Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người lao động

10:01, 27/01/2021

Trong tham luận trình bày tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 27-1, các đại biểu đánh giá việc tạo cơ chế pháp lý, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động là những vấn đề rất quan trọng, cần được Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.

Trong tham luận trình bày tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 27-1, các đại biểu đánh giá việc tạo cơ chế pháp lý, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động là những vấn đề rất quan trọng, cần được Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

 

Đại diện cho 10,4 triệu đoàn viên Công đoàn Việt Nam phát biểu tham luận tại đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, đồng hành cùng dân tộc, là lực lượng và chỗ dựa tin cậy, trung thành của Đảng. Các cấp Công đoàn Việt Nam thường xuyên đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, tích cực chăm lo xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Các cấp Công đoàn đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, đề xuất và tổ chức các hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho đoàn viên như: Mái ấm Công đoàn;  Tết sum vầy, Tháng Công nhân, Ngày hội Công nhân - Phiên chợ nghĩa tình, Nâng cao chất lượng bữa ăn ca; Phúc lợi đoàn viên, xây dựng các thiết chế Công đoàn, tham gia tháo gỡ những vấn đề bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa, chăm sóc sức khỏe cho công nhân...

Giai cấp công nhân Việt Nam đã lớn mạnh về số lượng, trưởng thành về chất lượng; khẳng định, phát huy vai trò, địa vị của mình trong thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tuy chỉ chiếm khoảng 14% dân số, 27% lực lượng lao động xã hội, song hằng năm giai cấp công nhân Việt Nam đã tạo ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% giá trị thu ngân sách nhà nước, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự - an toàn xã hội, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Những năm tới, điều kiện, môi trường hoạt động của tổ chức Công đoàn, sự phát triển của giai cấp công nhân dự báo sẽ có những thay đổi quan trọng. Xu hướng hội nhập quốc tế mạnh mẽ, nhất là việc nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và phê chuẩn các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế, cho phép ra đời tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài tổ chức Công đoàn, trực tiếp thách thức tới vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn Việt Nam, đặt ra cho cả hệ thống chính trị nhiều vấn đề phải quan tâm giải quyết.

Để “tổ chức Công đoàn Việt Nam mãi mãi xứng đáng là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh cần tiếp tục tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Bộ Chính trị sớm thông qua “Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, làm căn cứ ban hành nghị quyết chuyên đề, toàn diện về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về giai cấp công nhân trong thời kỳ mới; thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về Công đoàn, giai cấp công nhân, người lao động thành pháp luật; tạo hành lang pháp lý tốt nhất bảo vệ người lao động, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tham luận tại đại hội, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho rằng, đảm bảo cơ hội tiếp cận các vấn đề an sinh xã hội, phúc lợi xã hội một cách công bằng đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ di cư lao động, phụ nữ nông thôn, phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ là vấn đề quan trọng được các cấp Hội rất quan tâm…

Hội LHPN Việt Nam trân trọng đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu để hoàn thiện các chính sách có lồng ghép giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ nói chung, đặc biệt là phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, phụ nữ nông thôn, phụ nữ di cư, phụ nữ dân tộc thiểu số có cơ hội được tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội như việc làm, giáo dục, thai sản, nhà trẻ, nhà ở. Đặc biệt, cần coi đây là nền tảng phúc lợi, là ưu việt mà chế độ xã hội chủ nghĩa mang lại cho mỗi người dân để từng bước quan tâm giải quyết.

Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp các bộ, ngành chức năng cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, xây dựng, thực hiện các đề án, chương trình, các chính sách an sinh xã hội liên quan đến phụ nữ, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra "quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội; không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân".

Đỗ Bình

 

Tin xem nhiều