Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần "cú hích" cho du lịch Đồng Nai chuyển mình

03:12, 23/12/2022

Đồng Nai có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, nhưng qua nhiều năm vẫn chưa khai thác được. Do đó, du lịch của tỉnh năm 2022 ước thu hút trên 2,2 triệu lượt khách nhưng doanh thu từ dịch vụ du lịch chỉ đạt khoảng 1,2 ngàn tỷ đồng. Như vậy, bình quân một khách du lịch đến tỉnh chỉ chi tiêu hơn 500 ngàn đồng/người/lần.

Đồng Nai có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, nhưng qua nhiều năm vẫn chưa khai thác được. Do đó, du lịch của tỉnh năm 2022 ước thu hút trên 2,2 triệu lượt khách nhưng doanh thu từ dịch vụ du lịch chỉ đạt khoảng 1,2 ngàn tỷ đồng. Như vậy, bình quân một khách du lịch đến tỉnh chỉ chi tiêu hơn 500 ngàn đồng/người/lần.

Nguyên nhân là do du khách đến Đồng Nai thường đi về trong ngày và ít chi tiêu cho các dịch vụ khác đi kèm. Bởi trong các khu, điểm du lịch của tỉnh chưa có những đặc sản vùng đủ sức hấp dẫn du khách. Đồng thời, giữa các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh cũng chưa có kết nối tốt để tạo ra tour giữ chân khách trong 2-3 ngày, dù Đồng Nai có rất nhiều sông, hồ, rừng, thác phong cảnh rất đẹp.

Theo các công ty du lịch, muốn cho du lịch Đồng Nai phát triển thì cơ sở hạ tầng kết nối các khu, điểm du lịch phải thuận tiện, những dịch vụ đi kèm đáp ứng được nhu cầu của du khách. Các sản phẩm đặc sắc của địa phương đưa vào bán trong các khu du lịch phải phù hợp để làm quà lưu niệm.  

Nhận thấy tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế, cuối năm 2021, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU với quan điểm phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Trong các buổi làm việc với UBND tỉnh và các địa phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhiều lần nhấn mạnh, Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, muốn du lịch tạo đột phá đem lại doanh thu lớn, tỉnh phải huy động các nguồn lực tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, đặc biệt là các tuyến đường giao thông, bến tàu gắn với khu, điểm du lịch và sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh phải lựa chọn được những nhà đầu tư có năng lực về tài chính và kinh nghiệm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư hình thành những khu du lịch có quy mô lớn, chất lượng cao, sản phẩm đa dạng.

Sau Nghị quyết 04, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND với mục đích yêu cầu các sở, ngành, địa phương đổi mới tư duy về phát triển du lịch trong tình hình mới. Hình thành một số khu, điểm du lịch, dịch vụ tổng hợp ở các địa phương, nhất là các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch như: Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán, Nhơn Trạch, Long Khánh… Trong đó có một số khu du lịch lớn, tạo sức lan tỏa cho phát triển du lịch của tỉnh. Mục tiêu của Đồng Nai đến năm 2030 sẽ trở thành địa phương trọng điểm du lịch của vùng Đông Nam bộ, đón 9 triệu lượt khách và đem lại doanh thu dịch vụ du lịch khoảng 10 ngàn tỷ đồng.

Để biến mục tiêu trên thành hiện thực, tỉnh đã công bố danh mục 6 dự án du lịch lớn với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD để mời gọi doanh nghiệp trong nước, nước ngoài có đủ tiềm lực tham gia. Chính quyền Đồng Nai cam kết sẽ đồng hành và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào du lịch. Với doanh nghiệp đã đầu tư các khu, điểm du lịch, tỉnh cũng hỗ trợ khôi phục hoạt động kinh doanh thông qua các chương trình xúc tiến du lịch để giới thiệu hình ảnh, sản phẩm của đơn vị đến du khách, doanh nghiệp lữ hành ngoài tỉnh.

                                      Hương Giang

Tin xem nhiều