Báo Đồng Nai điện tử
En

Món ngon miệt vườn vào Top

09:03, 11/03/2021

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) và Tổ chức Top Việt Nam (VietTop) vừa chính thức công bố Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng (2020-2021) dành cho những món ngon, sản vật độc đáo trên cả nước.

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) và Tổ chức Top Việt Nam (VietTop) vừa chính thức công bố Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng (2020-2021) dành cho những món ngon, sản vật độc đáo trên cả nước.

Đầu bếp khách sạn Đồng Nai trổ tài làm món xôi phồng tại Tuần lễ Ẩm thực du lịch Đồng Nai 2020
Đầu bếp khách sạn Đồng Nai trổ tài làm món xôi phồng tại Tuần lễ Ẩm thực du lịch Đồng Nai 2020

Trong danh sách được công bố, Đồng Nai có 4 món đặc trưng được xướng tên gồm 2 món ăn đặc sản là gỏi bưởi và gà nướng xôi phồng; 2 món đặc sản quà tặng là mít sấy và chôm chôm chỉ dẫn địa lý Long Khánh.

 * Đặc sản làng bưởi

Những năm gần đây, diện tích cây bưởi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tăng khá nhanh, lượng bưởi cung cấp ra thị trường chiếm thị phần ngày càng nhiều. Tuy nhiên, khi nhắc đến trái bưởi của Đồng Nai thì cái tên bưởi Tân Triều vẫn được gợi nhớ đầu tiên. Phần lớn khách du lịch khi đến Đồng Nai đều phải tìm đến làng bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) để thưởng thức bưởi và các món ăn được chế biến từ bưởi.

Món gỏi bưởi không chỉ ngon mà qua bàn tay khéo léo của người đầu bếp còn được trình bày rất đẹp mắt
Món gỏi bưởi không chỉ ngon mà qua bàn tay khéo léo của người đầu bếp còn được trình bày rất đẹp mắt

Trong số các món ngon về bưởi, gỏi bưởi được nhiều thực khách yêu thích. Theo người dân địa phương, gỏi bưởi vốn là món ăn dân gian truyền thống của người dân làng bưởi Tân Triều. Từ thời xa xưa, món gỏi bưởi được làm từ nguyên liệu chủ đạo là bưởi thanh trà kèm với nguyên liệu bưởi có thêm tôm khô, da heo, đu đủ, đậu phộng, lá rau răm trộn lại. Nói về món ăn truyền thống quê mình, bà Trần Kim Loan (ngụ xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) cho biết, mỗi khi có khách phương xa đến thăm, gia đình bà đều đãi khách những món ngon truyền thống như bưởi tươi và các món ăn chế biến từ bưởi gồm gỏi bưởi, chè bưởi. Ngoài những món ăn do gia đình chuẩn bị, để khách quý có cơ hội thưởng thức hết các món ngon do người dân làng bưởi chế biến, bà Loan còn đưa khách đến các quán ăn đặc sản của làng bưởi Tân Triều để thưởng thức thêm.

Ngày nay, khi trở thành món ngon nổi tiếng, nhiều nhà hàng, quán ăn đã chế biến thêm nguyên liệu cho món ăn này bằng cách sử dụng bưởi đường lá cam (ruột trắng, có vị chua ngọt rất thanh) hoặc bưởi da xanh (ruột đỏ, có vị ngọt nhiều hơn) cùng với các nguyên liệu đi kèm có tôm, thịt luộc, khô mực, dừa sợi… nhưng vẫn bảo đảm được vị riêng từ bưởi nên thực khách vẫn đón nhận, món gỏi bưởi vẫn nức danh xứ Tân Triều không nơi đâu thay thế được.

* Độc đáo xôi phồng

Nói đến món xôi phồng, bất kỳ ai đã từng ăn qua cũng sẽ nghĩ ngay đến địa danh Biên Hòa - Đồng Nai, bởi nơi đây chính là cái nôi sản sinh ra món ăn độc đáo này, và “mẹ đẻ” của món xôi phồng chính là một đầu bếp của Khách sạn Đồng Nai ngày nay (xưa là quán ăn có tên Tân Hiệp Quán) từ cách đây hàng chục năm.

Món xôi phồng là đặc sản của Khách sạn Đồng Nai
Món xôi phồng là đặc sản của Khách sạn Đồng Nai

Là đời đầu bếp thứ ba tiếp quản hệ thống nhà bếp của Khách sạn Đồng Nai, hơn 20 năm qua, bếp trưởng Nguyễn Thanh Bình vẫn tự hào mỗi khi được biểu diễn món xôi phồng. Ông Bình chia sẻ, món xôi phồng không chỉ đơn thuần là món ăn mà nó mang giá trị nghệ thuật, để làm được chiếc bánh xôi phồng đòi hỏi người thợ phải có một quá trình tập luyện, tay nghề càng cao, kinh nghiệm càng nhiều thì sẽ cho cái bánh xôi có độ phồng, tròn đều, bảo đảm độ giòn nhưng mềm cùng với vị thơm từ nếp và đường.

Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, để có được món xôi phồng ngon, có hương vị riêng thì không phải ai cũng làm được. Món ăn độc đáo này không phải được quyết định từ nguyên liệu mà việc chuẩn bị các công cụ nấu mới là công đoạn chính, trong đó, chảo chiên xôi phải được chuẩn bị rất kỹ qua các công đoạn đốt chảo không trên bếp cho đến khi chảo đỏ lên, chà nhám chảo, ngâm chảo trong dầu ăn. Công đoạn này kéo dài khoảng 5 ngày và bắt buộc phải thực hiện để khi chiên, xôi không bị chìm, dính mà dễ đảo hơn.

Xôi phồng lúc sơ khai là một bánh tròn, to, khi ăn được cắt thành từng miếng nhỏ và ăn kèm với món gà nướng, nhưng ngày nay, để phong phú thêm khẩu vị của món ăn, các đầu bếp có thể quyết định làm bánh nhỏ hay lớn, giòn ít hay nhiều và màu sắc đậm nhạt cho từng chiếc bánh. “Hiện nay nhà hàng khách sạn Đồng Nai có 4/8 người có thể làm được món xôi phồng, đây cũng là món đặc sản riêng của khách sạn. Món ăn này có thể giữ được độ giòn, nóng và ngon nhất trong khoảng 2 tiếng sau khi hoàn thành. Tuy nhiên, do công đoạn chuẩn bị mất nhiều thời gian nên khách sạn chỉ làm khi có khách đặt trước hoặc có sự kiện quan trọng diễn ra tại khách sạn” - ông Bình cho hay.

* Trái ngon làm quà

Đồng Nai là một trong những tỉnh Đông Nam bộ có diện tích cây ăn trái lớn. Từ nhiều năm nay, trái cây Đồng Nai luôn là món ăn được biết đến với những cái tên như: bưởi, mít, chôm chôm chỉ dẫn địa lý Long Khánh, sầu riêng, măng cụt…

Khách du lịch tham quan vườn chôm chôm tại TP.Long Khánh
Khách du lịch tham quan vườn chôm chôm tại TP.Long Khánh

Trong số những trái ngon nổi tiếng, mít sấy và chôm chôm Long Khánh đã được VietTop công nhận nằm trong Top 100 sản phẩm là đặc sản quà tặng. Nhưng lâu đời và nổi tiếng nhất phải kể đến đặc sản chôm chôm Long Khánh, sản phẩm đã được cấp chỉ dẫn địa lý từ nhiều năm qua. Những năm gần đây, người trồng chôm chôm tại khu vực TP.Long Khánh đã khuếch trương tên tuổi cho trái chôm chôm với các mô hình du lịch sinh thái vườn được mở ngay trên vùng đất có nhiều chôm chôm nhất là xã Bình Lộc, P.Xuân Tân… Mỗi năm, vào mùa trái cây (từ tháng 5 đến tháng 9) Long Khánh thu hút du khách khắp nơi về trải nghiệm du lịch vườn và thích thú khi được tận tay hái trái cây ăn tại vườn, được thỏa thích chụp hình với những cây chôm chôm sai trĩu quả, chín đỏ rực khắp vườn. Sau khi ăn no và vui chơi thỏa thích tại các vườn trái cây, phần lớn du khách đều mua về làm quà cho người thân.

Sản xuất mít sấy tại một doanh nghiệp chế biến nông sản của Đồng Nai
Sản xuất mít sấy tại một doanh nghiệp chế biến nông sản của Đồng Nai

Cùng với chôm chôm, mít cũng là loại cây đặc trưng của vùng nhiệt đới, rất hợp với thổ nhưỡng Việt Nam nên đang được trồng khá phổ biến. Không phải món ăn tươi, mít sấy của Đồng Nai từ lâu nay đã trở thành món ăn vặt thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng được người tiêu dùng lựa chọn. Ngoài ra, mít sấy Đồng Nai còn xuất khẩu đi một số nước trên thế giới và được đánh giá cao về chất lượng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm mít sấy. Việc công nhận mít sấy trở thành đặc sản quà tặng của Việt Nam là một trong những động lực để người nông dân ngày càng chăm chút hơn cho sản phẩm của mình về cả chất lượng và mẫu mã.

Đồng Nai có gần 68 ngàn ha diện tích trồng cây ăn quả, sản lượng ước đạt 600 ngàn tấn mỗi năm. Các loại cây ăn trái chủ lực trên địa bàn tỉnh gồm: chôm chôm (trên 10 ngàn ha), bưởi (trên 8,2 ngàn ha), mít (trên 5,5 ngàn ha), xoài (trên 12,2 ngàn ha). Những năm gần đây, nhờ áp dụng tốt khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và lựa chọn giống cây trồng có năng suất cao nên nông dân Đồng Nai đã chủ động nhiều hơn trong việc lựa chọn giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều trái cây trở thành đặc sản riêng của tỉnh.

Thủy Mộc

Tin xem nhiều