Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu kép

08:06, 08/06/2021

Tháng 6-2021 khởi đầu bằng "làn sóng thứ tư" của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam - "làn sóng" dữ dội nhất từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam với hơn 9 ngàn ca nhiễm khắp cả nước.

Tháng 6-2021 khởi đầu bằng “làn sóng thứ tư” của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam - “làn sóng” dữ dội nhất từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam với hơn 9 ngàn ca nhiễm khắp cả nước.

Ở góc độ sản xuất, kinh doanh, “làn sóng dịch thứ tư” này đem lại nhiều thách thức, khó khăn rất lớn bởi gần 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề đã khá “đuối” khi phải nỗ lực liên tục nhằm giữ nhịp sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh “phập phồng” chống dịch.

Thêm một thách thức mới là ở “làn sóng dịch thứ tư” này, đã xuất hiện nhiều ca nhiễm trong các công ty, khu công nghiệp (đặc biệt tại các “điểm nóng” như: Bắc Giang, Bắc Ninh và TP.HCM). Với đặc thù làm việc tập trung trong môi trường kín, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nỗi lo chỉ cần một người nhiễm bệnh là hoạt động sản xuất, kinh doanh gần như ngay lập tức phải đình đốn.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề dễ bị “tổn thương” vì dịch bệnh như: du lịch, dịch vụ…) đang cố gắng “cầm cự” để không phá sản. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức tồn tại trong bối cảnh đặc biệt khó khăn này. Chưa kể, cũng do ảnh hưởng từ đại dịch, rất nhiều nguyên liệu đầu vào đã và đang tăng giá mạnh (ví dụ thép xây dựng và vật tư nông nghiệp đã tăng giá từ 30-90% so với cuối năm 2020). Rất nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ thua lỗ do “khó chồng khó”, hàng hóa tiêu thụ chậm, nguyên liệu đầu vào tăng “phi mã”.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội mới công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm nay, đã có 59,8 ngàn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong số đó, có 31,8 ngàn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20 ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8 ngàn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 12 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (nguồn: Tổng cục Thống kê).

Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp với hàng ngàn doanh nghiệp đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực và 1,2 triệu công nhân lao động đang làm việc, nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai cũng đang nỗ lực từng ngày để thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra: vừa chống dịch, vừa phát triển sản xuất, kinh doanh. Dù rất khó khăn, song doanh nghiệp nào cũng đang cố gắng bằng hết khả năng vốn có.

Để giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế trong bối cảnh này, điều doanh nghiệp cần lúc này vẫn là những trợ lực thiết thực, kịp thời của Nhà nước như: giãn nợ, giảm thuế, tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục, giảm bớt các hình thức thanh tra, kiểm tra không cần thiết, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, giữ chân người lao động… Có như thế, doanh nghiệp mới đủ sức tồn tại trong đại dịch và đóng góp thêm nguồn lực cho đất nước trong hoàn cảnh khó khăn này.

V.L

Tin xem nhiều