Từng là thầy giáo, rồi đi xuất khẩu lao động ở châu Phi, trở về trắng tay do nước bạn gặp nội chiến, thế nhưng 10 năm sau anh Bùi Đức Vĩnh, ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa đã trở thành ông chủ của chuỗi 17 cửa hàng, siêu thị điện máy Gia Vĩnh ở Đồng Nai và một số tỉnh, thành khác.
Anh Bùi Đức Vĩnh trong chương trình CEO - Chìa khóa thành công |
Từng là thầy giáo, rồi đi xuất khẩu lao động ở châu Phi, trở về trắng tay do nước bạn gặp nội chiến, thế nhưng 10 năm sau anh Bùi Đức Vĩnh, ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa đã trở thành ông chủ của chuỗi 17 cửa hàng, siêu thị điện máy Gia Vĩnh ở Đồng Nai và một số tỉnh, thành khác.
Hành trình từ chàng trai Bùi Đức Vĩnh của 10 năm về trước với quyết định vào Nam lập nghiệp bằng cách bán đi chiếc áo khoác với giá 500 ngàn đồng lấy tiền đi xe và ông chủ Bùi Đức Vĩnh ngày nay là cả một câu chuyện dài nhiều trải nghiệm.
Chiếc áo khoác 500 ngàn đồng và câu chuyện “Nam tiến”
* Thật ấn tượng khi hiện nay Gia Vĩnh đã trở thành chuỗi với 17 cửa hàng. Anh “bén duyên” với nghề cung ứng sản phẩm điện máy từ khi nào?
- Có lẽ là khoảng 10 năm trước. Lúc đó tôi mới từ Thanh Hóa vào Đồng Nai làm công nhân trong các công ty. Đến TP.HCM chơi, vào các trung tâm thương mại, điện máy, thấy sự hào nhoáng, hiện đại nên tôi rất thích thú. Thế rồi ngày nghỉ cuối tuần tôi thường rong ruổi khắp phố xá để quan sát, trong đầu luôn đặt câu hỏi “Tại sao họ làm được mà mình không làm được?”. Tôi nghĩ rằng sẽ có một ngày, có một ngày mình sẽ làm được như họ, xây dựng các trung tâm điện máy cho riêng mình, cung ứng sản phẩm tốt nhất cho khách hàng.
* Nhưng chuyện ước mơ và khả năng thực hiện là hai vấn đề khác nhau. Vì sao anh quyết tâm như vậy?
- Mười mấy năm trước đây, tôi từng theo nghề sư phạm nhưng rồi cuối cùng lại tập tành theo bạn bè làm kinh doanh. Lúc đó chúng tôi đã gầy dựng được một cửa hàng buôn bán điện thoại di động ở Hà Nội rồi lại dồn vốn liếng sang nước Cộng hòa Angola buôn bán vật liệu xây dựng, quyết “liều một phen” để “đổi đời”. Nhưng chỉ sau 3 tháng, đất nước Angola lâm vào nội chiến. Chúng tôi buộc phải ra về với đôi bàn tay trắng, mất luôn cả số tiền dành dụm được.
Thất nghiệp, với một thanh niên trai tráng dù trong hoàn cảnh nào cũng là một sự hổ thẹn. Có lúc tôi một mình đạp xe giữa đêm gần 50km mà không biết đi đâu, về đâu. Gió lạnh táp vào mặt càng khiến quyết tâm trong tôi bùng cháy. Hoàn cảnh bức bách, lúc đó tôi quyết tâm đi vào miền Nam để kiếm việc làm. Tôi bán chiếc áo khoác của mình được 500 ngàn đồng, làm lộ phí để xây dựng lại ước mơ, như bạn thấy, Đồng Nai là nơi tôi gắn bó đến bây giờ, từ con số 0.
CEO Bùi Đức Vĩnh, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Điện máy nội thất Gia Vĩnh sinh năm 1984. Anh hiện là khách mời thường xuyên của chương trình CEO - Chìa khóa thành công của Đài Truyền hình Việt Nam. Hiện Gia Vĩnh có 17 trung tâm điện máy ở Đồng Nai, Thanh Hóa, Đắk Lắk và sắp tới sẽ mở rộng ra khu vực Đông Nam bộ. |
* Trung tâm đầu tiên của anh được lập như thế nào?
- Năm 2010, sau một thời gian đi làm và dành dụm được số vốn nhỏ, cùng với vay mượn bạn bè, tôi đầu tư trung tâm đầu tiên ở khu vực P.Long Bình. Nói trung tâm cho sang thế thôi chứ thực chất là cửa hàng điện máy nhỏ, chuyên phục vụ anh chị em công nhân lao động. Sản phẩm cũng đơn giản, từ bếp gas, nồi cơm điện, đồ gia dụng và một số đồ điện tử.
Tối tối, tôi đi học sửa chữa đồ điện, ban ngày thì đạp xe khắp nơi tham khảo giá cả thị trường. Để có khách, phải dành thời gian trò chuyện, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ, đồng thời đưa ra chính sách hấp dẫn về giá. Sản phẩm chất lượng, dịch vụ hậu mãi tốt, khách hàng giới thiệu nhau đến với cửa hàng đông hơn nên tôi tin vào con đường mình đã chọn.
* Số trung tâm điện máy của Gia Vĩnh sau 10 năm đã lên tới 17, không phải chỉ là cửa hàng nhỏ nữa mà có những trung tâm rộng hàng ngàn mét vuông. Chiến lược phát triển của anh ra sao?
- Do là “tân binh” nên tôi xác định vùng ven đô, khu dân cư, đô thị mới chính là thị trường tiềm năng của mình. Điều này giúp thương hiệu mới và còn non trẻ tránh được sự cạnh tranh trực diện ở thị trường trung tâm thành phố với các doanh nghiệp lớn. Tuy có vẻ đơn giản nhưng nó đang mang lại thành công.
Thực tế cho thấy, các trung tâm điện máy đều đẹp và sang. Nhưng nếu muốn dấn thân vào lĩnh vực này thì không thể làm theo cách mà các trung tâm điện máy lớn đang làm. Tiền thuê mặt bằng ở vị trí đắc địa, trung tâm thành phố rất cao, chưa kể chi phí cho nhân công và các khoản khác sẽ khiến mình không kham nổi. Do đó, thị trường “ngách” là phương án mà tôi tính đến.
Càng làm càng phát triển dần lên, Điện máy Gia Vĩnh đã có mặt ở Đồng Nai, Thanh Hóa, Ninh Bình, Đắk Lắk, Nam Định với 17 cơ sở, trong đó số cửa hàng ở Đồng Nai chiếm hơn phân nửa. Nếu không có đại dịch Covid-19, thì kế hoạch của Gia Vĩnh là có 20 cửa hàng trong nửa đầu năm 2020 và tiếp tục mỗi năm mở thêm 5 cửa hàng, trung tâm mới.
Anh Bùi Đức Vĩnh tư vấn cho khách hàng lựa chọn sản phẩm tại một trung tâm điện máy của Gia Vĩnh |
Giấc mơ xây dựng thương hiệu lớn
* Cho tới hiện tại, bài học nào mà anh cảm thấy mình lĩnh hội được nhiều nhất trong quãng thời gian kinh doanh đã qua?
- Vốn dĩ, tôi là một người có bản tính hơi “ngông”, kinh doanh cũng nhiều lúc gặp khó tưởng chừng như phải bỏ cuộc. Ai cũng khuyên tôi nên an phận làm công nhân chứ không nên kinh doanh nữa, kẻo vốn liếng đổ vào khi thất bại sẽ mất sạch. Nhưng với tôi, ý chí, quyết tâm tìm ra con đường ngay cả khi khó khăn nhất rất quan trọng. Nếu không có ý chí, ngay từ đầu bạn không thể làm được việc gì lớn lao cả.
Rõ ràng, phần thưởng sẽ được dành cho người luôn bền gan, quyết chí. Tôi sinh ra trong gia đình nhà giáo, nhưng sự khuôn khổ của gia đình lại luôn khơi lên trong tôi khát vọng bứt phá. Một điều quan trọng nữa là bạn phải luôn luôn tự học hỏi, nâng cấp bản thân mình. Học từ những người thành công để trong một số hoàn cảnh, bản thân có thể giải quyết được sự việc một cách bản lĩnh.
* Có lẽ cũng chính vì vậy mà anh tham gia chương trình CEO - Chìa khóa thành công trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam?
- Đây là chương trình rất uy tín, có nhiều năm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp. Hằng tháng, tôi được gặp gỡ, làm việc với các vị chuyên gia, ông chủ của những tập đoàn lớn và nghe lời khuyên từ họ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có cơ hội học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, thậm chí tìm kiếm khách hàng, đối tác trong chương trình này. Bạn còn được nâng tầm và lan tỏa tên tuổi, thương hiệu cá nhân và công ty, được trải nghiệm những bài toán sát với thực tế, thử thách để trưởng thành cùng các kỳ workshop và các hoạt động online, offline...
Mới đây, tôi đã vinh dự là nhân vật để chia sẻ, kể về thương hiệu quá trình khởi nghiệp của mình với “những câu chuyện thật” của đời mình.
* Quay trở lại với chuỗi siêu thị, điện máy của mình, hướng đi sắp tới của anh như thế nào?
- Tầng lớp dân cư trung lưu, trẻ tuổi đang ngày càng gia tăng nhanh, điện máy Gia Vĩnh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và lĩnh vực đầu tư để phục vụ nhu cầu đó. Dù quy mô hệ thống có mở rộng nhanh nhưng bài học cốt lõi vẫn là từ sự thành công khi tấn công vào thị trường “ngách”. Để phát triển cao hơn, phải xây dựng chiến lược bài bản, chuyên nghiệp cả về quản trị hệ thống lẫn đào tạo con người, huy động nguồn lực.
Từ năm 2020, vị thế của Gia Vĩnh có thể sẽ khác bởi chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc mở rộng hệ thống của mình ra các tỉnh, thành phố khác. Chúng tôi đã ký kết với một số chủ đầu tư góp vốn mở thêm các cửa hàng khác, nhưng trước mắt, tôi hy vọng kinh tế sẽ sớm hồi phục sau dịch bệnh.
* Xin cảm ơn anh!
Đào Lê (thực hiện)