Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ công nhân vay vốn, chặn "tín dụng đen"

03:08, 24/08/2022

Từ đầu năm đến nay, nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở (CĐCS) tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh trở thành nạn nhân của "tín dụng đen" do người lao động (NLĐ) vay tiền bên ngoài nhưng không đủ khả năng chi trả. Nhiều cán bộ Công đoàn, công nhân đã bị các đối tượng cho vay gọi điện khủng bố, đe dọa để ép trả nợ.

Từ đầu năm đến nay, nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở (CĐCS) tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh trở thành nạn nhân của “tín dụng đen” do người lao động (NLĐ) vay tiền bên ngoài nhưng không đủ khả năng chi trả. Nhiều cán bộ Công đoàn, công nhân đã bị các đối tượng cho vay gọi điện khủng bố, đe dọa để ép trả nợ.

Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) đẩy mạnh hỗ trợ công nhân vay vốn, cải thiện đời sống và ngăn chặn “tín dụng đen”. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Pousung Việt Nam trong giờ làm việc
Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) đẩy mạnh hỗ trợ công nhân vay vốn, cải thiện đời sống và ngăn chặn “tín dụng đen”. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Pousung Việt Nam trong giờ làm việc

Anh T.V.D, Phó chủ tịch CĐCS một DN ở H.Trảng Bom cho biết, anh từng bị các đối tượng cho vay “tín dụng đen” khủng bố đến mất ăn, mất ngủ do công nhân công ty vay tiền bên ngoài. Thậm chí, hình ảnh của anh và gia đình được các đối tượng cắt ghép để bôi nhọ danh dự trên các trang mạng xã hội.

Nhiều hệ lụy từ “tín dụng đen”

Theo anh D., để giúp NLĐ tránh xa “tín dụng đen”, nhiều năm qua, Công đoàn công ty đã liên hệ với các tổ chức tài chính và ngân hàng uy tín hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi để cải thiện đời sống. Tuy nhiên, nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết đã vay “tín dụng đen” bên ngoài mà không tìm hiểu kỹ về lãi suất. Khi không còn khả năng chi trả, người vay bị các đối tượng cho vay gọi điện đe dọa và cán bộ Công đoàn cũng bị liên lụy.

Một trong những nhiệm vụ được các cấp Công đoàn Đồng Nai tập trung từ nay đến cuối năm là giám sát chặt chẽ các chính sách liên quan đến NLĐ như: tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn giữa ca, nhà ở, nhà trẻ… Đặc biệt, đẩy mạnh hỗ trợ vay vốn ở những kênh chính thống để giúp NLĐ cải thiện đời sống.

Tương tự, anh H., cán bộ Công đoàn lâu năm tại một công ty sản xuất giày ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 cho hay, cách đây vài tháng, Ban chấp hành CĐCS, kế toán trưởng và phòng nhân sự công ty đều trở thành nạn nhân của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” vì công nhân của công ty vay tiền nhưng mất khả năng chi trả. “Cứ 3 phút, các đối tượng nhá máy, gọi điện một lần. Liên tục nhiều tuần như thế, tôi và nhiều nhân sự trong công ty không làm việc được. Khi chúng tôi chặn số thì họ lấy số khác gọi. Thậm chí, vợ, con của các cán bộ Công đoàn công ty cũng bị các đối tượng đưa lên Facebook để bêu rếu, bôi nhọ danh dự nhằm ép trả tiền cho công nhân” - anh H. bức xúc nói.

Các cán bộ Công đoàn cho rằng, giải pháp tốt nhất để NLĐ tránh xa được “tín dụng đen” là cần tạo nguồn vốn an toàn cho họ vay để giải quyết những nhu cầu cấp thiết của họ. Thực tế, các hình thức cho vay nặng lãi bên ngoài, NLĐ dễ tiếp cận, thủ tục cho vay rất dễ dàng, không đòi hỏi chứng minh thu nhập hay ràng buộc các điều kiện khác, chỉ cần cung cấp số điện thoại liên hệ của người thân. Tuy nhiên, công nhân khi vay không cung cấp số điện thoại của người nhà mà lại cung cấp số điện thoại của cán bộ Công đoàn hoặc kế toán trong DN. Do đó, cả Công đoàn và nhân viên của DN đều trở thành nạn nhân của “tín dụng đen”.

Tăng cường hỗ trợ công nhân vay vốn

Để ngăn chặn “tín dụng đen” trong công nhân, mới đây bà Trần Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã làm việc với LĐLĐ tỉnh và các DN nhằm khảo sát, lấy ý kiến của công nhân, cán bộ Công đoàn và DN về hỗ trợ tín dụng, cách thức tiếp cận, việc đăng ký, sử dụng các sản phẩm tín dụng… Từ đó, tổ chức Công đoàn sẽ làm cơ sở thiết kế các sản phẩm hỗ trợ tín dụng cho công nhân vay vốn với lãi suất ưu đãi để cải thiện cuộc sống, hạn chế vay “tín dụng đen”.

Theo bà Trần Thanh Hà, thời gian qua, nhiều cán bộ CĐCS phản ảnh, lợi dụng những khó khăn về tài chính của công nhân, nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” tìm đến các khu công nghiệp với nhiều chiêu thức, được quảng cáo công khai, rộng rãi. Nếu NLĐ không tỉnh táo rất dễ mắc bẫy và vay vốn dẫn đến đi làm không đủ lương để chi trả. Từ bất cập trên, CĐCS cần đẩy mạnh tuyên truyền, giúp công nhân hiểu cặn kẽ về sự nguy hiểm của nạn “tín dụng đen” để chủ động phòng ngừa.

Ngoài ra, các cấp Công đoàn cần kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân; chủ động hỗ trợ vay vốn đối với những người đang thực sự khó khăn về tài chính. Trường hợp công nhân gặp khó khăn đột xuất, CĐCS cần đề nghị DN có giải pháp hỗ trợ phù hợp hoặc đứng ra giới thiệu và bảo lãnh cho NLĐ vay tại các tổ chức tín dụng hợp pháp. Ở những nơi có “tín dụng đen” hoạt động, Công đoàn cần phối hợp với cơ quan chuyên môn xây dựng giải pháp cụ thể bảo vệ NLĐ.

Để giúp NLĐ có địa chỉ tin cậy để vay vốn, bà Trần Thanh Hà cho hay, trên cơ sở hợp tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ký kết với các đối tác tài chính hỗ trợ NLĐ vay vốn, các cấp Công đoàn chủ động phối hợp triển khai ở địa phương, đơn vị, kết nối để các ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp tiếp cận cung cấp dịch vụ phù hợp với NLĐ, từ đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn về tài chính cho họ. Ngoài ra, các cấp Công đoàn phổ biến rộng rãi tới NLĐ về gói vay 20 ngàn tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo triển khai phục vụ NLĐ. Đồng thời, kết nối đầu mối cho vay để NLĐ không phải tìm đến “tín dụng đen”.

Thảo My

Tin xem nhiều