Với một quốc gia có dân số đông, nền kinh tế chưa phát triển mạnh như Việt Nam, xuất khẩu lao động (XKLĐ) được xem là một giải pháp hữu hiệu để tạo việc làm, giảm nghèo, tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước. Thực tế cũng đã cho thấy, hiệu quả thiết thực, ý nghĩa của chủ trương này.
Với một quốc gia có dân số đông, nền kinh tế chưa phát triển mạnh như Việt Nam, xuất khẩu lao động (XKLĐ) được xem là một giải pháp hữu hiệu để tạo việc làm, giảm nghèo, tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước. Thực tế cũng đã cho thấy, hiệu quả thiết thực, ý nghĩa của chủ trương này.
Theo thống kê của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, năm 2018, cả nước có trên 142 ngàn người đi XKLĐ, vượt 30% so với kế hoạch. Riêng 6 tháng của năm 2019, đã có gần 67 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt xấp xỉ 60% kế hoạch của năm 2019. Hiện có khoảng 580 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, phổ biến nhất là ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc).
Đáng mừng là nếu như trước kia, lao động Việt Nam sang nước ngoài làm việc chủ yếu ở những nhóm ngành, nghề giản đơn như: giúp việc, công nhân, nông dân thì nay đã có những lao động có trình độ, tay nghề cao được doanh nghiệp nước ngoài tuyển chọn với chế độ đãi ngộ hết sức đặc biệt. Đây cũng là hướng phát triển lâu dài trong hoạt động XKLĐ của Việt Nam: XKLĐ chất lượng cao, đáp ứng được những thị trường lao động khó tính trên thế giới.
Tuy nhiên, có một vấn đề gây nhức nhối nhiều năm qua trong công tác XKLĐ làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người lao động đó là hoạt động của những đơn vị, cá nhân XKLĐ “chui”. Do thiếu thông tin, người lao động có nhu cầu đi XKLĐ đã không lựa chọn những đơn vị được phép XKLĐ mà đi XKLĐ bằng những con đường bất hợp pháp, dẫn đến “tiền mất, tật mang”. Vụ 39 người tử vong trên xe tải ở Anh, trong đó có người Việt Nam là minh chứng đau lòng cho việc đi XKLĐ bằng con đường “rỉ tai nhau”, không thông qua một đơn vị có chức năng XKLĐ.
Ngay tại Đồng Nai, một địa phương mà người lao động chưa mặn mà với XKLĐ, thời gian qua cũng đã có những trường hợp mất tiền oan vì đi XKLĐ “chui”, chi tiền cho doanh nghiệp hoặc cá nhân không có thẩm quyền. Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý hoạt động XKLĐ, đặc biệt là việc tuyên truyền, phổ biến những quy định liên quan đến vấn đề này để người dân biết, không tham gia các đường dây XKLĐ “chui”. Người có ý định đi XKLĐ cũng cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng nhất định, nhất là tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị tuyển dụng lao động, tránh tình trạng mất tiền mà chờ mãi không đi được hoặc sang được nước ngoài nhưng công việc lại không như mong muốn, thậm chí khổ cực, vất vả, thu nhập thấp hơn ở quê nhà.
Minh Ngọc