Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì sự tiện ích, hài lòng của người dân

09:02, 14/02/2020

Tại hội nghị của Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, qua hơn 1 năm xây dựng chính phủ điện tử đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tại hội nghị của Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, qua hơn 1 năm xây dựng chính phủ điện tử đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, đáng chú ý là tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tăng gấp đôi. Hệ thống trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước từng bước phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, năm 2020 là năm có nhiều thách thức, nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, do đó cần những giải pháp mới để thực hiện đạt kết quả tốt, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiểu một cách đơn giản nhất, xây dựng chính quyền điện tử là việc ứng dụng những thành tựu công nghệ thông tin vào các hoạt động của Chính phủ với mục đích nâng cao tính hiệu quả, minh bạch và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào các hoat động của chính quyền. Tương tự, ở các địa phương, xây dựng chính quyền điện tử nhằm đem đến tiện ích, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong xử lý những công việc liên quan đến thủ tục hành chính. Thay vì người dân, doanh nghiệp phải tới tận nơi, mất thời gian chờ đợi, đi lại, có thể giải quyết mọi thủ tục hoàn toàn trên môi trường mạng. Điều này hạn chế đến mức thấp nhất sự phiền hà, nhũng nhiễu vốn tồn tại khá lâu trong bộ máy công quyền của nước ta trước đây.

Tại Đồng Nai, việc xây dựng chính quyền điện tử được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Trong nhiều cuộc họp quan trọng của tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải nghiêm túc xem cải cách hành chính, mà trọng tâm là thủ tục hành chính, là nhiệm vụ đột phá. Đặc biệt, cán bộ, công chức nào không đáp ứng được yêu cầu công việc, còn có thái độ gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp phải thay thế ngay. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng thì đề nghị người đứng đầu các đơn vị phải tiên phong trong tiếp thu công nghệ mới, cách làm sáng tạo, có trình độ về công nghệ thông tin, bởi cốt lõi của chính quyền điện tử chính là nền tảng công nghệ thông tin vững vàng. Muốn công tác quản lý, điều hành chuyên nghiệp, hiệu quả thì không còn cách nào khác là phải thích ứng và làm chủ được công nghệ.

Đồng Nai đã và đang chuẩn bị khá kỹ càng về hạ tầng công nghệ nhằm tăng tính kết nối, liên thông, tương tác giữa các sở, ngành, địa phương với người dân, doanh nghiệp. Hy vọng rằng cùng với quyết tâm và sự chuẩn bị tốt về nền tảng kỹ thuật, nhất là phát huy những kết quả bước đầu đã đạt được trong thực hiện chính quyền điện tử, Đồng Nai sẽ là một trong những địa phương đi đầu, góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển kinh tế - xã hội, thực sự đem lại nhiều tiện ích và sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều