Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực 'giữ chân' người lao động trong đại dịch Covid-19

08:04, 13/04/2020

Đứng trước khó khăn do những tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) đã và đang cân nhắc, tính toán để đưa ra các giải pháp nhằm ứng phó vượt qua đại dịch.

Đứng trước khó khăn do những tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) đã và đang cân nhắc, tính toán để đưa ra các giải pháp nhằm ứng phó vượt qua đại dịch.

Công ty CP Đồng Phú Cường (H.Định Quán) trao tặng khẩu trang cho người lao động. Ảnh: H.Thảo
Công ty CP Đồng Phú Cường (H.Định Quán) trao tặng khẩu trang cho người lao động. Ảnh: H.Thảo

Trong khi một số DN chọn giải pháp cắt giảm lao động nhằm giảm bớt chi phí, xác định nguy cơ thiếu hụt lao động trong tương lai, nhiều DN lại đang rất nỗ lực “giữ chân” người lao động (NLĐ) bằng việc thực hiện các giải pháp sắp xếp lại lao động, giãn việc, tận dụng cơ hội để kinh doanh các sản phẩm khác… nhằm tạo thêm việc làm cho NLĐ.

* Không cắt giảm lao động

“Công ty xác định sẽ nỗ lực giữ việc làm và trả lương duy trì đời sống cho NLĐ. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp cận, tìm hiểu và tận dụng các gói hỗ trợ từ Chính phủ, các nguồn vay ngân hàng, tìm kiếm những hợp đồng mới để bù đắp lượng việc làm thiếu hụt do nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn vì tác động của dịch. Nếu DN không nỗ lực giữ lao động, sau dịch DN sẽ không có lao động ổn định sản xuất, trong khi đó việc tuyển dụng rất khó khăn” - Giám đốc sản xuất Công ty CP quốc tế Pancera Nguyễn Công Đoàn cho hay.

Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien Việt Nam (Khu công nghiệp (KCN) Tam Phước, TP.Biên Hòa) Nguyễn Thị Thanh Tin cho biết, hiện tại DN đang phải đối mặt với những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh vì đại dịch. Hàng đã sản xuất ra không thể xuất khẩu như kế hoạch, doanh thu giảm. Với tình hình hiện tại, công ty có thể duy trì hoạt động được trong khoảng 3 tháng nữa. Sau khoảng thời gian này, nếu dịch chưa qua, DN sẽ vô cùng khó khăn.

Nhận thức rõ được tình thế, công ty cùng Công đoàn cơ sở đã bàn bạc, tính toán những phương án tối ưu nhất để chống chọi với khó khăn hiện tại và ổn định sản xuất sau đại dịch. Trong đó, xác định rõ việc chăm lo, “giữ chân” NLĐ trong và sau đại dịch là điều cần phải ưu tiên nhất.

“Dù đang rất khó khăn, song chúng tôi chưa từng nghĩ đến việc sẽ cắt giảm bất cứ lao động nào. Thay vào đó, chúng tôi đang cố gắng hết mức có thể trong điều kiện hiện tại để duy trì việc làm và thu nhập đảm bảo ở mức sống cơ bản cho NLĐ, có cắt giảm giờ làm nhưng vẫn duy trì lực lượng lao động, động viên NLĐ cùng DN cố gắng vượt qua đại dịch. Đồng thời, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp cận các chính sách về lao động việc làm, chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ để vượt khó và “giữ chân” NLĐ” - bà Nguyễn Thị Thanh Tin nhấn mạnh.

Tương tự, dù công ty doanh thu không có, trong khi đó chi phí lao động rất lớn, nếu cắt giảm sẽ có thể giúp DN giảm bớt “gánh nặng” thời điểm hiện tại song Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP Gạch men Ý Mỹ (KCN Tam Phước) Dương Khắc Kỷ cho biết, trong những tính toán, chiến lược để ứng phó vượt qua đại dịch của công ty, không có phương án cắt giảm lao động. Mặt khác, công ty còn cân nhắc làm sao để NLĐ tin tưởng chia sẻ khó khăn với DN và cùng đồng hành với DN vượt khó.

Công ty có gần 600 lao động, do tác động của dịch bệnh Covid-19, từ khoảng giữa tháng 2 trở đi, việc xuất hàng gần như đình trệ. Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp khiến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN đến nay càng thêm khó khăn. “Công ty xác định tài chính và lực lượng lao động đều là hai nguồn lực quan trọng của mỗi DN. Cắt giảm lao động để giảm chi phí trong giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19 sẽ khiến DN phải đối diện với nguy cơ thiếu hụt một lực lượng lớn lao động ở giai đoạn hồi phục sau dịch, đặc biệt là những lao động lành nghề, có chất lượng cao” - ông Kỷ chia sẻ.

Hiện tại, công ty vẫn sắp xếp cho một bộ phận công nhân thực hiện công việc bảo trì máy mỗi ngày, số lao động tạm nghỉ vẫn được công ty trả lương đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật.

* Tạo việc làm mới cho NLĐ

Không những không cắt giảm lao động, nhiều DN vẫn nỗ lực duy trì các chế độ phúc lợi khác cho NLĐ. Nhiều DN tìm kiếm, tận dụng cơ hội để kinh doanh các sản phẩm mà người tiêu dùng đang cần như khẩu trang… để tạo việc làm cho NLĐ.

Ông Nguyễn Công Đoàn, Giám đốc sản xuất Công ty CP quốc tế Pancera (KCN Gò Dầu, H.Long Thành) cho hay, dịch Covid-19 đã có những tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất của DN. Khoảng thời gian sau Tết cho đến hết tháng 2, DN rất khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu cũng như xuất hàng nên hoạt động sản xuất phải tạm ngưng từ đó đến nay.

Tuy nhiên, công ty và Công đoàn thống nhất phương châm là phải “giữ chân” NLĐ trong đợt dịch. Trong đó, không những phải đảm bảo lương mà còn phải duy trì đầy đủ các phúc lợi cho NLĐ như trước đó.

Theo đó, công ty đã tổ chức lại sản xuất để đảm bảo ai cũng được đi làm. Thậm chí, dù đơn hàng không xuất được, NLĐ đến công ty không phải trực tiếp sản xuất mà chỉ làm những công việc đơn giản như: lau chùi máy móc, vệ sinh nhà xưởng… nhưng vẫn được hưởng lương và các chế độ chính sách phúc lợi đầy đủ như trước đây. Công ty đều đặn trích 6 ngàn đồng/NLĐ vào quỹ phúc lợi cho NLĐ và dùng vào việc chăm lo cho NLĐ. Từ đầu năm đến nay, có rất nhiều trường hợp NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị ốm đau, hoạn nạn đã được hỗ trợ hàng chục triệu đồng mỗi người từ quỹ này.

Trong khi đó, tại Công ty CP Đầu tư LGD (H.Trảng Bom), trước những diễn biến phức tạp của dịch làm tác động đến tâm lý của NLĐ, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Hưng đã gửi thư tới NLĐ nhằm động viên NLĐ an tâm gắn bó, đồng hành với DN vượt qua đại dịch.

Trong thư, Chủ tịch HĐQT công ty Nguyễn Khánh Hưng nhấn mạnh, công ty sẽ không cắt giảm nhân sự, không cắt giảm lương, thu nhập của NLĐ vì bất cứ lý do gì trong thời gian xảy ra đại dịch. Mặt khác, vẫn duy trì đầy đủ các chế độ phúc lợi đã và đang được áp dụng tại DN trong suốt thời gian qua. Đồng thời, để sẻ chia khó khăn với NLĐ trong đợt dịch, công ty áp dụng thêm phúc lợi mới là, từ tháng 3 hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/học sinh là con của NLĐ có độ tuổi dưới 18 cho đến khi các em được đi học lại theo lịch trình của Bộ GD-ĐT. Công ty kêu gọi NLĐ tiếp tục an tâm làm việc, tiếp tục gắn bó lâu dài với công ty và thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn, khuyến cáo về phòng, chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế... tích cực chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi đại dịch.

Trong khi đó, cũng vì tác động của dịch bệnh mà hiện tại đầu ra sản phẩm của Công ty CP Đồng Phú Cường (H.Định Quán) đang bị ảnh hưởng rất lớn. Công ty đã phải cho NLĐ tạm nghỉ việc từ ngày 27-3 đến 15-4 để sắp xếp, tính toán phương án ứng phó trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, Giám đốc Công ty CP Đồng Phú Cường Ngô Ngọc Thuận cho hay, với quyết tâm không để NLĐ phải mất việc, giảm thu nhập, công ty đã nỗ lực tìm kiếm và liên kết với một số DN ngành may mặc khác chuyển qua may mặt hàng khẩu trang để xuất khẩu.

“Dự kiến, từ ngày 18-4, NLĐ có thể bắt đầu đi làm trở lại. Trước đây, bên cạnh sản phẩm may mặc chính của công ty, công ty cũng đã có thực hiện may khẩu trang nhưng chủ yếu là phục vụ cho nhu cầu sử dụng để phòng dịch của NLĐ, còn nay là để xuất khẩu, tạo việc làm cho gần 3 ngàn lao động công ty trong đợt dịch” - ông Thuận cho hay.

Chị Trương Thị Nga, NLĐ tại Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien Việt Nam chia sẻ: “Nhìn những khu vực chứa hàng hóa đã sản xuất nhưng chưa xuất khẩu được cứ ngày một nhiều lên, thậm chí nguyên vật liệu phải đưa ra ngoài khu vực sân bãi rồi che bạt để nhường kho để hàng thành phẩm, chúng tôi ý thức rõ được công ty đang khó khăn như thế nào. Dẫu vậy, công ty vẫn đang tạo điều kiện bố trí công việc luân phiên, trả lương đầy đủ cho chúng tôi, không ai bị mất việc. Điều đó chắc chắn là cả một sự nỗ lực rất lớn. Trong khó khăn công ty vẫn không “bỏ rơi” NLĐ, vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng làm việc và gắn bó với DN lâu dài, hiện tại và cả sau đại dịch”.

Hồ Thảo

Tin xem nhiều