việc khá bận rộn. Khi nghỉ dịch ở nhà có nhiều thời gian nên chị lên mạng đọc tin tức và tìm kiếm các trang dạy nấu ăn. Sau 1 tháng giãn cách, chị Hương đã có thể học nấu được các món như bún bò, cách làm bánh bột lọc, bánh xèo… Tuy còn vụng về nên hình thức và chất lượng chưa hoàn hảo nhưng với chị Hương, đây là niềm vui trong thời gian rảnh rỗi ở nhà chờ.

“Mỗi món làm xong lại chụp hình và khoe lên Facebook với người thân và bạn bè. Nhiều người ngạc nhiên vì sao tôi có thể trở nên đảm đang trong mùa dịch và còn chia sẻ những kinh nghiệm nấu nướng thú vị. Ba mẹ tôi thấy con gái có thú vui nấu ăn cũng yên tâm hơn” - chị Hương chia sẻ.

Thủy Mộc

Tin xem nhiều