Báo Đồng Nai điện tử
En

Phong tục hôn nhân xưa và nay

08:06, 12/06/2020

Phong tục hôn nhân - cưới hỏi là dấu mốc quan trọng của đời người và đồng thời cũng thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc. Tuy vậy, văn hóa là một phạm trù có sự tiếp biến, nên phong tục hôn nhân của mỗi dân tộc luôn có sự chọn lọc, thay đổi cho phù hợp hơn với thời đại mới, trên cái nền của bản sắc truyền thống.

Phong tục hôn nhân - cưới hỏi là dấu mốc quan trọng của đời người và đồng thời cũng thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc. Tuy vậy, văn hóa là một phạm trù có sự tiếp biến, nên phong tục hôn nhân của mỗi dân tộc luôn có sự chọn lọc, thay đổi cho phù hợp hơn với thời đại mới, trên cái nền của bản sắc truyền thống.

Trầu cau là lễ vật không thể thiếu trong mỗi lễ cưới    Ảnh: sưu tầm
Trầu cau là lễ vật không thể thiếu trong mỗi lễ cưới. Ảnh: sưu tầm

* Từ hôn nhân theo ý nguyện gia đình, dòng tộc…

TS Nguyễn Thị Nguyệt, giảng viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM nhận định, hôn nhân của người Việt Nam truyền thống không đơn thuần là việc hai người lấy nhau mà là việc của hai bên cha mẹ, hai dòng họ dựng vợ gả chồng cho con. Từ đó kéo theo việc xác lập quan hệ qua lại giữa hai gia tộc. Bên cạnh đó trong xã hội xưa, giáo dục gia đình thuần theo triết lý của Nho giáo nên hôn nhân luôn đặt trong tình huống Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy.

Tục ngữ Việt Nam có nhiều câu đúc kết vấn đề kén rể, chọn dâu. Chẳng hạn: Lấy vợ xem tông, lấy chồng kén giống, việc đầu tiên không phải là lựa chọn cá nhân cụ thể cho cuộc hôn nhân mà là lựa chọn một gia đình, một dòng họ, xem hai bên có tương xứng không, có môn đăng hộ đối hay không.

Đám cưới hiện đại ngày nay có xu hướng giản lược nhưng luôn phải đảm bảo vấn đề cơ bản là đăng ký kết hôn để pháp luật công nhận, bảo vệ cuộc hôn nhân hợp pháp. Một số cặp đôi là công nhân lao động sống xa quê, không có điều kiện kinh tế, thì có khi tự tổ chức đám cưới và báo hỉ với gia đình, dòng tộc, tổ chức mâm cơm ra mắt tại quê nhà. Một số địa phương còn tổ chức đám cưới tập thể cho các cặp đôi công nhân lao động khó khăn, người khuyết tật…

Tiếp đó, trong xã hội Việt Nam trước đây, nghề nông nghiệp là chủ yếu nên cần nhiều nhân lực. Ông bà xưa rất quan tâm đến năng lực sinh sản, duy trì nòi giống của người phụ nữ. Người ta thường chúc đôi trai gái mới cưới có Con đàn cháu đống; việc chọn dâu cũng theo tiêu chí: Đàn bà thắt đáy lưng ong/ Vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con; hoặc Mua heo chọn nái/ lấy gái chọn dòng…

Ngoài ra, đối tượng được dựng vợ gả chồng còn phải có trách nhiệm mang lại các lợi ích cho gia đình. Con rể phải mang về vẻ vang, hãnh diện cho gia đình vợ, và ngược lại con dâu phải đảm đang, quán xuyến cho gia đình chồng: Chồng sang vợ được đi giày/ Vợ ngoan chồng được tối ngày cậy trông.

Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa, gia đình ở xã hội Việt Nam truyền thống không tách rời khỏi làng và nước, mà ngược lại “nhà - làng - nước” là một thể thống nhất, có mối liên hệ chặt chẽ. Một trong những ví dụ cụ thể cho mối liên hệ này trong lĩnh vực hôn nhân là tục nộp cheo: Nuôi lợn thì phải vớt bèo/ Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng; hoặc Lấy vợ không  cheo/ Tiền gieo xuống đất…

Như vậy, khi đôi trai gái lấy nhau phải nộp cho làng một khoản lệ phí gọi là cheo mới được làng xã công nhận khoản cheo này để làng xã dùng vào những việc chung, công ích. Đa phần tục nộp cheo phổ biến ở miền Bắc hơn vì tính cộng đồng mạnh mẽ được cố kết bởi những lũy tre làng. Còn ở phương Nam, đặc thù có nhiều kênh rạch bao quanh đã hình thành tính mở của làng. Việc nộp cheo không thể hiện rõ ràng như ở miền Bắc. Tuy vậy, khi nghiên cứu, tìm hiểu về di sản văn hóa làng xã ở xã Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch, TS Nguyễn Thị Nguyệt cho biết ở xã Hiệp Phước xưa có tổ chức lễ lạy làng trong hôn nhân, thể hiện trách nhiệm của gia đình tổ chức hôn nhân đó đối với làng.

Nhìn rộng ra, hầu hết các cuộc hôn nhân xưa đều làm theo ý nguyện của cộng đồng, vì lợi ích của quốc gia như: cuộc hôn nhân đi vào lịch sử của Mỵ Châu - Trọng Thủy, công chúa Huyền Trân - vua Chàm Chế Mân…, hay ở phạm vi nhỏ hơn ở các gia tộc là vô số những cuộc hôn nhân của thường dân.

* … Đến tự do hôn nhân

Ngày nay, quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, được tôn trọng và thực hiện theo quy định của pháp luật, với các luật cụ thể như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới… Khác với trước đây Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, thì ngày nay theo Luật Hôn nhân và gia đình, nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị mất năng lực hành vi dân sự, việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn, thì được tự nguyện quyết định trong việc kết hôn.

Các cặp đôi rước dâu bằng xe xích lô, trong tà áo dài truyền thống. Ảnh: TTXVN
Các cặp đôi rước dâu bằng xe xích lô, trong tà áo dài truyền thống. Ảnh: TTXVN

Nhà nước có chính sách, biện pháp bảo hộ hôn nhân và gia đình, tạo điều kiện để nam, nữ xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và thực hiện đầy đủ chức năng của mình; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình; vận động nhân dân xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc.

Dưới góc nhìn văn hóa, TS Nguyễn Thị Nguyệt nhận định rõ ràng việc tự do yêu và tự do hôn nhân là sự tiến bộ của xã hội, nhưng nếu quan niệm tự do hôn nhân một cách thái quá cũng sẽ trở thành một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “sống thử” để lại nhiều hệ lụy, nhất là trong giới sinh viên, hoặc công nhân lao động.

Ngoài ra, ngày nay, hôn nhân được hiểu thiên về chuyện cá nhân, riêng tư của mỗi người nhiều hơn trước nên một số tục lệ được điều chỉnh để phù hợp với thực tế. Cụ thể như lễ lạy làng ở xã Hiệp Phước đã được chuyển đổi thành lễ gia tiên, thường tổ chức vào đêm trước ngày rước dâu về nhà chồng. Hoặc việc xem tuổi xem đôi trai gái có hợp với nhau hay không, người con dâu tuổi có xung khắc với gia đình chồng hay không, xem ngày tốt để tổ chức các nghi lễ… vốn dĩ trước đây rất được coi trọng, nay không còn đặt nặng như trước nữa. Những ngày cưới thường được tổ chức vào dịp cuối tuần để tạo thuận lợi cho người tổ chức và tham dự lễ cưới, một số cặp vợ chồng tuy không hợp tuổi vẫn tiến đến hôn nhân và sống hạnh phúc với nhau… 

* Gìn giữ các giá trị văn hóa

Để cho quan hệ vợ chồng đời đời bền vững, theo sách Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của GS-TS Trần Ngọc Thêm thì khi cưới, đôi vợ chồng trẻ thời Hùng Vương có tục trao cho nhau nắm đất và gói muối. Nắm đất tượng trưng cho lời nguyền gắn bó với đất đai - làng xóm - quê hương; gói muối là lời chúc cho tình nghĩa giữa cặp vợ chồng thêm mặn mà chung thủy.

Trong đồ lễ vật của đám cưới ngày nay tuy không dùng đất và muối nhưng cũng luôn có một loại bánh rất đặc biệt có ý nghĩa là bánh su sê. Loại bánh được đọc chệch đi của từ phu thê - mang nghĩa vợ chồng. Bánh làm bằng bột lọc, nhân gồm đường, dừa, đậu xanh, rắc thêm mè, được nắn hình tròn, đặt trong một hộp vuông làm bằng lá dứa úp khíp vào nhau. Bánh su sê với hình vuông tròn như một biểu tượng của triết lý âm dương, biểu tượng của sự hòa hợp, vẹn toàn…

Trong phong tục hôn nhân của người Việt, trải qua hàng ngàn năm vẫn luôn có sự hiện diện của trầu cau - một biểu tượng văn hóa đặc biệt của dân tộc ta, thể hiện của sự mặn nồng trong các lễ cưới. Hình ảnh cây cau vươn cao là biểu tượng của trời, vôi lấy từ đá là biểu tượng của đất, dây trầu quấn quýt lên thân cây tạo nên sự hòa hợp, trở thành biểu tượng của tình yêu đôi lứa: Thưa rằng bác mẹ đã răng/ Làm thân con gái chớ ăn trầu người; hoặc Có trầu mà chẳng có cau/ Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm; hay Em về, anh  gởi buồng cau/ Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy…

Đáng chú ý, dù tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng trang phục cưới truyền thống của cô dâu Việt không bao giờ thiếu tà áo dài. So với áo dài thường, áo dài cưới được may với loại vải có chất liệu cao cấp hơn, màu sắc cũng tươi sáng, rực rỡ hơn như: màu đỏ, vàng, hồng, trắng… Một số áo dài cưới được may cầu kỳ, cách điệu cho phù hợp với xu hướng thời trang, nhưng chung quy vẫn giữ được những nét cơ bản của tà áo dài, tôn vinh sự duyên dáng, nữ tính của người mặc nó. Trong một số đám cưới, chú rể cũng diện trang phục áo dài, đồng bộ với cô dâu.

Lâm Viên

Tin xem nhiều