Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng

06:05, 31/05/2022

Tại hội thảo khoa học Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị do Ban TVTU tổ chức ngày 30-5, nhiều ý kiến đồng thuận rằng, giữ vững và tăng cường kỷ luật, kỷ cương là một trong những giải pháp cơ bản, quan trọng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Tại hội thảo khoa học Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị do Ban TVTU tổ chức ngày 30-5, nhiều ý kiến đồng thuận rằng, giữ vững và tăng cường kỷ luật, kỷ cương là một trong những giải pháp cơ bản, quan trọng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Đặc biệt, trước yêu cầu, nhiệm vụ phát triển mới trong thời đại công nghiệp 4.0, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Có một thực tế là vừa qua, Đảng liên tiếp thi hành kỷ luật, xử lý nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, giữ những cương vị quan trọng trong hệ thống chính trị. Điều này cho thấy Đảng rất kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ vì hậu quả mà những cán bộ, đảng viên này gây ra ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến uy tín, niềm tin của nhân dân vào Đảng. Để siết chặt hơn nữa tính kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, cần thêm những giải pháp đồng bộ, từ khâu đào tạo, tuyển dụng, đề bạt hay điều động, luân chuyển và đặc biệt là cơ chế, chính sách để bảo vệ cán bộ, đồng thời thay thế ngay những cán bộ thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy. Quan trọng hơn, theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, công tác cán bộ phải có tầm nhìn dài hạn; chọn cán bộ phải chọn người phù hợp với vị trí công việc để họ phát huy được năng lực của mình. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ phải thực sự liêm khiết. Liêm khiết phải trở thành tiêu chuẩn hàng đầu của tất cả cán bộ lãnh đạo.

Để giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, công tác kiểm tra, giám sát có vai trò quan trọng. Qua kiểm tra, giám sát sẽ phát huy ưu điểm, nhân rộng những việc làm tốt, uốn nắn, sửa chữa khuyết điểm mới manh nha, đảm bảo cho Đảng đề ra những chủ trương lãnh đạo sát, đúng với tình hình thực tế. Đặc biệt, trong công tác kiểm tra, giám sát phải chú trọng “5 dựa” gồm: dựa vào tổ chức Đảng; dựa vào tinh thần tự giác của tổ chức Đảng và đảng viên; phát huy trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng; làm tốt công tác thẩm tra, xác minh và phối hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán của Nhà nước, thanh tra nhân dân, công tác kiểm tra, giám sát của các đoàn thể chính trị - xã hội, nghề nghiệp, ban, ngành có liên quan. Kiểm tra, giám sát càng tốt sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm của cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và hệ thống chính trị.

Trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng đang thực hiện quyết liệt việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, việc phát huy tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên và trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tính tiền phong, gương mẫu phải được thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này không tự nhiên mà có mà phải do người cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày thông qua quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ mới có được. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Người đảng viên, dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp, ở đâu cũng phải làm gương cho quần chúng… Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”.     

      Nguyễn Phượng

Tin xem nhiều