Báo Đồng Nai điện tử
En

Lao động nữ và những nỗ lực trong công việc

09:10, 02/10/2020

Cần cù, sáng tạo và trách nhiệm, nhiều lao động nữ (LĐN) làm việc tại các doanh nghiệp (DN) đã khẳng định được bản thân bằng chính sự nỗ lực, khả năng của mình, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của DN.

Cần cù, sáng tạo và trách nhiệm, nhiều lao động nữ (LĐN) làm việc tại các doanh nghiệp (DN) đã khẳng định được bản thân bằng chính sự nỗ lực, khả năng của mình, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của DN.

Nữ công nhân Công ty TNHH Minh Thành (H.Vĩnh Cửu) trong giờ làm việc. Ảnh: Lan Mai
Nữ công nhân Công ty TNHH Minh Thành (H.Vĩnh Cửu) trong giờ làm việc. Ảnh: Lan Mai

13 năm gắn bó với Công ty TNHH Yupoong Việt Nam (TP.Biên Hòa), nữ công nhân Phan Thị Lành luôn được DN đánh giá cao về tinh thần học hỏi, nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu sản xuất của DN.

* Không ngừng nâng cao tay nghề

Từ công nhân may sản phẩm, qua quá trình phấn đấu, nỗ lực trong công việc, chị Lành được bố trí làm bộ phận kỹ thuật may của công ty. Đây là bộ phận quan trọng, chỉ những lao động vững tay nghề mới được chọn vào may mẫu và dạy kỹ thuật may cho công nhân trẻ. Tuy nhiên, với chị Lành, tiếp nhận công việc mới không mấy khó khăn vì chị luôn có kế hoạch, sự sáng tạo trong việc.

Chị Lành cho hay, khi làm công nhân trực tiếp, trách nhiệm không cao bằng khi làm tổ trưởng ở phòng kỹ thuật, nhưng ở môi trường ấy đã giúp chị trưởng thành nhiều hơn. “Trước đây, tôi chỉ có suy nghĩ vào làm công nhân để có lương trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, khi vào làm việc, có kinh nghiệm, tôi lại nghĩ nếu chỉ làm việc theo phân công mà không sáng tạo thì khó có thể phát triển mình. Vì vậy, tôi đã phấn đấu nhiều hơn trong công việc để tạo ra những sản phẩm chất lượng, vừa khẳng định được tay nghề của mình, tạo ấn tượng tốt với DN” - chị Lành bày tỏ.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện lực lượng LĐN làm việc tại các DN có tuổi đời trẻ, đa số là lao động từ các tỉnh, thành khác đến nhập cư. Đây là một trong các lực lượng trực tiếp trong sản xuất công nghiệp của tỉnh. Mong muốn chung của  LĐN là có việc làm ổn định, đảm bảo tiền lương và thu nhập, có nhà ở, nhà giữ trẻ, được học tập nâng cao trình độ; con em tốt nghiệp ra trường có việc làm, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng được bảo vệ.

Với suy nghĩ đó, chị vừa làm, vừa quan sát và đề xuất nhiều sáng kiến giảm bớt công đoạn may hoặc giảm sức lao động cho công nhân như: làm khay bỏ kim may bị hư hỏng, làm những miếng lót chân giúp công nhân thực hiện thao tác may dễ dàng hơn, khuyến khích công nhân làm việc, tăng số lượng sản phẩm để cải thiện thu nhập...

Chị Lành còn vận động công nhân tham gia vào các phong trào của công ty, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện thu nhập. Nhờ đó, nhiều LĐN ngày càng có tay nghề vững, làm việc chuyên nghiệp hơn. Bản thân chị được DN và các cấp Công đoàn khen thưởng vì có nhiều thành tích trong công việc và tham gia các phong trào thi đua sản xuất tại DN.

Nữ công nhân Đàm Thị Thu Trang, làm việc tại Công ty TNHH Công nghiệp Boss Việt Nam (H.Trảng Bom) lại lựa chọn nghề cơ khí vì niềm đam mê của mình. Chị Trang là một trong những “bông hoa” có nhiều thành tích trong công việc tại DN. Trang cho biết, làm việc trong môi trường lao động phần lớn là nam giới, đặc thù công việc suốt ngày đứng máy điều khiển các quy trình tự động, đôi lúc có chút áp lực nhưng với sự kiên trì và mạnh mẽ của bản thân, chị thành công hơn với nghề này.

Theo chị Trang, khi chọn công việc cơ khí, gia đình không ai ủng hộ vì nghĩ công việc nặng nhọc, không hợp với nữ giới. Tuy nhiên, chỉ trong một tuần thử việc, chị đã được DN nhận vào làm việc. Để có thể làm tốt công việc, chị đăng ký học thêm nghề cơ khí vào ngày cuối tuần tại các xưởng gia công cơ khí. Nhờ đó, tay nghề chị ngày một nâng cao. “Từ cắt sắt, khoan ốc, lắp sản phẩm hoàn thiện hay lái xe nâng vận chuyển hàng..., tôi có thể làm được và làm rất nhanh. Vì vậy khi được giao bất kỳ công việc nào, tôi đều nỗ lực hoàn thành tốt để không bị lạc lõng giữa một xưởng cơ khí chỉ toàn nam giới” - chị Trang cho hay.

Ngoài tập trung vào công việc của mình, chị Trang còn thường xuyên đề xuất những ý kiến hay đến quản lý xưởng để công việc trở nên khoa học hơn như: sắp xếp hàng ngăn nắp, tích cực phổ biến các nội quy làm việc, trang bị các biển báo nguy hiểm... để công nhân cảnh giác.

Với những nỗ lực trong công việc, hiện chị Trang đang là lao động kỹ thuật cao tại DN với thu nhập trên 13 triệu đồng/ tháng. Chị Trang cho biết, nếu mình yêu nghề sẽ tìm được nhiều điều thú vị từ nghề cơ khí mà nghề khác không có, đó là sự sáng tạo trong công việc. Từ đó, bản thân sẽ thấy vững vàng với công việc của mình tại DN.

* Tích cực tham gia các phong trào thi đua

Theo Ban Tuyên giáo - nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh, thời gian qua, nhiều LĐN đã phát huy khả năng, tinh thần làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo tại các DN. Ưu điểm nổi bật của họ là đều có tính cần cù, chịu khó, tiếp thu công nghệ mới để ứng dụng vào lao động sản xuất. Nhiều tấm gương đã khắc phục khó khăn, phấn đấu học tập nâng cao trình độ, tay nghề… Nhờ đó, LĐN được phân công vào nhiều vị trí chủ chốt với mức thu nhập cao hơn. Cùng với đó, tích cực tham gia các phong trào thi đua, giúp các DN đạt và vượt kế hoạch sản xuất từng tháng, từng quý và từng năm.

Lao động nữ tại Công ty hữu hạn Boss Việt Nam (H.Trảng Bom) nỗ lực làm việc tốt. Ảnh: Lan Mai
Lao động nữ tại Công ty hữu hạn Boss Việt Nam (H.Trảng Bom) nỗ lực làm việc tốt. Ảnh: Lan Mai

Riêng năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đội ngũ lao động nói chung và LĐN nói riêng đều bị giảm thu nhập, nhưng tinh thần làm việc, cống hiến của họ vẫn không ngừng nghỉ. Chính sự đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất nhanh đã góp phần tạo đà cho DN ổn định sản xuất, có đơn hàng mới, tiếp tục thực hiện mục tiêu sản xuất những tháng cuối năm.

Trưởng ban nữ công Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam (TP.Biên Hòa) Thái Thị Kim Chung cho biết, hiện LĐN tại công ty chiếm 85% trong tổng số lao động làm việc tại DN. Thời gian qua, nhiều LĐN đã hoàn thành xuất sắc công việc được giao, đóng góp nhiều sáng kiến tiết kiệm nguyên liệu cho công ty, đồng thời, hưởng ứng các phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, tăng chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, những đề xuất hợp lý của nhiều LĐN, trong đó có đảng viên nữ trực tiếp sản xuất, góp phần giúp các đoàn thể tại DN hoạt động hiệu quả, thiết thực hơn.

Còn theo chị Mai Thị Hương, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH  Dệt may Eclat Việt Nam (H.Nhơn Trạch), hiện nay đa số lao động nữ làm việc tại công ty đều có việc làm và thu nhập ổn định nhờ những nỗ lực của mình. Để LĐN yên tâm làm việc, cống hiến nhiều hơn, Công đoàn công ty đã tham mưu nhiều chính sách tốt hơn để động viên tinh thần làm việc của họ. Trong đó, có hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ, tiền chuyên cần, tiền nhà ở, đi lại...

“Đặc thù LĐN sau giờ làm còn phải quán xuyến nhiều việc từ nuôi dạy con học hành, nội trợ, tính toán chi tiêu và các khoản phí sinh hoạt nhà trọ, học phí... Tuy vậy, khi đến DN làm việc, họ rất phấn khởi và làm việc hết khả năng của mình. Đây cũng là lực lượng lao động chủ chốt, tạo ra của cải cho DN. Do vậy, thời gian tới, ngoài nhân rộng các điển hình, Công đoàn tiếp tục tham mưu thêm các chính sách mới để LĐN được cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống” - chị Mai Thị Hương chia sẻ.

Lan Mai

Tin xem nhiều