Báo Đồng Nai điện tử
En

Dẹp "loạn" tin giả trên mạng xã hội

08:07, 27/07/2021

Những năm gần đây, tin giả đang là vấn nạn nhức nhối trên không gian mạng. Đặc biệt, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đến nay, có rất nhiều tin giả, thông tin sai sự thật, chưa đầy đủ, thiếu kiểm chứng về tình hình dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch bệnh được đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội (MXH) gây hoang mang, lo lắng trong dư luận, tác động xấu đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Những năm gần đây, tin giả đang là vấn nạn nhức nhối trên không gian mạng. Đặc biệt, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đến nay, có rất nhiều tin giả, thông tin sai sự thật, chưa đầy đủ, thiếu kiểm chứng về tình hình dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch bệnh được đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội (MXH) gây hoang mang, lo lắng trong dư luận, tác động xấu đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân chính của tình trạng nêu trên là do hiểu biết cũng như ý thức chấp hành pháp luật của nhiều người dùng MXH chưa cao hay đơn giản chỉ muốn “câu view”, “câu like” để tăng sự chú ý mà bất chấp hiểm họa của tin giả gây ra cho xã hội cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Từ đó, tạo điều kiện cho các đối tượng thù địch đăng tải những thông tin xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân về những nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh của Nhà nước.

Trong thời gian qua, đa phần các tài khoản MXH đăng tải những thông tin thất thiệt sau đó đều bị các cơ quan chức năng xác minh và xử lý nghiêm, nhưng đến nay tình hình vi phạm vẫn tái diễn. Vì vậy, dẹp “loạn” tin giả là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các ngành chức năng đang quan tâm hiện nay trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Nhiều giải pháp đã được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đề ra để dẹp “loạn” tin giả. Ngoài việc mạnh tay xử lý các vi phạm còn chú trọng đa dạng các kênh thông tin về tình hình dịch bệnh đến người dân. Bên cạnh các kênh báo chí chính thống, còn có các kênh của hội, đoàn thể, chính quyền mỗi địa phương. Cụ thể như mới đây, UBND TP.Biên Hòa triển khai ứng dụng Bien Hoa Smartcity để tra cứu diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố hoặc HĐND TP.HCM triển khai đường dây nóng tiếp nhận phản ảnh, kiến nghị của người dân qua Tổng đài 1022… Đây được xem là giải pháp khá hữu hiệu trong ngăn chặn tin giả vì một khi người dân được tiếp cận kịp thời các thông tin về dịch bệnh sẽ hạn chế tối đa việc đăng tải, chia sẻ những thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng lên MXH.

Để không tạo ra những tin giả, điều quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, hiểu biết pháp luật, trong đó có nguyên tắc ứng xử khi sử dụng MXH của người dân. Từ đó giúp người dân có ý thức, trách nhiệm hơn khi đăng tải, chia sẻ thông tin trên MXH; biết cảnh giác, phân biệt các tin giả, thông tin xấu, độc, xuyên tạc trên không gian mạng.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. “Cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phấn đấu chiến thắng đại dịch. Một trong những việc làm thiết thực, ý nghĩa lúc này của mỗi người dân là nói không với việc đăng tải, chia sẻ tin giả, tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật về tình hình dịch bệnh; tăng cường lan tỏa những thông tin tích cực, các hoạt động tương thân, tương ái, tinh thần đoàn kết, yêu nước cũng như sự cảm thông, chia sẻ với những vất vả, nỗ lực của lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.     

Đ.N

 

Tin xem nhiều