Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiến nghị bổ sung đối tượng lao động được hưởng gói an sinh

11:09, 20/09/2021

Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa có kiến nghị gửi Chính phủ, Bộ LĐ-TBXH về việc sửa đổi, bổ sung gói an sinh 26 ngàn tỷ đồng nhằm thêm đối tượng lao động thụ hưởng và rút ngắn các thủ tục để hỗ trợ kịp thời cho người lao động (NLĐ) gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa có kiến nghị gửi Chính phủ, Bộ LĐ-TBXH về việc sửa đổi, bổ sung gói an sinh 26 ngàn tỷ đồng nhằm thêm đối tượng lao động thụ hưởng và rút ngắn các thủ tục để hỗ trợ kịp thời cho người lao động (NLĐ) gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Đại diện Liên đoàn Lao động H.Thống Nhất tặng quà cho công nhân bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19
Đại diện Liên đoàn Lao động H.Thống Nhất tặng quà cho công nhân bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: L.Mai

Trong đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị bổ sung nhóm lao động chưa được ký hợp đồng lao động và chưa tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) vào diện hỗ trợ; mức hưởng như với lao động tự do. Nếu thông qua, nhóm này hưởng không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người hoặc 50 ngàn đồng/ngày/người.

* Chia sẻ khó khăn với NLĐ

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp đã làm cho 2 triệu công nhân lao động bị mất việc, nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên. Để kịp thời chăm lo cho NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ và chỉ đạo các cấp Công đoàn tích cực vào cuộc để động viên, thăm hỏi, tặng quà, chuyển nhu yếu phẩm khẩn cấp cho NLĐ. Hệ thống Công đoàn đã chi hơn 2 ngàn tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ gặp khó khăn lẫn công nhân đang thực hiện “3 tại chỗ”. Song mức hỗ trợ đó là chưa đủ khi dịch bệnh lan rộng và nhiều tỉnh, thành kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 2-3 tháng.

Về gói hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng do dịch bệnh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tính đến ngày 11-9, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nhận được báo cáo của 27 LĐLĐ tỉnh, thành phố về việc triển khai thực hiện hỗ trợ cho 1,16 triệu công nhân lao động với số tiền hỗ trợ trên 1.677 tỷ đồng. Hơn 170 doanh nghiệp (DN) được giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số tiền 1.068 tỷ đồng. Các chính sách chi tiền mặt trực tiếp cho lao động còn thấp, như mới hỗ trợ hơn 80 ngàn lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương và gần 19 ngàn lao động ngừng việc. Cùng với đó, hỗ trợ cho 288 lao động mất việc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Để Nghị quyết 68 phát huy tác dụng trong việc hỗ trợ kịp thời NLĐ và DN, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung đối tượng NLĐ chưa được ký hợp đồng lao động, chưa được tham gia BHXH được quan tâm hỗ trợ như đối tượng lao động tự do. Việc hỗ trợ phải được kịp thời để giảm bớt khó khăn cho NLĐ. Ngoài ra, đề nghị bổ sung các đối tượng là viên chức, NLĐ trong các đơn vị sự nghiệp công khác như: nhà khách, trung tâm văn hóa, cơ sở đào tạo nghề… cũng được hưởng gói hỗ trợ trên.

Theo Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thị Thanh Hà, hiện nhiều NLĐ chưa được tham gia BHXH đầy đủ, hoặc đã đóng nhưng DN nợ bảo hiểm khiến họ không thể nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Trong hoàn cảnh ấy, NLĐ bị mất quyền lợi BHXH trợ cấp an sinh nên cần được hỗ trợ sớm để đảm bảo cuộc sống.

Với nhóm lao động ngừng việc, quy định hiện hành nêu họ được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người song phải đáp ứng điều kiện vừa bị ngừng việc, vừa phải cách ly y tế hoặc trong các khu phong tỏa từ 14 ngày trở lên. Do đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị sửa đổi Điều 17 Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo hướng NLĐ khi bị ngừng việc từ 14 ngày trở lên được hỗ trợ mà không cần thêm điều kiện là tại các DN trong vùng phong tỏa, cách ly y tế hoặc tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước.

Ngoài sửa đổi gói an sinh, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các cơ quan tháo gỡ khó khăn trong giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ.

Các cấp Công đoàn phản ánh, nhiều địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 nên không tiếp nhận hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp; thủ tục yêu cầu phải có bản chính hoặc bản sao công chứng một số giấy tờ. Nhiều NLĐ không thể đến công ty lấy giấy tờ, sổ bảo hiểm hoặc ra ngoài để làm hồ sơ. Trong khi đó, luật quy định 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng, NLĐ phải trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm để giải quyết. Việc gửi hồ sơ trực tuyến cũng không đơn giản với nhiều người. Họ sợ hết hạn 3 tháng, không hoàn thiện hồ sơ sẽ không được hưởng chính sách và cũng chỉ trông chờ vào khoản tiền này để trang trải cuộc sống.

* Tích cực hỗ trợ NLĐ

Tại Đồng Nai, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã làm cho 316 ngàn lao động phải ngừng việc, nghỉ việc, ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập và đời sống.

Thời gian qua, tỉnh cũng như các cấp, các ngành đang tích cực hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ theo Nghị quyết 68 nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ.

Theo Sở LĐ-TBXH, tính đến nay, BHXH tỉnh đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho 9.127 đơn vị và trên 659 ngàn NLĐ với số tiền trên 72 tỷ đồng. Hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền trên 43 tỷ đồng.

Ngoài ra, hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do đại dịch cho 156 đơn vị sử dụng trên 31 ngàn lao động với kinh phí hỗ trợ gần 67 tỷ đồng. Hỗ trợ NLĐ ngừng việc tại 69 DN sử dụng 2.449 lao động với số tiền là 3,12 tỷ đồng. UBND tỉnh đã ban hành quyết định hỗ trợ cho 10 NLĐ bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp với số tiền hơn 40 triệu đồng.

Để chia sẻ khó khăn với NLĐ, các cấp Công đoàn Đồng Nai đang đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, hỗ trợ NLĐ kịp thời. Các cán bộ Công đoàn cho rằng, gói an sinh 26 ngàn tỷ đồng cần bổ sung, sửa đổi một số quy định nhằm bổ sung đối tượng lao động hưởng thụ để NLĐ vượt qua khó khăn, nhanh chóng trở lại công việc.

Theo nhiều DN tại Đồng Nai, hiện cuộc sống của NLĐ đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Nhiều lao động nằm khu vực cách ly y tế, phong tỏa hơn 2 tháng nay và đời sống rất thiếu thốn. Vì vậy, gói an sinh hỗ trợ NLĐ cần thực hiện nhanh chóng, giảm bớt các thủ tục, tạo mọi điều kiện hỗ trợ NLĐ một cách kịp thời để đảm bảo cuộc sống cho NLĐ.

Các DN cũng thống nhất với đề xuất sửa đổi, bổ sung đối tượng NLĐ tại DN được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Theo các DN, để phòng, chống dịch hiệu quả, giữ nguồn lực lao động, địa phương ưu tiên đảm bảo an sinh cho NLĐ nhằm từng bước khôi phục kinh tế sau ảnh hưởng do đại dịch gây ra.

Để chăm lo cho NLĐ, nhiều DN đã nỗ lực trả lương cho NLĐ theo mức lương tối thiểu vùng để đảm bảo cuộc sống. Ông Nguyễn Quốc Thanh, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Phong Thái cho hay, dù DN ngừng hoạt động 2 tháng nay để phòng dịch nhưng hằng tháng vẫn trả lương tối thiểu vùng cho NLĐ lên đến 290 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, tập đoàn sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì mức lương tối thiểu vùng cho gần 65 ngàn lao động làm việc tại 5 công ty của tập đoàn.

Tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (TP.Biên Hòa), DN tập trung đông lao động với 17 ngàn người. Trong 2 tháng tạm ngừng việc, nhiều lao động nằm trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế tại P.Hóa An và P.Tân Hạnh đều gặp rất nhiều khó khăn. Những tháng qua, DN đã phải nỗ lực trả lương tối thiểu vùng cho NLĐ. Hiện DN đang làm thủ tục để NLĐ được hưởng gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouchen Việt Nam Nguyễn Tấn Pháp cho biết, để NLĐ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống trong thời gian tạm ngừng việc, công ty đã và đang hỗ trợ NLĐ làm thủ tục để kịp thời hưởng gói hỗ trợ theo Nghị quyết 23/2021/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo đó, công ty có gần 16 ngàn lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo danh sách quyết định của UBND tỉnh. Điều kiện hỗ trợ NLĐ bị ngừng việc từ ngày 11-7, đang tham gia BHXH được hưởng mức 1 triệu đồng/người; lao động mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người.

“Công đoàn công ty mong muốn gói an sinh sẽ nhanh chóng hỗ trợ NLĐ để giảm bớt áp lực, những khó khăn về cuộc sống của NLĐ do ảnh hưởng của dịch bệnh” - ông Pháp bày tỏ.

Lan Mai

Tin xem nhiều