Báo Đồng Nai điện tử
En

Nước Nhật chât vật chống Covid-19

09:07, 17/07/2020

Sau một thời gian dài phòng, chống dịch bệnh Covid-19, có vẻ như xứ sở mặt trời mọc vẫn chưa thể an tâm về đại dịch khi ngày 16-7, thủ đô Tokyo lại "báo động cao nhất" về nguy cơ lây lan dịch Covid-19.

Sau một thời gian dài phòng, chống dịch bệnh Covid-19, có vẻ như xứ sở mặt trời mọc vẫn chưa thể an tâm về đại dịch khi ngày 16-7, thủ đô Tokyo lại “báo động cao nhất” về nguy cơ lây lan dịch Covid-19.

Nước Nhật lại báo động về Covid-19. Ảnh: Reuters, AFP, JapanF
Nước Nhật lại báo động về Covid-19. Ảnh: Reuters, AFP, JapanF

Dấu hiệu nguy hiểm được chính quyền thừa nhận khi số ca lây nhiễm được phát hiện gia tăng chóng mặt. Ngày 16-7, Tokyo ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 kỷ lục nhiều nhất từ trước đến nay trong một ngày (286 ca).

* “Cuộc chiến” chưa hề kết thúc!

Toàn nước Nhật đến nay đã có gần 22 ngàn ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và cả ngàn người bệnh đã thiệt mạng. “Dịch bệnh Covid-19 là một đại dịch đáng sợ. Nó đã lây lan khắp thế giới và nước Nhật cũng ảnh hưởng nhiều” - ông Yasutaka Sakura, một công dân Nhật cư ngụ tại cố đô Kyoto chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần ngày 16-7 trong tâm trạng không khỏi âu lo.

“Dời Olympic thật đáng tiếc”

Khi được hỏi ông và người Nhật có buồn không khi Thế vận hội Olympic Tokyo phải dời sang năm sau 2021 vì dịch bệnh Covid-19, ông Yasutaka Sakura bày tỏ: “Thật là đáng tiếc! Tuy nhiên, tôi nghĩ là không còn cách nào khác hơn trong tình thế này”.

Theo ông Sakura, chính phủ và người dân nước Nhật đã có ý thức phòng, chống Covid-19 rất sớm và từng phát lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp (rồi lại dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp hồi cuối tháng 5). Từ nhiều tháng qua cho đến những ngày gần đây, hầu hết người Nhật khi ra đường đều đeo khẩu trang “trắng toát”. Các biện pháp chống lây lan thông dụng khác như rửa tay thường xuyên, hạn chế ra ngoài… cũng được người Nhật nghiêm túc thực hiện.

Dù vậy, số người trẻ tuổi (từ 20-30 tuổi) nhiễm virus SARS-CoV-2 lại có chiều hướng gia tăng trở lại. Ở thủ đô Tokyo có dân số 14 triệu dân, với cấp độ cảnh báo cao nhất (4/4 cấp độ) đã đưa ra, đồng nghĩa với nguy cơ dịch bệnh có thể lan rộng, người dân được cảnh báo hạn chế tối đa việc đi lại các tỉnh khác. Nguyên do là nhiều thanh niên Nhật đến các khu vui chơi giải trí ban đêm (hộp đêm, karaoke, quán bar…) và lây nhiễm mà không hay biết. Sau đó lây bệnh cho người thân trong gia đình lẫn đồng nghiệp nơi công sở!

Ấy thế mà chính quyền Tokyo chưa yêu cầu đóng cửa các hoạt động kinh doanh hay cấm các sự kiện được tổ chức. Gần đây, chính phủ Nhật Bản cho phép số người tham dự thể thao, âm nhạc và các sự kiện lớn khác được nâng lên 5 ngàn khán giả. Nhiều ý kiến phản đối cũng dấy lên khi tình hình căng thẳng này mà Chính phủ Nhật Bản lại có ý định xúc tiến chiến dịch kích cầu du lịch nội địa mang tên “Go To Travel”, qua đó tài trợ 20 ngàn yên/ngày cho người dân đi du lịch trong nước.

* “Mong được đi du lịch”

“Covid-19 đã khiến việc làm thường ngày của tôi chỉ còn 50%. Dĩ nhiên thu nhập lương bổng cũng theo đó mà vơi đi phân nửa” - ông Yasutaka Sakura cho hay. Trong thời gian này, ông chọn cách giải trí nhẹ nhàng bằng việc đạp xe đi qua các công viên hay đi chụp ảnh đẹp ở vườn bách thảo Kyoto (mùa này hoa nở rất đẹp). Khi ở nhà, ông Sakura lại học và làm nem rán, gỏi cuốn kiểu Việt Nam, uống cà phê gửi từ Việt Nam và ghi âm các ca khúc Việt Nam do ông hát.

Ông Yasutaka Sakura trong một chuyến đến Việt Nam và tham quan TP.HCM bằng xe máy. Ảnh: NVCC
Ông Yasutaka Sakura trong một chuyến đến Việt Nam và tham quan TP.HCM bằng xe máy. Ảnh: NVCC

Là người rất yêu văn hóa Việt Nam, nói sõi tiếng Việt và từng sang Việt Nam tham quan, trải nghiệm nhiều lần, ông Yasutaka Sakura bày tỏ ước mơ hiện tại của mình là được đi du lịch. “Tôi muốn nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường như trước kia và muốn được đi du lịch” - ông nói.

Thông qua việc đọc tin tức và những người bạn Việt, ông Sakura cập nhật thông tin về Việt Nam rất tốt. Ông bình phẩm: “Tôi đánh giá Việt Nam đã chống dịch rất tốt bằng cách áp dụng các biện pháp hạn chế ra ngoài, đóng cửa cửa hàng, hoạt động giải trí, cách ly xã hội từ rất sớm và sau đó là giãn cách xã hội để chống dịch triệt để”.

“Tôi cũng biết về ứng dụng (app) Sức khỏe Việt Nam trên thiết bị di động của Bộ Y tế đã giúp người dân kịp thời cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh” - ông Sakura nói. Ứng dụng Sức khỏe Việt Nam cung cấp thông tin liên quan tới nguy cơ và tình trạng nhiễm Covid-19 cho các đơn vị y tế tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời, góp phần giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm từ các ca bệnh nghi ngờ.

Nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai

Một bé gái Bangladesh dùng nước rửa tay phòng dịch bệnh Covid-19. Ảnh: unhcr.org
Một bé gái Bangladesh dùng nước rửa tay phòng dịch bệnh Covid-19. Ảnh: unhcr.org

Đến trung tuần tháng 7-2020, dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn và tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia khi mỗi ngày có khoảng 200 ngàn ca nhiễm mới và khoảng 5 ngàn người thiệt mạng vì virus.

Một số khu vực, quốc gia trên thế giới diễn tiến theo chiều hướng xấu, đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai sau đợt đầu tiên hồi tháng 3 và 4-2020. Nếu như dịch bệnh giảm ở châu Âu thì lại tăng mạnh ở châu Á (trên 3,1 triệu người nhiễm), cả Bắc Mỹ (đứng đầu thế giới với gần 4,3 triệu ca nhiễm) lẫn Nam Mỹ.

Các biện pháp nới lỏng phòng dịch, khôi phục hoạt động kinh tế và từng bước mở cửa biên giới đang được nhiều nước thực hiện hết sức chậm rãi, thận trọng trong hoàn cảnh Covid-19 vẫn diễn biến quá phức tạp. Một số quốc gia tới thời điểm này lại có ca nhiễm tăng cao nhất.

Toàn cầu đã có khoảng 14 triệu người bị nhiễm SARS-CoV-2 và gần 600 ngàn người qua đời được ghi nhận chính thức. Hiện có 8 triệu ca bệnh được chữa trị khỏi, hồi phục hoàn toàn. Dịch bệnh đã lan đến 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hằng ngày vẫn có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới.

B.Long

Tin xem nhiều