Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhu cầu tuyển dụng giảm, người lao động khó xin việc

10:08, 14/08/2020

Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục trở lại với diễn biến phức tạp khiến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN) cũng giảm xuống. Theo đó, lao động thất nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình đi tìm việc làm, đặc biệt là lao động lớn tuổi và lao động bị ảnh hưởng việc làm từ đợt dịch đầu tiên.

Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục trở lại với diễn biến phức tạp khiến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN) cũng giảm xuống. Theo đó, lao động thất nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình đi tìm việc làm, đặc biệt là lao động lớn tuổi và lao động bị ảnh hưởng việc làm từ đợt dịch đầu tiên.

Người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai. Ảnh: L.Mai
Người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai. Ảnh: L.Mai

Anh Trần Văn Hạnh (ngụ tại xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) cho biết, sau hơn 3 tháng nghỉ việc tại Công ty TNHH Sanlim Furniture Việt Nam, đến nay anh vẫn chưa tìm được việc làm mới. Dù đã nộp hồ sơ xin việc đến vài DN để phỏng vấn nhưng anh đều được phòng nhân sự các công ty thông báo chờ. Đến nay, khi dịch bệnh trở lại, niềm hy vọng tìm được việc làm ổn định của anh Hạnh khá mong manh.

* Vất vả tìm việc làm

Anh Hạnh từng có 9 năm gắn bó với Công ty TNHH Sanlim Furniture Việt Nam với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Nguồn thu nhập này đủ để anh trang trải và nuôi các con ăn học. Tuy nhiên, trong đợt dịch bùng phát lần đầu, DN ít nhiều bị ảnh hưởng đến sản xuất nên cho một bộ phận lao động nghỉ việc, anh Hạnh là lao động phải nghỉ trong số đó. Bị chấm dứt hợp đồng lao động và chỉ được hưởng lương số ngày báo trước (45 ngày) nên anh rất bị động, cuộc sống trở nên chật vật hơn.

Anh Hạnh cho biết, hiện trên địa bàn H.Trảng Bom cũng có một số DN giày da, điện tử tuyển dụng lao động trở lại, nhưng lại ưu tiên lao động tay nghề và độ tuổi từ 18-30. Bản thân anh đã lớn tuổi, lại là lao động phổ thông nên rất khó để các đơn vị tuyển dụng vào làm. “Đến nay, tôi đã nộp hồ sơ xin việc tại 4 DN nhưng vẫn chưa tìm được việc. Chưa kể hiện nay, dịch bệnh trở lại, để tìm được công việc phù hợp lại càng khó khăn hơn” - anh Hạnh chia sẻ.

Tương tự, chị Trần Thị Hà có thâm niên làm việc 13 năm tại Công ty TNHH Fu Lien (TP.Biên Hòa) cũng nghỉ việc từ tháng 4 do ảnh hưởng của dịch bệnh và đến nay vẫn chưa tìm được công việc mới. Chị Hà cho biết, dù đã nộp hồ sơ xin việc ở một số công ty điện tử, giày da nhưng do chị đã lớn tuổi nên không hề dễ dàng. Hiện mọi chi phí trang trải của cả gia đình trông chờ vào nguồn thu nhập từ chồng.

“Khi vào làm việc tại công ty, tôi được ký hợp đồng vô thời hạn và thu nhập đã tăng 7,5 triệu đồng/tháng. Dịch bệnh bùng phát, DN thiếu đơn hàng, bắt buộc phải cắt giảm lao động, chúng tôi trở tay không kịp. Hiện, tôi vẫn nhờ các công ty giới thiệu việc làm tìm công việc phù hợp với tuổi của mình để mong có thêm thu nhập, lo cho gia đình” - chị Hà cho biết.

Không chỉ anh Hạnh, chị Hà mà nhiều lao động bị thất nghiệp trong đợt dịch đầu vẫn đang loay hoay đi tìm việc làm mới. Trong khi đó, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhu cầu tuyển dụng của các DN không còn sôi động như trước. Số lượng DN đăng ký tuyển dụng thưa thớt với những đòi hỏi khắt khe về tay nghề, kinh nghiệm khiến cho nhiều lao động không đáp ứng được.

* Nỗ lực hỗ trợ người lao động

Theo báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, số lao động bị mất việc làm trong 6 tháng của năm 2020 là khoảng 1,4 triệu người, trong đó lao động mất việc làm do các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất là gần 900 ngàn người; số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 565 ngàn người, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng tại Đồng Nai, theo số liệu của các cấp Công đoàn trong tỉnh, tính đến cuối tháng 5, có 219 DN với 186.060 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, có 9.051 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, còn lại nghỉ không hưởng lương hoặc thỏa thuận nghỉ hưởng lương tối thiểu vùng hoặc lương căn bản, làm việc luân phiên...

Trong số lao động bị nghỉ việc này, ngoài tìm được việc làm khác hoặc đi học nghề tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai với mục đích chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao tay nghề mong tìm kiếm được công việc phù hợp vẫn có nhiều lao động do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên phải chật vật đi tìm việc mới để có nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, để xin được việc trong thời điểm này khá khó khăn, nhất là với lao động lớn tuổi.

Theo Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai Trần Thị Thùy Trâm, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và thực hiện văn bản của UBND tỉnh về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai tạm dừng tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tiếp tại sàn cho đến khi có văn bản cho phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, thông tin tuyển dụng của các DN vẫn được cập nhật thường xuyên, chi tiết và đầy đủ trên Fanpage Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai. Người lao động quan tâm, muốn tìm kiếm việc làm phù hợp với mình, có thể vào xem thông tin tuyển dụng hằng ngày, vị trí công việc và các đơn vị tuyển dụng để lựa chọn công việc, có nguồn thu nhập trong đợt dịch.

Chị Nguyễn Thị Tâm, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Giới thiệu việc làm Tâm Dũng Sơn (TP.Biên Hòa) cho hay, trước đây vào dịp này, các DN tăng cường tuyển dụng lao động để phục vụ sản xuất, tuy nhiên hiện tại, số lượng các DN đăng ký tuyển dụng rất ít. Những ngành đang tuyển nhiều chỉ tập trung ở nhân viên thời vụ, nhân viên bán hàng, bán thức ăn nhanh. Còn những vị trí khác như kỹ thuật, nhân viên văn phòng, kế toán... cũng có nhưng ít hơn. Trong khi đó, số lượng người tìm việc hiện lại tăng, chủ yếu là lao động phải nghỉ do dịch bệnh nên tìm việc mới.

Cũng theo chị Tâm, phần lớn những lao động thất nghiệp do dịch là lao động phổ thông hoặc công nhân các nhà xưởng đã có tay nghề, song họ gặp khó khăn do lớn tuổi. Bên cạnh đó, nhiều DN đang hoạt động cầm chừng nên khó lòng tuyển dụng lao động mới. Vì vậy, thời điểm này, lao động thất nghiệp nên chọn những công việc tạm thời phù hợp với bản thân như bán hàng, giao hàng, làm thời vụ... để có việc làm, có thêm thu nhập cầm cự qua thời điểm khó khăn.

Lan Mai

Tin xem nhiều