Báo Đồng Nai điện tử
En

Lao động tự do chật vật mưu sinh

03:10, 17/10/2022

Sau 2 năm sống chung với dịch bệnh Covid-19, nhiều lao động tự do vẫn chật vật mưu sinh do giá cả hàng hóa leo thang, trong khi việc làm ít, thu nhập giảm khiến cuộc sống của họ vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.

Sau 2 năm sống chung với dịch bệnh Covid-19, nhiều lao động tự do vẫn chật vật mưu sinh do giá cả hàng hóa leo thang, trong khi việc làm ít, thu nhập giảm khiến cuộc sống của họ vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.

Bà Vũ Thị Huyền, ở trọ tại P.An Bình (TP.Biên Hòa) làm thêm nghề phơi cơm khô ngoài nghề bán vé số để có thêm thu nhập. Ảnh: L.MAI
Bà Vũ Thị Huyền, ở trọ tại P.An Bình (TP.Biên Hòa) làm thêm nghề phơi cơm khô ngoài nghề bán vé số để có thêm thu nhập. Ảnh: L.MAI

Bà Vũ Thị Huyền (quê Thái Nguyên), mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo cho hay, đại dịch khiến nhiều lao động tự do không có thu nhập, thậm chí mất việc làm. Hiện dù đã trở lại với công việc bình thường nhưng nhiều người vẫn phải bươn chải đủ nghề mới đủ sống.

Chật vật mưu sinh

Hơn 30 năm gắn bó với mảnh đất Đồng Nai và làm nghề bán vé số nhưng chưa lúc nào bà Huyền cảm thấy nghề này lại vất vả như hiện nay. Bà Huyền cho biết, sau đại dịch, không chỉ nghề bán vé số mà một số ngành nghề lao động tự do cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Người lao động phải chi tiêu tiết kiệm mới đủ sống và bám trụ với nghề.

Anh Lê Văn Đức cho biết, thời gian qua, lao động tự do cảm thấy rất ấm lòng khi nhận được sự hỗ trợ của địa phương để vượt qua khó khăn. Anh chỉ mong mọi sinh hoạt trở về quỹ đạo cũ, giúp lao động nghèo có việc làm, có thu nhập đều đặn để cuộc sống không còn đối diện cảnh thiếu trước, hụt sau.

Bị liệt 2 chân từ nhỏ, lại không chồng con, hàng ngày một mình bà Huyền ngồi xe lăn đến bán vé số tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Tuy nhiên, hiện địa điểm bán vé số của bà không được phép đứng bán nên bà phải ngồi xe lăn đi bán dạo. “Trước đây, thu nhập bán vé số của tôi được hơn 100 ngàn đồng/ngày. Hiện tại, do sức khỏe yếu và người mua vé số giảm nên thu nhập không được như trước. Tôi sống nhờ vào sự hỗ trợ của địa phương và các mạnh thường quân. Mong rằng nghề bán vé số tới đây sẽ ổn định hơn” - bà Huyền chia sẻ.

Anh Lê Văn Đức (quê Thanh Hóa), mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm công nghệ ở Đồng Nai gần 3 năm nay. Từ đầu năm đến nay, thu nhập từ nghề này của anh cũng không mấy khấm khá, thậm chí có tháng thu nhập không đủ tiền trả nhà trọ và các khoản sinh hoạt. Anh Đức cho hay, sau dịch, tưởng rằng nghề này sẽ khởi sắc hơn thì lại gặp cảnh xăng tăng, một cuốc chở khách trừ thuế và chi phí khác, thu nhập còn lại không đáng bao nhiêu.

Trước đây, mỗi ngày chạy xe, anh kiếm được từ 200-250 ngàn đồng, nhất là những ngày cuối tuần anh làm không hết việc, thu nhập đủ lo cho gia đình. Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, thu nhập anh ngày có, ngày không. Theo anh Đức, có ngày anh không chạy được cuốc nào nhưng vẫn phải ra đường ngồi đợi vì sợ mất mối, mất khách. Bản thân anh là lao động chính nên nếu không làm thì không biết lấy gì trang trải. Nhiều hôm, dù chạy những cuốc nội thành Biên Hòa với số tiền ít ỏi nhưng anh vẫn nhận vì đó là nghề mưu sinh anh đã chọn.

Anh Trần Chiến, quê Hà Tĩnh, có 15 năm chạy xe ôm tại Bến xe Đồng Nai cho biết, gần 1 tuần nay, anh nghỉ ở nhà do xăng mua khó, khách đi xe ôm giảm. Anh Đức mong rằng, những tháng cuối năm, nguồn xăng sẽ dồi dào hơn để những lao động chạy xe như anh không còn thấp thỏm gặp cảnh thiếu xăng hoặc xăng tăng giá.

Mong Tết có tiền về quê

Hiện nay, nhiều lao động tự do khác cũng đang phải gồng mình kiếm kế sinh nhai. Họ đa phần không được đào tạo nghề, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, không được chi trả các chế độ phụ cấp và bảo hiểm xã hội...

Lao động nghề phụ hồ làm việc cả buổi trưa để mong có thêm thu nhập
Lao động nghề phụ hồ làm việc cả buổi trưa để mong có thêm thu nhập

 Đều quê ở Sóc Trăng, vợ chồng chị Lê Thị Minh và anh Trần Xuân Dẫu gửi 3 con cho ông bà ngoại để lên Đồng Nai lập nghiệp với nghề thợ hồ nhưng cuộc sống vẫn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Hai năm qua, dịch bệnh phức tạp, vợ chồng anh về quê cùng các con tránh dịch. Đầu năm nay, họ trở lại Đồng Nai để tiếp tục mưu sinh. Để có thu nhập, cả 2 vợ chồng ngoài làm phụ hồ thì ai thuê gì làm đó. Chị Minh bộc bạch: “Bươn chải vất vả nhưng chúng tôi vẫn thiệt thòi vì không có bảo hiểm và chế độ khác. Đồng lương lấy theo ngày phải chia từng phần chi tiêu cho hợp lý mới đủ gửi về quê nuôi con. Chỉ mong tết này, công việc thuận lợi để có tiền về quê đón tết cùng các con”.

Để chia sẻ một phần khó khăn cho lao động tự do gặp khó khăn, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động tự do gặp khó khăn, mất việc làm. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã vận động nhiều tổ chức, cá nhân tặng nhu yếu phẩm, vận động miễn và giảm tiền thuê phòng trọ cho họ.

Ông Lê Văn Luyện, chủ nhà trọ tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) cho hay, dãy trọ của ông có 78 phòng với hơn 120 lao động đang sinh sống. Trong đó, 60% là lao động tự do làm nhiều nghề. Năm ngoái có hơn 30 lao động đã lựa chọn về quê sinh sống. Số còn lại làm nghề chạy xe ôm, bán hàng rong… Hiện nhiều người do khó khăn, thu nhập giảm, thậm chí không có thu nhập nên vẫn nợ tiền thuê trọ. Ông vẫn thường xuyên đến phòng trọ động viên họ vượt qua giai đoạn khó khó nay với hy vọng sang năm 2023, việc làm, đời sống của người lao động tự do sẽ tốt hơn.

Lan Mai

Tin xem nhiều
Khám phá tin tuyển dụng mới nhất