Báo Đồng Nai điện tử
En

Cạnh tranh bằng sản xuất xanh

08:05, 04/05/2023

Đồng Nai nằm trong tốp 6 tỉnh, thành có sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. Do đó, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu của tỉnh tăng hoặc giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cả nước.

Đồng Nai nằm trong tốp 6 tỉnh, thành có sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. Do đó, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu của tỉnh tăng hoặc giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cả nước.

Nhận thức được điều đó, từ hơn 10 năm trước, Đồng Nai đã thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc. Cụ thể, tỉnh ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Đồng thời, luôn khuyến khích các doanh nghiệp (DN) trong nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài trên lĩnh vực công nghiệp chuyển đổi công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, góp phần bảo vệ môi trường.

Việc chuyển đổi trên sẽ giúp các DN tại Đồng Nai giảm được áp lực thiếu lao động trong các nhà máy. Các nhà máy chuyển dịch dần để tham gia vào kinh tế tuần hoàn, tiếp đến là sản xuất xanh và đích đến là nền kinh tế phát triển bền vững theo xu hướng toàn cầu. Thời gian qua, những DN đi đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại để tham gia sản xuất xanh đã gặt hái được những kết quả cao hơn hẳn so với sản xuất theo hướng truyền thống. Bởi các nhãn hàng quốc tế đều có lộ trình, khuyến khích các nhà máy liên kết, hợp tác với mình phải tham gia vào sản xuất xanh. Vì thế, trong cuộc đua giành thị phần để phát triển bền vững, DN nào đi trước trong ứng dụng công nghệ sản xuất xanh sẽ tăng được lợi thế cạnh tranh ở cả thị trường trong nước lẫn nước ngoài.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, năm 2022, Việt Nam đã phải nhường vị trí xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 thế giới cho Bangladesh và lùi về vị trí thứ 3 là do chậm chân trong chuyển đổi công nghệ để trở thành nhà máy xanh. Do đó, với lĩnh vực dệt may, nếu các DN chậm chân trong tham gia vào sản xuất xanh sẽ mất dần cơ hội
cạnh tranh.

Ngoài dệt may thì các ngành nghề khác như: giày dép, máy móc thiết bị, điện tử, sản phẩm gỗ…, nếu DN không nhanh chóng đầu tư để sản xuất xanh sẽ khó cạnh tranh với những mặt hàng cùng loại đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia hội nhập sâu với 15 hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương đã được ký kết và có hiệu lực nên thị trường xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được mở rộng. Vì thế, cơ hội sẽ đi kèm thách thức cho các DN có vốn đầu tư trong nước và DN vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. DN nào ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại để đi đầu trong lộ trình tham gia vào sản xuất xanh của các nhãn hàng quốc tế sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn so với các DN chậm chuyển đổi công nghệ.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đang hướng đến nền kinh tế bền vững để bảo vệ môi trường, hạn chế những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Do đó, sản xuất công nghiệp phải tham gia vào sản xuất xanh và DN nào đi trước sẽ có cơ hội vượt lên để giữ vững và mở rộng được thị trường nội địa, xuất khẩu.

Hương Giang

Tin xem nhiều