Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhật ký mùa… Covid

07:07, 23/07/2021

Buổi sáng mình nhận được tin nhắn của văn phòng. Có mấy kẻ lảng vảng trước cửa cơ quan mình, bộ dạng rất… gian. Dường như bọn ấy đang rình rập, chờ cơ hội đột nhập vào cơ quan để… khoắng một mẻ. Đại dịch Covid không thiếu gì bọn thừa nước đục giăng câu.

Buổi sáng mình nhận được tin nhắn của văn phòng. Có mấy kẻ lảng vảng trước cửa cơ quan mình, bộ dạng rất… gian. Dường như bọn ấy đang rình rập, chờ cơ hội đột nhập vào cơ quan để… khoắng một mẻ. Đại dịch Covid không thiếu gì bọn thừa nước đục giăng câu. Nếu chúng vào được, dù cơ quan không có tài sản gì quý giá, nhưng mất vài cái máy tính, nhất là máy tính của kế toán thì cũng nguy to. Nghĩ vậy nên dù đang nghỉ cuối tuần, mình cũng vội vàng lấy xe máy, chạy đến cơ quan.

Minh họa: Phạm Công Hoàng
Minh họa: Phạm Công Hoàng

 

Đường sá vắng hoe. Một chiếc xe tải nhẹ chở đầy ắp trái thơm chạy ngay trước xe mình. Mùi thơm ngạt ngào của trái chín bay quẩn trong không gian. Không biết anh tài chở trái thơm đi đâu, nhập hàng cho siêu thị, đến khu cách ly Covid hay đến chợ 0 đồng để phục vụ bà con nghèo. Dù là chở đi đâu mình cũng thấy vui, bởi sản phẩm mồ hôi nước mắt, công sức của người nông dân sẽ đến được tay người tiêu dùng, không rơi vào thảm họa rau trái không người thu hoạch, lăn lóc đầy đồng…  

Dịch Covid đã xuất hiện ở gần hết các phường thuộc thành phố Biên Hòa thân yêu của mình. Văn bản của tỉnh, của thành phố, đến cả cấp cơ sở được ban hành liên tục, khuyến cáo, hướng dẫn mọi người. Chính phủ nói chống dịch như chống giặc thật đúng. Tinh thần chống dịch khẩn cấp làm mình nhớ thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ. Cũng những con đường, những dãy phố, những cửa hàng, cửa hiệu cửa đóng then cài, nhà nhà đi sơ tán, người ở lại san sẻ cho nhau từng bó rau, con cá. Những ngày này xe cứu thương hú còi chạy hối hả càng làm tăng thêm không khí khẩn trương, mình nghĩ đó có thể là những chuyến xe giành giật sự sống cho bệnh nhân bị nhiễm Covid. Đã có người chết vì dịch bệnh ác nghiệt này, nhiều người khác đang lâm vào cảnh mất việc làm, mất thu nhập. Hôm nay các anh công an đã đứng chốt ở các giao lộ, các trục đường giao thông chính để kiểm tra, giám sát tình hình phòng, chống dịch, nhìn sắc phục công an tự nhiên thấy an lòng.

 10 giờ 30 đêm, điện thoại reo vang. Trời đang mưa nặng hạt. Mình đội mưa chạy ra đường. Dưới ánh đèn vàng nhạt nhòa, shipper mang hàng đến. Nào bí đỏ, bí xanh, cà chua, bắp cải, măng... Người gửi cho mình là một đồng nghiệp trẻ. Hồi chiều cô bạn thân đã túi bụi việc cơ quan, việc nhà còn chạy ào đến trước cửa rồi đi ngay sau khi đã dúi vào tay mình một mớ gói bọc lủng củng. Đủ cả chanh, ớt, gừng, chà bông, thịt gà, thậm chí một túm hành lá và hũ muối đậu phộng.

Mấy hôm trước, một bạn còn gửi cho mình cả một cái chân giò heo “khủng”. Chị bạn nhạc sĩ thì cho mình cái khẩu trang loại “cực xịn” chị bảo mua mấy chục ngàn một cái. Anh bạn thơ đưa cho mình một tờ báo Văn Nghệ. Cuối cùng dịch Covid chẳng những mình không thiếu thốn mà còn có cả một “siêu thị” thức ăn, chưa kể những món khác. Nhận đồ “cứu trợ “ của mọi người trong khi mình vẫn có thể đi siêu thị mua, trong lòng vô cùng cảm động và biết ơn. Người Việt có câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Trong nghịch cảnh mới thấy bàn tay sẻ chia, giúp đỡ của bạn bè, đồng chí, đồng  loại là quan trọng và quý giá biết bao. Mình cũng san sẻ, “ tài trợ” chỗ khác những gì mình có, lòng thấy vui vui vì được đồng cam cộng khổ với mọi người.

Thành phố giãn cách, phong tỏa nhiều khu vực, nhưng khu nhà mình  may mắn chưa bị “chăng dây”.  Chưa chăng dây, nhưng cũng đã có thay đổi. Xuất hiện… ba cái đầu trọc. Một là cô công nhân Changshin đang nghỉ việc vì Covid (cô tính tình như đàn ông), hai là chị họ của cô Changshin, vốn bị bệnh tâm thần từ lâu, ba là em trai của chị dâu cô Changshin. Cậu cũng bị mất việc vì Covid, phải về nhà chị gái tá túc. Ba cái đầu trọc vui vẻ giải thích là để… cho mát. Mất việc còn kéo theo hai cô gái trẻ là thân nhân của hàng xóm đến ở đậu. Buổi sáng và buổi chiều hai cô và chàng trai thất nghiệp mang tấm thảm cao su trải ra hành lang, mở nhạc lên… tập thể lực. Họ chọn món nặng: đấm bốc. Lúc thì họ đấm nhau, lúc lại đấm vào bao cát bình bịch, cả ba mồ hôi đầm đìa ướt đẫm cả áo. Tập xong, họ nằm vật xuống tấm thảm… thở và thư giãn, trò chuyện vui như tết, chắc là họ đang chống mập. Nhớ lần giãn cách vì Covid năm ngoái, mình cũng bị treo giò ở nhà mất cả tuần, vô ra không biết làm gì, lại mở tủ lạnh ra… tìm đồ ăn. Hậu quả là khi đi làm trở lại bị… tăng ký.

Mình mang măng chua qua biếu ông lão hàng xóm tuổi hơn tám mươi. Ông mặc quần áo chỉnh tề, “ đóng thùng” hẳn hoi. Hỏi đi đâu, ông lão khoát tay bảo, tao ra phường coi có chuyện gì không? Ở ngoải người ta tổ chức bán thịt heo giá bình ổn cho dân, bây có thiếu thịt heo ra đó mà mua. Mình bảo có rồi, dành cho người khác. Ông cụ là cán bộ khu phố hưu đã lâu nhưng ngày nào cũng phải đảo qua trụ sở một đôi lần mới chịu được.

 Từ hôm tình hình Covid trở nên căng thẳng, ngày nào cũng nhận được tin nhắn của bạn bè, người thân, hỏi han xem mình có gì ăn chưa, cần mua gì, tình hình sức khỏe ra sao, dặn dò phải cẩn thận, vì lá phổi hen suyễn của mình vốn ọp ẹp, chẳng may dính covid thì chắc… không cấp cứu kịp.

 Giới văn nghệ sĩ của mình chống dịch theo kiểu… văn nghệ. Cô bạn văn khoe, ở nhà rảnh viết được hai cái truyện ngắn gia đình để dự thi, còn khoe cuốn truyện nhi đồng của cô có nguy cơ… được giải. Nhà văn thương binh hom hem như “con chàng hươu” thì viết truyện rồi minh họa luôn cho tác phẩm của mình, anh còn vẽ tranh cổ động, thi thoảng lại chụp hình bữa ăn thời Covid gửi cho mình để khoe đang… tiết kiệm. Họa sĩ chuyên ghép tranh gốm cả ngày cặm cụi bên những bức tranh khổ lớn tuyệt đẹp, bảo rằng anh “số khổ”, dù có Covid hay gì nữa thì anh vẫn không một ngày ngưng nghỉ. Nhạc sĩ Trưởng ban Âm nhạc đề nghị đổi chương trình ca nhạc chủ đề tự do (phối hợp với Đài Phát thanh - truyền hình) sang chương trình ca nhạc chủ đề chống Covid, gồm nhiều ca khúc “nóng hổi” của hội viên. Anh chàng nhiếp ảnh gia trẻ tuổi người gầy nhẳng, da đen như cột nhà cháy, vừa trở về sau chuyến đi Bắc Giang chụp ảnh thời sự đã lại lao vào công tác tình nguyện hỗ trợ lương thực cho  dân nghèo. Những nhà thơ thì khỏi nói, thơ hay, thơ chưa hay… đều sẵn, cảm xúc mùa dịch dâng trào mà. Lên “ phây” thấy một bạn văn đưa nguyên cái truyện mới viết lên, đang dịch giã lu bù mà cô viết cái truyện lãng mạn từ cái tên “Mùa hoa oải hương”. Ông anh trai họa sĩ của mình thì bỏ bút vẽ là xoay ra chăm sóc “thú cưng” - một chú vẹt biết nói tiếng người, suốt ngày lảu bảu, quạu cọ và chỉ vui vẻ khi được cho ăn.

Chợt nghĩ, dù đại dịch gieo rắc 101 nỗi khổ, dân mình phải “thắt lưng buộc bụng” nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn với tất cả những cung bậc cảm xúc. Người Việt chưa bao giờ chịu đầu hàng ngịch cảnh, càng gian nan vất vả, càng kiên cường. Càng thiếu thốn, càng mở lòng sẻ chia đùm bọc nhau. Tự nhiên thấy tự hào vì mình là… người Việt. “ Tôi ơi đừng tuyệt vọng” ( Trịnh Công Sơn). Tinh thần Việt Nam nhất định sẽ giúp chúng ta chiến thắng đại dịch…

Hoàng Ngọc Điệp

Tin xem nhiều