Báo Đồng Nai điện tử
En

Thêm động lực cho văn nghệ sĩ

04:11, 06/11/2020

Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai những năm qua đang có bước chuyển mình mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng tác phẩm cũng như lực lượng sáng tác. Điều này có được một phần nhờ tỉnh đã quan tâm, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ văn nghệ sĩ sáng tác, xuất bản và quảng bá tác phẩm.

Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai những năm qua đang có bước chuyển mình mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng tác phẩm cũng như lực lượng sáng tác. Điều này có được một phần nhờ tỉnh đã quan tâm, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ văn nghệ sĩ sáng tác, xuất bản và quảng bá tác phẩm.

Nhạc sĩ Trần Viết Bính biểu diễn một tác phẩm vừa hoàn thành và giới thiệu tác phẩm rộng rãi trên các trang mạng xã hội  Ảnh: L.Na
Nhạc sĩ Trần Viết Bính biểu diễn một tác phẩm vừa hoàn thành và giới thiệu tác phẩm rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Ảnh: L.Na

Các chính sách hỗ trợ đã và đang gián tiếp “đặt hàng” - một kiểu đặt hàng khéo léo và tinh tế - không chỉ tạo điều kiện để văn nghệ sĩ yên tâm sáng tác mà còn khuyến khích, động viên họ có thêm ý tưởng mới để sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị cao về nội dung, nghệ thuật.

* Từ duy trì nhiều chính sách hỗ trợ...

Văn nghệ sĩ Đồng Nai luôn xem hoạt động quan tâm hỗ trợ sáng tác, xuất bản và quảng bá tác phẩm VHNT là chủ trương có ý nghĩa thiết thực, bởi với nhiều tác giả, sau khi có bản thảo mà không có điều kiện in sách đã được hỗ trợ xuất bản và giới thiệu tác phẩm. Hằng năm, các hội viên đăng ký danh sách tác phẩm xin hỗ trợ về Hội VHNT tỉnh, tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật xét duyệt, nếu đạt yêu cầu, tác phẩm sẽ được tài trợ kinh phí xuất bản. Đến nay, đã có hàng trăm tác phẩm, hàng chục đầu sách thuộc các thể loại được ấn hành, giới thiệu đến công chúng.

Theo Hội VHNT Đồng Nai, trung bình mỗi năm, Hội dựa trên đăng ký của hội viên, xem xét, nghiệm thu đề tài và hỗ trợ cho khoảng 5 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm hoặc công trình tiêu biểu nhất. Vì được hỗ trợ kinh phí nên các sách xuất bản có số lượng in rất hạn chế, đặc biệt là không bán ra thị trường. Một phần sách được chuyển vào thư viện, phần còn lại chủ yếu dùng để làm quà “biếu” nên độc giả, nhất là độc giả ở vùng sâu, vùng xa rất ít hoặc rất khó có thể tiếp cận được với loại sách này.

“Mặc dù số lượng sách xuất bản theo hỗ trợ vẫn còn ít ỏi nhưng văn nghệ sĩ chúng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc. Tôi vẫn hy vọng một ngày không xa, các tác phẩm VHNT của văn nghệ sĩ Đồng Nai sẽ đến được với tất cả mọi người” - Phó chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai Hoàng Ngọc Điệp chia sẻ.

Không chỉ với hội viên Hội VHNT Đồng Nai được quan tâm, hỗ trợ xuất bản sách mà hàng năm, tỉnh cũng chú trọng công tác “đặt hàng” sách trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, số lượng công trình được lựa chọn không nhiều (khoảng 10 cuốn/năm), tỉnh đặc biệt là ưu tiên những tác phẩm có nội dung về chính trị, đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu nhi... Các tác phẩm sau khi Hội đồng tư vấn xuất bản tỉnh thông qua sẽ được xuất bản từ nguồn ngân sách của tỉnh. Đây được xem là sự hỗ trợ rất “đột phá” trong chính sách đối với việc giới thiệu, quảng bá tác phẩm.

Một trong những chính sách cũng được văn nghệ sĩ quan tâm là Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức (được xét 5 năm/lần). Ngoài việc đánh giá và biểu dương tài năng, cống hiến của các văn nghệ sĩ trong lao động sáng tạo nghệ thuật giai đoạn 5 năm, giải thưởng còn là nguồn động viên, khích lệ văn nghệ sĩ tiếp tục phấn đấu để có những tác phẩm phản ánh sâu sắc, toàn diện vẻ đẹp của đất và con người Đồng Nai trong công cuộc xây dựng và phát triển trên các lĩnh vực. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên toàn tỉnh.

Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, đã có hàng chục lượt văn nghệ sĩ trong tỉnh được hỗ trợ xuất bản và quảng bá tác phẩm. Đó là chưa kể đến những chính sách hỗ trợ văn nghệ sĩ tham gia trại sáng tác, tặng giấy khen, bằng khen cho những tác phẩm đoạt giải cao tại các cuộc thi cấp khu vực, quốc gia và quốc tế. Mỗi dịp đầu năm mới, lãnh đạo tỉnh luôn duy trì gặp mặt, giao lưu với văn nghệ sĩ để lắng nghe những chia sẻ, tâm tư và nguyện vọng cũng như định hướng hoạt động trong thời gian tới. Việc làm này thể hiện sự trân quý của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với văn nghệ sĩ nói riêng và VHNT nói chung.

* Đến “đặt hàng” sáng tác

Trên các lĩnh vực văn học, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh... hiện nay, nhiều văn nghệ sĩ ở Đồng Nai đang sáng tác theo đơn “đặt hàng” của các cá nhân, tổ chức, đơn vị có nhu cầu sử dụng tác phẩm. Đối với lĩnh vực văn học, không phải tác giả nào cũng có tác phẩm được “đặt hàng” mà tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như: sự nổi tiếng, có tên tuổi, cây viết trẻ hoặc chưa có hoặc ít có tên tuổi trên thị trường...

Trang Facebook của nhà văn Nguyễn Thái Hải mỗi ngày đều cập nhật các thông tin thời sự hoặc các cuốn sách do ông sáng tác giới thiệu đến bạn bè gần xa
Trang Facebook của nhà văn Nguyễn Thái Hải mỗi ngày đều cập nhật các thông tin thời sự hoặc các cuốn sách do ông sáng tác giới thiệu đến bạn bè gần xa

Nhà văn Nguyễn Thái Hải cho biết, sáng tác theo đơn “đặt hàng” khi chưa viết tác phẩm thì trong văn học ở Đồng Nai hiện nay không nhiều. Bản thân ông cũng chỉ có vài cuốn được đặt hàng trước khi viết. Có thể kể đến như: Nhớ Biên Hòa, bộ tranh truyện Danh nhân đất Đồng Nai... là được đặt hàng trước khi viết. “Với loại sách này tôi thấy chỉ khi tác phẩm được đặt hàng trùng với đề tài, ý tưởng đang thai nghén, tác giả mới nhận và có động lực để viết nhanh hơn” - nhà văn Nguyễn Thái Hải chia sẻ.

Với lĩnh vực âm nhạc, sáng tác ca khúc theo đơn “đặt hàng” được các nhạc sĩ quan tâm và là “mảnh đất” thuận lợi để họ nâng cao tay nghề, thể hiện tài năng nghệ thuật. Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn cho biết, trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông viết nhiều ca khúc theo “đặt hàng” đến từ các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp. Nhiều ca khúc “đặt hàng” đã trở thành bài hát truyền thống như: Hành khúc thể thao (hát về ngành Thể thao), Những vì sao đỏ (hát về doanh nhân)...

 “Mỗi khi nhận sáng tác một nhạc phẩm cho một đơn vị nào đó, bản thân tôi đã phải trăn trở rất nhiều. Để có được ca khúc theo yêu cầu, tôi trực tiếp đi thực tế ở các đơn vị, lao động nghệ thuật nghiêm túc để tìm những rung động chân thật nhất. Với tôi, quan trọng nhất vẫn là cái tình từ những con người, những vùng quê tôi đến gặp gỡ, trò chuyện trước khi hòa vào lời ca, tiếng nhạc” - nhạc sĩ Cao Hồng Sơn nói.

Hầu hết các nhạc sĩ ở Đồng Nai đều cho rằng, viết ra ca khúc thì dễ, nhưng để có ca khúc sống được trong lòng công chúng yêu nhạc thì cực kỳ khó khăn. Cái tài của người nhạc sĩ viết theo đơn “đặt hàng” là ở chỗ, có những vấn đề tưởng chừng như rất xơ cứng, khô khan nhưng rồi, tất cả vẫn được chuyển tải mềm mại, uyển chuyển qua những nốt nhạc. Do đó, đi thâm nhập thực tế là cách để văn nghệ sĩ nhìn nhận thấu đáo, lựa chọn những góc viết gần gũi, sinh động và hấp dẫn. Từ đó đưa hiện thực cuộc sống thăng hoa trong từng tác phẩm.

* Và những niềm vui...

Với văn nghệ sĩ, được hỗ trợ sáng tác và quảng bá, được “đặt hàng” tác phẩm là niềm vui, là động lực cố gắng mỗi ngày. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả. Không có hỗ trợ, không có đơn “đặt hàng” thì các văn nghệ sĩ vẫn sáng tác như những con tằm chăm chỉ “rút ruột nhả tơ”. Nhạc sĩ Trần Viết Bính nói rằng, vì “rút ruột nhả tơ” nên văn nghệ sĩ đã có nhiều tác phẩm bất hủ để lại cho đời. Điều đó cho thấy tài năng và sức sáng tạo của người nghệ sĩ.

“Sáng tác bao giờ cũng phải bắt nguồn từ cảm xúc chân thực. Người nghệ sĩ không thể lừa dối công chúng, càng không thể tự dối mình. Không gì vui hơn khi tác phẩm của mình viết ra được nhiều người yêu thích và đón nhận nhiệt tình” - nhạc sĩ Trần Viết Bính nói.

Một tác phẩm ra đời, điều mà tác giả quan tâm còn là vấn đề làm thế nào để “đứa con tinh thần” tìm được đường đến với công chúng?. Hiện nay, sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội như Zalo, Facebook đã “hỗ trợ” văn nghệ sĩ giới thiệu và quảng bá tác phẩm. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, mạng xã hội chính là công cụ hiệu quả để đội ngũ văn nghệ sĩ vượt qua giai đoạn khó khăn, đưa tác phẩm đến gần hơn với cộng đồng trong và ngoài tỉnh.                

Ly Na

Tin xem nhiều