Xuất phát điểm là lao động phổ thông, thợ hồ, thợ điện, cũng có người là cử nhân mới ra trường, nhờ quá trình nỗ lực không ngừng, họ trở thành những người thợ lành nghề, có trình độ kỹ thuật bậc cao, có nhiều sáng kiến cải tiến, tiết kiệm cho doanh nghiệp hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.
Xuất phát điểm là lao động phổ thông, thợ hồ, thợ điện, cũng có người là cử nhân mới ra trường, nhờ quá trình nỗ lực không ngừng, họ trở thành những người thợ lành nghề, có trình độ kỹ thuật bậc cao, có nhiều sáng kiến cải tiến, tiết kiệm cho doanh nghiệp hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.
* Đưa sáng kiến “xuất ngoại”
Đó là cải tiến thay đổi vòi nước rửa tay giúp tiết kiệm khoảng 100 triệu đồng/tháng/nhà máy của anh Nguyễn Gia Thái, nhân viên Công ty CP Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 2). Cải tiến này đang được áp dụng tại hơn 10 nhà máy ở trong và ngoài nước của tập đoàn.
Anh Nguyễn Gia Thái (Công ty CP Taekwang Vina Industrial) bên vòi nước rửa tay dạng hoa sen |
Anh Thái chia sẻ, trước đây, công ty sử dụng vòi nước có van vặn bằng đồng Rumine. Việc đóng và mở van nước lâu nên nhiều công nhân không khóa hết. Hơn nữa mỗi khi vặn, lượng nước chảy ra rất nhiều gây lãng phí. Là người phụ trách lĩnh vực môi trường, anh nghĩ ra cách sử dụng vòi nước phun tia nhỏ dạng hoa sen để đỡ tốn nước. Anh lên mạng tìm kiếm và đặt hàng một doanh nghiệp ở Đài Loan. Từ 3 vòi nước thử nghiệm ban đầu, hơn 1 ngàn vòi nước hoa sen được thay thế tại nhà máy ở KCN Biên Hòa 2. Thấy hiệu quả, công ty đề xuất và chính anh Thái là người đi đến hơn 10 nhà máy của toàn tập đoàn trên thế giới hướng dẫn lắp đặt van tiết kiệm nước.
Không chỉ vững chuyên môn, có nhiều cải tiến hữu ích trong công việc, anh Thái từ chỗ “mù tịt” tiếng Anh nay đã tự tin trao đổi công việc với ngoài nước ngoài ở cả 3 ngôn ngữ: Anh, Hàn, Việt. “Làm việc tại doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, tôi xác định phải nỗ lực rất nhiều. Các chương trình, khóa học công ty tổ chức miễn phí tôi đều tham gia. Tôi sắp xếp thời gian đi học ngoại ngữ buổi tối. Tôi nghĩ, đóng góp cho sự phát triển của công ty cũng là tích lũy kinh nghiệm, kiến thức và cải thiện thu nhập cho bản thân mình” - anh Thái chia sẻ.
* Lấy “bằng nghề” tại công ty
Từ nhiều năm nay, định kỳ 2 năm/lần, Công ty hữu hạn Chế tạo công nghiệp và gia công chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam (VMEP-H.Nhơn Trạch) tổ chức kỳ thi sát hạch tay nghề cho toàn thể người lao động. Vượt qua kỳ thi, nếu được xếp hạng A, mỗi tháng người lao động sẽ được cộng thêm 500 ngàn đồng vào lương, đạt hạng B sẽ được cộng thêm 300 ngàn đồng; trường hợp thi không đạt thì mức lương vẫn giữ nguyên. Kết quả xếp loại này được giữ nguyên trong vòng 2 năm, hết hạn, người lao động đăng ký thi tiếp. Những công nhân được ghi danh chứng nhận tay nghề sẽ là nguồn quy hoạch cho các chức danh tổ trưởng, quản lý, phụ trách kỹ thuật. Tính đến nay, có gần 1 ngàn lượt người vượt qua các cuộc thi tay nghề và đang hưởng phụ cấp từ công ty.
Anh Mai Văn Hải, Tổ trưởng phát triển dự án Công ty hữu hạn Chế tạo công nghiệp và gia công chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam |
Anh Mai Văn Hải, công nhân trưởng thành từ cuộc thi tay nghề cách đây hơn 10 năm chia sẻ, vượt qua kỳ thi sát hạch đối với một lao động phổ thông là điều không đơn giản. Để chuẩn bị cho kỳ thi, giờ tan xưởng, khi mọi người ra về, anh Hải ở lại xử lý các lỗi khó. Những gì không biết, anh nhờ những người thợ đi trước hướng dẫn. Còn phần lý thuyết, anh tự học từ nhiều nguồn, chủ yếu là internet. Vượt qua 3 lần thi tay nghề, anh được chứng nhận tay nghề tương đương bậc 3/7, được cất nhắc lên làm Tổ trưởng phát triển dự án.
Ở vị trí này, anh cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu, đề xuất và phát triển nhiều dòng xe máy tạo nên thương hiệu cho doanh nghiệp, trong đó phải kể đến dòng xe số Sirius. Anh Hải cho rằng, để có được vị trí công việc tốt, mỗi người công nhân phải không ngừng nỗ lực. Học từ đồng nghiệp, từ sách vở, từ các kênh thông tin hữu ích. Khi có tay nghề, người lao động không lo bị mất việc, ngoài ra còn có cơ hội đi làm việc tại nước ngoài với mức lương cao.
Hứng thú với các dự án cải tiến hiệu quả
Chị Lê Thị Thanh Nga, cựu sinh viên chuyên ngành môi trường bắt đầu công việc với vị trí nhân viên tại Công ty CP Bao bì Biên Hòa (Sovi - KCN Biên Hòa 1). Thấy hằng năm, công ty phải dành một khoản tiền không nhỏ để xử lý chất thải, chị đã đề xuất dự án cải tiến giúp giảm thiểu chất thải phát sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Chị Lê Thị Thanh Nga (Công ty CP Bao bì Biên Hòa) kiểm tra khu xử lý chất thải |
Chị Nga chia sẻ, từ năm 2015 trở về trước, tại phân xưởng carton, để xử lý chất thải, công ty phải dùng 2 loại axit có tính độc hại khá cao, vừa gây tốn kém cho doanh nghiệp vừa độc hại với người công nhân. Là nhân viên môi trường, chị đã lập dự án thay thế hóa chất độc hại sang hóa chất an toàn và tiết kiệm nước trong xử lý chất thải.
Trải qua quá trình thử nghiệm, dự án mang lại kết quả khả quan. Năm đầu tiên triển khai, dự án tiết kiệm được hơn 300 triệu đồng tiền nước và 90 triệu đồng tiền hóa chất. Song song với dự án thay đổi hóa chất, chị Nga xây dựng và chủ trì thực hiện thành công dự án tiết giảm chất thải nguy hại phát sinh từ quá trình sản xuất. Kết quả mỗi năm, công ty giảm được gần 150 tấn chất thải nguy hại (giảm 30% so với trước khi thực hiện dự án), từ đó giúp công ty tiết kiệm gần 1 tỷ đồng/năm. Hiện 2 dự án này đang được duy trì tại cả 3 nhà máy của công ty ở 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.
* Nỗ lực trở thành thợ giỏi
Từ mục tiêu đặt ra là sẽ trở thành người thợ giỏi, anh Nguyễn Quốc Trung, Trưởng ca sản xuất Công ty TNHH Hóa chất LG Vina (H.Long Thành) đã quyết tâm lấy được 2 tấm bằng đại học chuyên ngành cơ khí và vận hành máy của Trường đại học Kinh tế TP.HCM và Trường đại học Bách khoa TP.HCM. Quá trình làm việc, anh không ngừng nỗ lực tìm tòi, học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng để khẳng định tay nghề của người thợ giỏi.
Anh Nguyễn Quốc Trung, Trưởng ca sản xuất Công ty TNHH Hóa chất LG Vina trong chuyến công tác tại Hàn Quốc |
Năm 2000, anh Trung bắt đầu công việc tại Công ty TNHH Hóa chất LG Vina với chuyên môn là kỹ sư vận hành máy, người chuyên đi “bắt và trị bệnh” cho những cỗ máy công nghiệp. Bằng những kiến thức học được, anh nhiều lần tham gia đề xuất các ý tưởng, các cải tiến kỹ thuật nhằm cải thiện năng suất hoạt động máy móc, đóng góp ý kiến liên quan đến cách thức quản lý sản xuất, quản lý nhân sự, tổ chức các hoạt động sao cho khoa học và hiệu quả.
Nhiều giải pháp kỹ thuật được anh phát triển mang lại hiệu quả tốt. Trong số đó có cải tiến tần số biến tần từ 46Hz xuống còn 41Hz cho hệ thống làm mát; cải tiến làm giảm thời gian phản ứng, tăng hiệu suất các máy; đề xuất giải pháp cải thiện môi trường làm việc cho công nhân trực tiếp sản xuất. Nhờ những đóng góp tích cực, anh Trung được cất nhắc lên làm Trưởng ca sản xuất nhà máy DOP. Anh nhiều lần được cử sang công ty mẹ ở Hàn Quốc tham dự khóa học vận hành máy để sau đó về hướng dẫn lại cho các đồng nghiệp của mình.
Lê An